Sức trẻ trên sân khấu kịch TP.HCM

Hoàng Kim
Hoàng Kim
14/01/2024 07:28 GMT+7

Sân khấu TP.HCM đang xuất hiện một lớp nghệ sĩ tài năng, phả vào sân khấu sức sống thanh xuân, tươi mới.

Thật ra nói là "trẻ" thì không hẳn là những nghệ sĩ này quá trẻ. Với sân khấu kịch nói, nghệ sĩ phải trên 30 tuổi thì nghề nghiệp mới vững vàng, mới tạo được dấu ấn. Ở độ tuổi này nghệ sĩ vẫn còn thanh xuân, thậm chí có người xấp xỉ 40 tuổi mới đến độ chín của nghề, mới phát lộ, sáng lên.

Sàn diễn IDECAF là nơi có lực lượng trẻ rất đông, nhờ vào lịch diễn dày đặc quanh năm mà các bạn trẻ được đào tạo, rèn nghề liên tục. Khi NSƯT Thành Lộc ra đi, lực lượng nghệ sĩ kỳ cựu cũng đi theo một số, nhưng nhờ vậy mà những người trẻ có cơ hội tiến lên, lấp vào khoảng trống. Đầu tiên là nghệ sĩ Đình Toàn đã đảm nhiệm vai trò phụ trách nghệ thuật, chọn lựa kịch bản, thẩm định chất lượng vở diễn, cùng với Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn định hướng cho sân khấu. Vai trò này rất quan trọng, và Đình Toàn được xem là "trẻ" trong đội ngũ quản lý. Sau đó là những nghệ sĩ như Hòa Hiệp, Quốc Tuấn, Đông Hải, Thiên Trang, Cẩm Hò, Kan Lê… đã tham gia trong hàng loạt vở, đều rất thanh xuân, rạng rỡ. Hòa Hiệp có một vai ấn tượng là cậu ấm Hoàng Duy ham chơi, quậy phá trong vở Hé lô ông thần, với những ngổ ngáo nhưng còn non nớt bám váy mẹ, đáng trách lại đáng thương.

Sức trẻ trên sân khấu kịch TP.HCM- Ảnh 1.

Hòa Hiệp (trái) và Diệu Đức trong vở Hé lô ông thần

H.K

Sân khấu Thiên Đăng mới ra đời, nhưng đã tạo cơ hội cho những diễn viên trẻ bật sáng. Lương Thế Thành vốn là kép mùi, bất ngờ trở thành cây hài duyên dáng (vở Ngôi nhà trong mây). Nét hài trong sáng, không lố lăng, không lạm dụng hình thể, ngôn ngữ bậy bạ, quả là "dân mới" nhưng cao tay. Lê Hoàng Giang vốn là kép chánh của sân khấu Hoàng Yến trong hàng loạt vở kịch lịch sử (Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy…), vừa đẹp trai vừa nghiêm túc, sang trọng, khi cộng tác với Thiên Đăng, anh lại làm mới bản thân qua cách diễn tung tẩy, sinh động của nhạc kịch trong vở Lộ hàng.

Sân khấu 5B phát hiện một kép trẻ đẹp là Bảo Kun trong vở Bến lửa lòng. Vai Dũng với tâm lý phức tạp, giãy giụa giữa lương thiện và bất nhân, nghèo khó và sang giàu, đúng là một vai khó, nhưng Bảo Kun đã gây được cảm tình trong khán giả.

Diễn viên Tuấn Kiệt lại là một gương mặt khả ái trong hàng loạt vở kịch thiếu nhi của 5B. Vai mới nhất là con mèo "quàng thượng" trong vở Thế giới đồ chơi và câu chuyện chú bé Rồng khiến khán giả mê tít. Con mèo Tuấn Kiệt rất dễ thương, có đủ tinh quái, sang chảnh lẫn cô đơn, khó chịu. Tuấn Kiệt diễn rất thú vị, hấp dẫn, như gửi hết lòng yêu nghề vào nhân vật.

