'Soi' tiến độ 8 dự án cao tốc tại ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
15/07/2023 07:02 GMT+7

Theo Bộ GTVT, tại ĐBSCL có 8 dự án cao tốc với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng đang triển khai, dự kiến năm 2026 hoàn thành. Tuy nhiên, cả 8 dự án đều đang gặp khó.

TẠM "NÉ" THI CÔNG SAN LẤP

Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, dự án (DA) cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 110,87 km, tổng mức đầu tư 27.523 tỉ đồng, đi qua 5 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; dự kiến cơ bản hoàn thành và vận hành từ năm 2026.

'Soi' tiến độ 8 dự án cao tốc tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Bơm cát dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau

ĐÌNH TUYỂN

Đến nay, DA này đã bàn giao mặt bằng tuyến chính được 108,97 km/110,87 km đạt 98,3%. Mặc dù toàn bộ 4 gói thầu xây lắp của DA đã được khởi công từ ngày 1.1 nhưng đến nay việc triển khai gặp không ít khó khăn. Các nhà thầu đã tổ chức 128 mũi thi công (57 mũi thi công cầu, 71 mũi thi công đường) nhưng do thiếu nguồn vật liệu đắp, cát san lấp nền khiến giá trị sản lượng chỉ đạt 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5%.

Cũng theo Bộ này, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án trên là khoảng 18,07 triệu m3, đến nay mới có An Giang thống nhất cung cấp cho dự án 1,1 triệu m3; Đồng Tháp thống nhất cung cấp 1,89 triệu m3. Hiện tại, để bảo đảm kế hoạch thi công cũng như giải ngân nguồn vốn đã bố trí, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công các hạng mục cầu, các công trình không phụ thuộc nguồn vật liệu cát đắp nền. Theo kế hoạch, DA phải hoàn thành đắp nền chậm nhất vào tháng 6.2024.

Trong khi đó, DA thứ hai là tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài khoảng 189,48 km, đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng; tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Đến nay đã bàn giao được 145 km/189 km, khoảng 76%.

DA có 14 gói thầu xây lắp, hiện đã khởi công 4/14 gói thầu của 4 DA thành phần. 10 gói thầu xây lắp còn lại, dự kiến hoàn thành các thủ tục để khởi công gói thầu cuối cùng vào tháng 9.2023. Đến nay, chủ đầu tư các DA đang chỉ đạo nhà thầu triển khai tiếp nhận mặt bằng thi công, tập kết máy móc thiết bị thi công; thi công đào bóc hữu cơ và làm đường công vụ.

Bố trí 2,53 tỉ USD vốn ODA cho 16 dự án khu vực ĐBSCL

HAI DỰ ÁN BỊ ĐỘI CHI PHÍ

Đối với DA cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, có tổng chiều dài khoảng 27,43 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang; tổng mức đầu tư 5.886 tỉ đồng; mặc dù dự kiến hoàn thành và khai thác năm 2027 nhưng đến nay còn khá nhiều vướng mắc.

Hiện DA thành phần phía Đồng Tháp đã bàn giao mặt bằng đạt 92,2%, khởi công gói thầu xây lắp vào ngày 25.6. Nhà thầu đã tiếp nhận mặt bằng thi công, chuẩn bị cho đào vét hữu cơ, đường công vụ.

Quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho cao tốc ĐBSCL

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5093/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin Báo Thanh Niên phản ánh trong vệt bài Khủng hoảng cát ở ĐBSCL.

Văn bản do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục ký ngày 10.7 nêu: "Báo điện tử Thanh Niên ngày 4.7.2023 đăng bài Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau: Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ TN-MT và Chủ tịch UBND các tỉnh vùng ĐBSCL phối hợp quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho xây dựng đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL".

Trước đó, trong vệt bài Khủng hoảng cát ở ĐBSCL, Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng các tỉnh, thành ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy, trong khi các địa phương đều than thiếu cát trầm trọng. Chỉ tính riêng nhu cầu về vật liệu san lấp cho các tuyến cao tốc giai đoạn 2022 - 2025 ở ĐBSCL là gần 54 triệu m³ cát. Thêm vào đó là khoảng 36 triệu m³ cát cho các dự án giao thông cấp tỉnh đầu tư năm 2023, 2024. Trong khi đó, trữ lượng cát còn lại theo các giấy phép trong thời hạn 2023 - 2026 ở ĐBSCL do Cục Khoáng sản (Bộ TN-MT) tổng hợp cho thấy cả vùng chỉ đáp ứng được khoảng 29% nhu cầu cho hạ tầng giao thông ở ĐBSCL trong 3 năm tới. Chưa kể, mỗi năm nhu cầu cát cho xây dựng dân dụng, hạ tầng khác ở ĐBSCL và TP.HCM, Đông Nam bộ (khu vực chủ yếu sử dụng cát từ ĐBSCL) cũng lên đến hàng trăm triệu mét khối.

Khi tình trạng mất cân đối quá lớn giữa nhu cầu và nguồn cung hạn chế (theo giấy phép khai thác - PV), công tác quản lý khai thác cát gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nạn cát tặc, khai thác cát lậu cũng xảy ra thường xuyên ở nhiều địa bàn. Nhức nhối nhất là khai thác gian lận trữ lượng, bán cát "buông đuôi" sau đó sử dụng hóa đơn chứng từ khống để hợp thức hóa. Thực tế đã có nhiều vụ vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ hợp pháp cũng bị cơ quan chức năng các tỉnh ĐBSCL phát hiện, bắt giữ.

Tuy nhiên, DA thành phần Tiền Giang đi qua khu vực địa chất phức tạp, đất yếu, dẫn tới chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng cao và vượt sơ bộ tổng mức đầu tư. Cụ thể, chi phí GPMB tăng khoảng 857 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí xây dựng, quản lý DA, tư vấn, chi phí dự phòng, chi phí khác cũng đội thêm 933 tỉ đồng. Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT và 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang xin ý kiến về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho DA. Sau khi có ý kiến của các bên, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư DA.

Tương tự, DA cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tổng chiều dài khoảng 26,56 km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 12.2021, sử dụng nguồn vốn ODA (Hàn Quốc EDCF). Mục tiêu là cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Tuy nhiên, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chi phí đền bù GPMB tăng cao. Cụ thể, chi phí GPMB tăng khoảng 353 tỉ đồng do được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỉ đồng, do cập nhật khối lượng, đơn giá; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng, chi phí khác cũng tăng khoảng 298 tỉ đồng. Bộ GTVT đánh giá nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7.2023 thì việc đàm phán ký Hiệp định vay ODA với Chính phủ Hàn Quốc có thể diễn ra cuối năm 2023. Sau đó có thể khởi công dự án vào tháng 9.2024.

Bộ GTVT cũng nhận định tiến độ các dự án cao tốc ở ĐBSCL sẽ phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp. Đối với nguồn vật liệu cát đắp, đến nay các DA đã cơ bản xác định được nguồn cung, nếu không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cát theo kế hoạch thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và DA cầu Mỹ Thuận 2 đã thi công xong nền đường và không còn nhu cầu sử dụng cát đắp nền. Các đơn vị đang tập trung triển khai thi công để hoàn thành trong năm 2023 theo đúng kế hoạch.

DA cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ (28,8 km) và DA cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51,4 km) được đầu tư theo phương án giữ nguyên quy mô đường hiện hữu, chỉ xây dựng hệ thống đường gom, hoàn chỉnh các nút giao và thảm bê tông nhựa mặt đường để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Cả 2 DA sẽ triển khai thi công và dự kiến hoàn thành năm 2024. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.