Sông Đồng Nai trong tôi

Sơn Yên
Đồng Nai
24/12/2023 09:00 GMT+7

Nghỉ hưu, tôi đâm nghiền câu cá. Gần nhà tôi có một khu rừng, là công viên dành cho dân cư ngụ quanh vùng đi bộ và thư giãn. Trong công viên có con đường nhỏ trải nhựa, xuyên qua rừng, những con dốc leo lên những quả đồi lúp xúp. Dưới chân dốc là những con suối nhỏ, nước trong veo…

Tôi đi câu chỉ để giải trí. Ở Mỹ lâu nên tôi nhiễm thói quen chỉ ăn thực phẩm bán trong siêu thị. Tuy vậy, cảm giác mỗi lần cá cắn câu, giật lên cong cả cần rất hồi hộp, thích thú.

Vừa câu, tôi vừa ngắm nhìn khu rừng, dòng suối và suy nghĩ vẩn vơ. Ký ức những ngày xa xưa hiện về, giống như tôi đang câu những kỷ niệm…

Sông Đồng Nai trong tôi- Ảnh 1.

Ở Mỹ lâu nhưng tôi vẫn luôn nhớ dòng sông Đồng Nai quê hương tôi. Nơi tôi có thật nhiều kỷ niệm...

Lê Lâm

Nhà tôi bên sông Đồng Nai, phía hạ nguồn. Hồi nhỏ, tôi cùng lũ bạn ngày nào cũng tắm sông. Cảm giác được lặn ngụp trong làn nước xanh trong, mát rượi thật thích. Nhưng những kỷ niệm đậm nét, khắc ghi trong tâm trí tôi lại thuộc về dòng sông ở phía thượng nguồn. Năm 1979, tôi may mắn được tuyển dụng làm công nhân ở Đoàn Địa chất 500N, Biên Hòa. Nói may mắn, bởi trước đó tôi thất nghiệp dài dài, sống cù bất cù bơ (trước năm 1975 tôi bị bắt đi lính khoảng thời gian 5 tháng...).

Địa chất là nghề nguy hiểm, ít người muốn làm, có lẽ đó là lý do mà tôi được nhận. Từ dạo đó, tôi theo những tuyến lộ trình khảo sát đi khắp mọi nơi dọc theo hai bờ sông Đồng Nai. Rừng sâu, núi thẳm. Nắng nóng như nung, mưa nguồn như thác đổ. Thú dữ, rắn rết. Cực khổ. Hiểm nguy… Tôi cùng các đồng nghiệp đều trải, đều vượt qua. Và tôi vui. Vui vì có việc làm, có lương, không còn phải ăn bám gia đình. Vui vì trong gian khổ, nguy nan, con người đối xử với nhau tử tế hơn, yêu thương nhau hơn!

Thực ra còn có một lý do khác nữa để tôi cảm thấy yêu thích công việc của mình. Đó là thiên nhiên tươi đẹp, kỳ bí, hùng vĩ. Sông Đồng Nai dài 586 km, trải dài từ cao nguyên Lâm Viên đến Biển Đông, len lỏi chảy trong rừng sâu, xuyên qua vùng cao nguyên của mấy tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai… với biết bao ghềnh thác. Nếu không được làm nghề địa chất, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ có được những cuộc trải nghiệm gian nan nhưng đầy hấp dẫn của núi rừng, sông suối.

Bạn đã từng đứng dưới một gốc cây cổ thụ cao hàng 3,4 chục mét, tán lá rộng che kín cả bầu trời, gốc cây xù xì hàng chục người ôm không xuể? Bạn đã từng đứng trước một thung lũng mênh mông bạt ngàn hoa dại, rực vàng trong một buổi sớm bình minh? Hay một dòng thác cao vút, nước ào ạt như từ trên trời đổ xuống, bọt tung trắng xoá?... Tất cả, đều cho tôi cảm xúc tuyệt vời, khó tả.

Cầu Hóa An trung tâm TP Biên Hòa qua sông Đồng Nai

Cầu Hóa An bắc qua sông Đồng Nai

Lê Bình

Sông Đồng Nai khu vực thượng nguồn dòng chảy hẹp và xiết. Một lần vượt sông tôi đã suýt bị chết đuối vì chủ quan. Hôm đó, chúng tôi phải qua bờ bên kia làm nhiệm vụ. Tổ thực địa có 3 người: tôi và Sơn, tổ viên; cùng với anh Nghệ, là kỹ sư, tổ trưởng. Nghệ qua sông trước. Anh chỉ bơi một tay, tay trái cầm chiếc xa cột đựng tài liệu giơ lên cao cho khỏi ướt. Nương theo chiều nước chảy, anh bơi rất nhẹ nhàng.

