Tại sao thương vụ Binance mua FTX không thành?

10/11/2022 10:54 GMT+7

Tối 8.11, cuộc chiến giữa hai "ông lớn" trong lĩnh vực tiền số đã khép lại với việc CEO Binance tuyên bố mua lại sàn FTX, gây nên những phản ứng trái chiều trong dư luận. Đến sáng 10.11, Binance chính thức thông báo ngừng theo đuổi việc mua FTX do "việc xử lý sai quỹ của khách hàng và các cáo buộc của cơ quan Mỹ".

Trong dòng tweet tối 8.11, ông Changpeng Zhao (CZ) cho biết FTX đã nhờ Binance giúp đỡ, từ đó đưa ông đến quyết định mua lại FTX.com để giải quyết vấn đề thanh khoản mà sàn tiền số lớn thứ hai thế giới đang gặp phải. Sau đó, Sam Bankman-Fried (SBF) - chủ sàn FTX cho biết thêm rằng thương vụ này sẽ không bao gồm FTX US - chi nhánh độc lập của FTX tại Mỹ.

Thương vụ của Binance bị đánh giá là "liều lĩnh"

chụp màn hình

Theo Decrypt, FTX Token (FTT) giảm xuống còn 14,57 USD sau thông báo của CZ vào tối 8.11. Song song đó, Binance Coin (BNB) tăng 10% đạt 368,07 USD. Nhưng cú lao dốc của FTT đã khiến toàn thị trường bị ảnh hưởng mạnh, bao gồm việc Bitcoin có lúc rơi xuống mốc 16.000 USD trên CoinMarketCap.

Chủ sàn Binance đăng tweet tổng kết cuộc khủng hoảng FTX vừa qua thành hai bài học lớn. Theo ông, đầu tiên là không nên sử dụng token tự tạo để làm tài sản thế chấp, kế đó là không vay vốn nếu đang điều hành doanh nghiệp tiền số và cần có nguồn dự trữ lớn.

Thông báo mới nhất của Binance

chụp màn hình

Nhưng đến sáng 10.11, Binance thông báo ngừng theo đuổi việc mua lại Binance. Công ty cho biết: "Ban đầu, chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ khách hàng của FTX bằng cách cung cấp tính thanh khoản, nhưng vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng giúp đỡ của chúng tôi".

Dư luận phản ứng ra sao?

Do Kwon đăng dòng tweet ám chỉ vụ Binance mua lại FTX

chụp màn hình

Nếu thương vụ được tiến hành, hai sàn giao dịch lớn nhất thế giới sẽ hợp nhất. Sau khi tin tức về vụ mua lại bùng nổ, hàng loạt meme ra đời. Do Kwon - người đồng sáng lập Terraform Labs đã đăng ngay một hình ảnh trong Game of Thrones nhằm ám chỉ SBF đang thủ phục trước CZ. Cộng đồng Twitter chế ảnh hài hước về việc ông chủ FTX giờ đã gia nhập vào danh sách những doanh nghiệp sụp đổ vì "thị trường gấu" (bear market) trong năm 2022.

Cư dân mạng cho rằng Sam Bankman-Fried là nạn nhân mới nhất trong "thị trường gấu"

chụp màn hình

Chuyên gia chống độc quyền nói gì?

Tin tức Binance mua FTX làm dấy lên lo ngại không chỉ trong giới đầu tư mà còn đối với các cơ quan quản lý. Theo CoinDesk, Thibault Schrepel - Phó giáo sư tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) chuyên về blockchain và chống độc quyền cho biết dòng tweet của CZ rất có thể sẽ xuất hiện trong một hồ sơ chống độc quyền nộp lên tòa án sắp tới.

Ở Mỹ, luật chống độc quyền như Đạo luật Sherman cấm các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hành động để bảo vệ lẫn nhau. CZ tuyên bố "giải cứu" FTX khi sàn giao dịch này đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản. Theo Schrepel, đây là một thỏa thuận bất hợp pháp và luật pháp Mỹ có thể được áp dụng cho trường hợp này, bất kể FTX US có phải là một phần của thỏa thuận hay không.

Brandon Kressin - luật sư tại Kressin Law Group cũng có quan điểm tương tự. Người này cho biết với CoinDesk rằng việc tuyên bố FTX US không bao gồm trong thỏa thuận để lách luật chống độc quyền của Mỹ là "rất thiển cận".

Theo ông, thông báo về thương vụ trên Twitter là một hành động rất liều lĩnh từ phía Binance và FTX. Vì mua lại là một quy trình pháp lý kéo dài nhiều tháng, cần được sự thông qua của nhiều cơ quan thực thi. Ở Mỹ, đó sẽ là Bộ Tư pháp (DOJ) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). Kressin cũng cho biết rằng mối liên hệ giữa Binance và Trung Quốc có thể khiến Binance bị giám sát nhiều hơn.

Các cơ quan chống độc quyền ở Liên minh châu Âu cũng có thể sẽ phản đối việc Binance mua lại FTX. Dù rằng CZ mô tả thỏa thuận giữa hai bên là "không ràng buộc", nhưng kết quả cuối cùng thế nào vẫn cần sự điều tra thẩm định trong những ngày tới từ phía các cơ quan quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.