Sự tiến hóa của AI: AI đã thay đổi thế giới ra sao?

03/02/2023 07:00 GMT+7

AI đã trở nên phổ biến đến mức nhiều người có thể không nhận ra tác động của nó cũng như sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nó.

Khi máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov trong một trận đấu 6 ván tiêu chuẩn vào năm 1997, trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ vẫn là khái niệm xa vời với cuộc sống hằng ngày của con người, dù các bộ phim khoa học viễn tưởng đã giúp chúng ta phần nào hình dung về nó. 

Song chỉ 10 năm sau đó, lịch sử AI đã bước sang một trang mới khi Sophia trở thành robot hình người đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp của một nước. Cùng với sự ra đời của điện thoại thông minh, sự phát triển của "Internet vạn vật" và nhiều tiến bộ công nghệ khác, AI đã thay đổi thế giới theo những cách đáng kinh ngạc và cũng đáng lo ngại.

Sự tiến hóa của AI: AI đã thay đổi thế giới ra sao?  - Ảnh 1.

Robot Sophia tại phòng thí nghiệm ở Hồng Kông năm 2021

Reuters

Hiện diện mọi nơi

Những năm gần đây, AI đã len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của con người với sự hiện diện ở khắp mọi nơi: phần mềm nhận dạng khuôn mặt, email, thuật toán mua sắm trực tuyến, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, các "trợ lý ảo" như Siri và Alexa, ứng dụng dịch thuật, chương trình xem phim, chức năng an toàn tự động trên ô tô (và những chiếc xe tự lái trong tương lai), ngân hàng trực tuyến…

Nhờ có AI, cuộc sống của con người trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Bạn sẽ biết được tuyến đường nào đang không kẹt xe nhờ ứng dụng bản đồ. Bạn sẽ không cần lướt qua hàng trăm tựa phim mà vẫn không chọn được phim nào vì ứng dụng xem phim đã "nắm" được sở thích của bạn. Bạn có thể đạt được mục tiêu tập thể dục hằng ngày với lời nhắc từ đồng hồ thông minh.

Ở cấp độ vĩ mô hơn, AI đã và đang tiếp tục tạo ra những thay đổi trong các lĩnh vực từ tài chính, y tế, tư pháp, giao thông vận tải, thành phố thông minh cho đến an ninh quốc gia, theo một báo cáo của Viện Brookings (Mỹ). Chẳng hạn, thông qua Dự án Maven, quân đội Mỹ sử dụng AI để sàng lọc kho dữ liệu và video khổng lồ do camera giám sát ghi lại, sau đó cảnh báo cho các nhà phân tích về các mô thức hoặc khi có hoạt động bất thường hay đáng ngờ. Trong khi đó, ngành tài chính đang sử dụng AI để phân tích dữ liệu nhằm tìm ra những cách tốt nhất để đầu tư tiền, và các ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào AI để chống gian lận.

Robot Sophia từng đe dọa "hủy diệt loài người" có đáng sợ không?

AI có nhiều lợi thế: giảm lỗi của con người, chấp nhận rủi ro thay con người, sẵn sàng 24/7, trợ giúp trong các công việc lặp đi lặp lại, hỗ trợ kỹ thuật số và đưa ra quyết định nhanh hơn. Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của các giải pháp mạnh mẽ và khả năng của AI.

Đi kèm những lo ngại

Sự thâm nhập ngày càng tăng của AI vào nhiều khía cạnh của cuộc sống đang thay đổi quá trình ra quyết định trong các tổ chức và nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, đồng thời, những bước phát triển này cũng dẫn đến những vấn đề quan trọng về quyền riêng tư, đạo đức, chính sách, và cả những nỗi lo như con người sẽ bị robot thay thế, thậm chí diệt vong.

Tranh cãi AI cho phép bạn “nói chuyện” với Hitler

Một tranh cãi gần đây nhất liên quan đến AI là ứng dụng Historical Figures. Ứng dụng ra mắt hồi đầu tháng 1 này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý cùng với cơn sốt ChatGPT, khi nó cho phép người dùng mô phỏng các cuộc trò chuyện với bất cứ ai trong số 20.000 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, bao gồm Adolf Hitler, theo NBC News. Điều này đã dẫn đến cuộc tranh luận về những hệ lụy của nó, khi một số người dùng cho thấy họ đã đặt câu hỏi với những kẻ giết người hàng loạt và nhận về những câu trả lời gây tò mò.

Theo một khảo sát của Pew vào năm 2014, 48% chuyên gia tin rằng AI sẽ thay thế một số lượng lớn các công việc chân tay và thậm chí cả công việc văn phòng, khiến bất bình đẳng thu nhập lớn hơn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và trật tự xã hội bị phá vỡ. Chẳng hạn, bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ đã trở nên trầm trọng hơn trong 4 thập niên qua khi 50 - 70% thay đổi trong tiền lương của người Mỹ nói chung đến từ sự sụt giảm tiền lương của người lao động trong các ngành chuyển sang ứng dụng công nghệ tự động hóa, bao gồm AI.

Giám đốc MI6: tình báo toàn cầu chạy đua sở hữu trí tuệ nhân tạo

Một nỗi lo khác là quyền riêng tư bị xâm phạm cùng với sự phát triển của AI. Bê bối rò rỉ dữ liệu liên quan đến AI nổi tiếng nhất những năm gần đây là vụ hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica trích xuất 87 triệu dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook mà không có sự đồng thuận hợp pháp. (còn tiếp)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.