Nhìn Nghệ bơi, tôi thầm nghĩ, mình lội sông từ nhỏ, như rái cá, chắc chắn qua sông dễ ợt. Tôi mang quần áo bảo hộ, dày và cả tất chống vắt, vai khoác chéo khẩu AK, là vật bất ly thân, nhảy ào xuống theo (hồi đó Đồng Nai thượng là trung tâm hoạt động của Fulro, nên tất cả các tổ, đội địa chất đều được Ban quân sự tỉnh Đồng Nai trang bị vũ khí quân dụng để tự bảo vệ). Ngay lập tức tôi bị cuốn vô một vùng xoáy, nhấn chìm. Quần áo, súng ống… nặng và vướng làm tôi không thể ngoi lên được. Cố gắng vùng vẫy tôi càng bị nước nhấn chìm. Mắt tôi đổ hoa cà, hoa cải. Đầu óc quay cuồng, nghĩ đến cái chết… Đúng lúc ấy, một bàn tay cầm cổ áo tôi, nhấn chìm xuống đáy sông, lôi tuột tôi trôi theo dòng chảy. Lúc lâu sau, thoát khỏi vòng xoáy, tôi lao lên mặt nước, mũi, mồm tranh nhau thở, phun nước phì phì. Tôi biết mình đã được cứu sống. Không thể nói hết sự vui mừng, sung sướng. Vẫn nằm ngửa mặt lên trời để thở, tôi nhìn thấy Sơn bên cạnh, một tay túm cổ áo, vừa nâng đầu tôi, bơi vô bờ. Tôi biết ơn Sơn nhiều lắm.

Sau bận đó, Sơn còn cứu sống tôi lần nữa. Ở rừng, sự nguy hiểm, đáng sợ nhất không phải là rắn rết, thú dữ, mà là mưa! Những cơn mưa rừng đầu mùa thường rất bất ngờ và dữ dội. Trời đang nắng chang chang, bỗng tối sầm. Và mưa. Mưa ào ào như thác từ trên trời đổ xuống. Những hạt mưa to, nặng, đen trũi. Lạnh buốt như kim châm. Hôm đó chúng tôi đang khảo sát vùng Nam Cát Tiên, khu tả ngạn sông Đồng Nai. Đang cắm cúi làm việc, cơn mưa bỗng ập đến. Rất nhanh. Con suối cạn, phút chốc nước dâng đục ngàu, cuồn cuộn chảy. Mấy anh em vội vàng hô nhau chạy. Nước quất vào mặt, vào người tôi rát rạt. Ướt như chuột. Lạnh thấu xương.

Phía bìa rừng xe ô tô đang chờ đón chúng tôi, nhưng muốn đến đó phải vượt qua một quãng đường chừng nửa km và một con suối nữa. Nếu không nhanh chân chẳng mấy chốc con suối sẽ ngập nước, cuốn phăng mọi thứ theo dòng lũ. Hiểu rõ tình hình nên tôi cố gắng, nghiến chặt răng lê bước. Quần áo, ba lô, súng ống… trở nên quá nặng nề làm tôi nhanh chóng kiệt sức. Nghệ bươn lên trước, nói sẽ kêu xe và người trợ giúp. Còn lại tôi với Sơn. Tôi bị sốt, người nhão như cái bánh đa nhúng nước. Mệt muốn xỉu. Lết đi được một lúc, tôi xua tay, ra hiệu cho Sơn cứ đi tiếp, rồi gục xuống. Trước khi mê man tôi nghe tiếng Sơn nói loáng thoáng: "Cố lên Kim. Tao cõng mày về". Không hiểu Sơn đã tha tôi đi như thế nào nữa. Tôi nằm trên lưng Sơn thõng thượt như tàu lá chuối. Mưa tầm tã, đường dốc, bùn lầy trơn truội… Mà tôi thì nặng, thậm chí còn mập hơn cả Sơn nữa…

Tôi làm việc ở Đoàn 500N được 3 năm, sau đó theo gia đình sang Mỹ định cư. Ở Mỹ lâu nhưng tôi vẫn luôn nhớ dòng sông Đồng Nai quê hương tôi. Nơi tôi có thật nhiều kỷ niệm. Lâu lâu có dịp về Việt Nam tôi đến thăm Sơn. Anh vẫn chung thủy với nghề địa chất cho đến lúc nghỉ hưu. Và chúng tôi vẫn thân thiết với nhau như ngày xưa. Vẫn mày mày, tao tao như hồi còn trẻ…

Sông Đồng Nai trong tôi- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.