Sức trẻ trên sân khấu kịch TP.HCM- Ảnh 2.

Marando và Kỳ Thảo (phải) trong vở Trả lại lia thia

H.K

Thế Giới Trẻ bật lên một Puka trẻ trung xinh xắn, cách diễn sinh động trong vở Hót gơ nổi loạn. Cô Mộng nhỏ muốn thoát cảnh nghèo khổ bằng con đường showbiz, nhưng cô không biết rằng rất nhiều cạm bẫy đang chờ đợi. Cuối cùng cô nhận ra chỉ có gia đình và con đường học tập, lao động tử tế mới đưa mình đến hạnh phúc.

Hoàng Thái Thanh có một Thế Hải tuy ngoại hình khiêm tốn nhưng nếu đặt đúng vai thì anh diễn rất tốt. Vai nhà sư Năm Mọ lúc còn trẻ, chưa xuất gia (vở Trả lại lia thia) quả là hợp với Thế Hải, bởi nét trẻ trung, trong sáng. Năm Mọ sống với người bà trong ngôi chùa nhỏ, và dù anh không hề muốn đi tu nhưng vẫn phải "kế thừa" ngôi chùa ấy, sự nghiệp ấy. Những tung tẩy của tuổi trẻ khiến người ta thấy Năm Mọ rất đời, rất dễ thương, mà Thế Hải đã diễn rất chân thật. Còn Kỳ Thảo là cô đào trẻ xinh xắn, thuộc dạng đa năng, có thể hóa thân vào rất nhiều loại vai.

Kịch Hồng Vân và kịch Quốc Thảo càng có nhiều gương mặt trẻ tham gia, vì đây là hai lò đào tạo diễn viên khá quy mô. Tuấn Dũng, Lê Lộc, Khôi Nguyên bật sáng trong rất nhiều vở, cho thấy sự đa năng của họ. Tuấn Dũng vừa đóng bi vừa đóng hài rất giỏi, có thể vào vai kép mùi như Hai Đời (vở Thương thì thương thế thôi), vai con nít như cậu bé Bông Cánh Cò (vở Bông Cánh Cò), vai giang hồ quậy phá (vở Ai kế tiếp?)... Lê Lộc cũng thế, vai nhẹ nhàng vui vui như cô Ba Dân (Bông cánh cò), hay vai giang hồ (Ai kế tiếp?), vai con nít là bé Ý (Thương thì thương thế thôi) cô đều diễn rất tốt, lấy được tiếng cười lẫn nước mắt của khán giả.

Kịch Quốc Thảo nổi bật có Hương Mi vai cô Hai Mận, và Bảo Minh vai Út Lành trong vở bi kịch Chờ, đều thuộc dạng đào thương, tâm lý phức tạp, làm khán giả khóc ngon lành. Sân khấu này cũng đào tạo ra một cây hài trẻ là Trường Phúc với nét diễn nhẹ nhàng, tỉnh rụi mà vẫn gây cười. Đạo diễn Quốc Thảo mạnh dạn đưa lớp trẻ "ra phòng vé", nghĩa là ít chi viện "ngôi sao", để các em được rèn nghề nhanh chóng.

Nhìn chung, sân khấu bao giờ cũng phải có tre già măng mọc. Những ấn tượng trẻ hôm nay đều có triển vọng, được khán giả ghi nhận. Việc hàng loạt gương mặt trẻ khẳng định được chỗ đứng của mình là một điều đáng mừng đối với sân khấu kịch TP.HCM, khi lớp nghệ sĩ gạo cội đã có thế hệ kế thừa. 

Sức trẻ trên sân khấu kịch TP.HCM- Ảnh 3.

Bảo Kun và Ngọc Duyên (phải) trong vở Bến lửa lòng

H.K

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.