Số hóa di tích lịch sử, văn hóa

Hải Phong
Hải Phong
14/09/2023 08:00 GMT+7

Các cấp bộ Đoàn ở tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện số hóa 12 di tích lịch sử trên địa bàn nhằm quảng bá, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Mới đây, Thành đoàn Quảng Ngãi phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Quảng Ngãi thực hiện công trình thanh niên "Số hóa di tích lịch sử, văn hóa" sử dụng bảng mã QR code số hóa thông tin của Nhà lưu niệm trung tướng Trần Quý Hai (di tích lịch sử cấp tỉnh) tại xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi.

Số hóa di tích lịch sử, văn hóa  - Ảnh 1.

Các đoàn viên đang thử quét mã QR code tại Nhà lưu niệm trung tướng Trần Quý Hai

THÀNH ĐOÀN QUẢNG NGÃI

Chị Nguyễn Thị Minh Thương, Bí thư Thành đoàn Quảng Ngãi, cho biết sau khi thực hiện số hóa di tích lịch sử cấp tỉnh, Nhà lưu niệm trung tướng Trần Quý Hai bằng mã QR code; từ nay đến cuối năm 2023, Thành đoàn Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai số hóa thêm 2 - 3 di tích lịch sử trên địa bàn.

"Sắp tới, Thành đoàn Quảng Ngãi sẽ phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Quảng Ngãi nghiên cứu triển khai mỗi xã, phường trên địa bàn gắn với 1 di tích lịch sử được tạo bằng mã QR code", chị Thương nói.

Đến nay, các cơ sở đoàn trong tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện số hóa 12 di tích lịch sử, văn hóa tại các địa phương, như: Di tích lịch sử Cây Gạo (nơi cắm lá cờ Đảng đầu tiên của Đảng bộ xã Bình Minh, H.Bình Sơn); Khu chứng tích Sơn Mỹ (TP.Quảng Ngãi); Đình làng An Định (H.Nghĩa Hành); Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại (H.Ba Tơ); Bảo tàng chiến thắng Vạn Tường; Công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tiểu đoàn 83 (H.Nghĩa Hành); Khu lưu niệm nơi làm lễ xuất quân của liên quân Việt - Lào...

Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Cao Lê Tùng Nghĩa, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết ý nghĩa của việc "số hóa di tích lịch sử, văn hóa" rất thiết thực, góp phần phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Ưu điểm chính của việc cấp mã QR code tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh là khả năng linh hoạt, tiện dụng, phù hợp với xu thế thời đại.

Theo anh Nghĩa, bên cạnh việc "số hóa di tích, lịch sử văn hóa" các cấp bộ Đoàn còn triển khai thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa trong việc tham gia quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di tích văn hóa như: Xây dựng các ấn phẩm truyền thông hiện đại, ngắn gọn, thu hút để giới thiệu về di tích lịch sử, di tích văn hóa. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về truyền thống dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối cách mạng với hình thức mới mẻ, hấp dẫn… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.