Sở GD-ĐT TPHCM công bố 22 lĩnh vực học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật

Bích Thanh
Bích Thanh
17/09/2023 18:40 GMT+7

Ngày 17.9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố 22 lĩnh vực nghiên cứu của cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024.

Sở GD-ĐT TPHCM công bố 22 lĩnh vực để học sinh nghiên cứu KHKT - Ảnh 1.

Học sinh tham gia vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm học 2022-2023

BẢO CHÂU

Theo đó, cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh lớp 8, 9, học sinh THPT, trung tâm GDTX, GDNN-GDTX. Cụ thể, Sở GD-ĐT quy định, các dự án nghiên cứu KHKT sẽ xoay quanh 22 lĩnh vực, như: khoa học động vật, khoa học xã hội và hành vi, hóa sinh, y sinh và khoa học sức khỏe, hoá học, toán học, vi sinh, vật lý và thiên văn, robot và máy thông minh…

Dự án có thể của 1 học sinh hoặc nhóm tập thể 2 học sinh trong cùng một đơn vị dự thi. Mỗi học sinh chỉ được tham gia 1 dự án. Các dự án có thể là kế hoạch, giải pháp, mô hình, sản phẩm cụ thể, có thể được làm dưới dạng các video clip có thời gian dưới 3 phút.

Sở GD-ĐT cũng quy định rõ điều kiện để trường được tham gia cuộc thi nghiên cứu KHKT là phải có hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học và có tổ chức vòng thi KHKT tại cơ sở.

Về số lượng dự thi, mỗi phòng GD-ĐT đăng ký tối đa 22 dự án, riêng TP. Thủ Đức đăng ký tối đa 44 dự án. Các trường THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX đăng ký tối đa 3 dự án.

Các đơn vị dự thi có dự án đạt giải nhất kỳ thi KHKT dành cho học sinh cấp thành phố năm học 2022-2023 được đăng ký thêm 3 dự án. Các đơn vị dự thi có dự án tham dự kỳ thi KHKT dành cho học sinh cấp quốc gia trong 5 năm gần nhất thì được đăng ký thêm tối đa 3 dự án.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, những quy định trên nêu ra nhằm đưa hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường trung học đi vào chiều sâu, trở thành hoạt động giáo dục thường niên. Từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo của mỗi nhà trường, hỗ trợ hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thúc đẩy giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường THCS, THPT.

Cũng thông qua sân chơi này các trường thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong các nhà trường, khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu… hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.