Lan tỏa trên mạng xã hội:

Tài xế xe ôm ở TP.HCM làm thầy dạy bóng đá cho trẻ khuyết tật

12/12/2023 13:33 GMT+7

Câu chuyện một tài xế xe ôm "hay khoe" về những người học trò đặc biệt trên sân bóng đá khiến nhiều người xúc động trước tấm lòng của ông dành cho trẻ khuyết tật.

Cứ có thời gian rảnh, ông Phạm Hồng Thắng (50 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) lại đến sân cỏ, tập bóng đá cho trẻ em khuyết tật. Hơn 8 năm qua, ông đã đồng hành với hàng nghìn trẻ khiếm thị, trẻ mắc hội chứng Down, tự kỷ, chậm phát triển.

Chỉ vì một chữ thương

Nói về cơ duyên đến với thể thao người khuyết tật, ông Thắng cho hay nhiều năm trước trong một lần làm tình nguyện viên tại hội thao người khiếm thị, ông cảm thấy thương và nể phục các bạn nhỏ vô cùng nên mong có thể làm điều gì đó giúp các em. Bản thân ông cũng là người từng trải qua tuổi thơ khó khăn, cha mất sớm, ông và mẹ phải khăn gói vào Nam, sống nhờ nhà bà con. Trước khi làm tài xế xe ôm công nghệ, ông Thắng làm đủ thứ nghề kiếm sống. Hiện nay, vợ chồng ông sống cùng mẹ già và 3 người con tại một căn nhà thuê. Tuy thu nhập không dư giả nhưng ông luôn lạc quan, dạy các con rằng gia đình mình được như thế này là may mắn hơn rất nhiều người.

Tài xế xe ôm ở TP.HCM làm thầy dạy bóng đá cho trẻ khuyết tật - Ảnh 1.

Ông Thắng hướng dẫn cho các em nhỏ luyện tập

Thái Thanh

Ngày cuối tuần, ông không mở ứng dụng chạy xe mà dành thời gian đến sân cỏ với các bạn nhỏ. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Thắng cho hay với một người "tay ngang" đến với bóng đá, việc giúp đỡ, huấn luyện cho các em quả không dễ dàng. Ông luôn chú ý quan sát từng em để đưa ra được cách huấn luyện phù hợp. Có em phải mất hơn một năm mới quen, hiểu và nhớ được khoảng 40% động tác mà ông dạy. "Nếu sợ khó, sợ cực, bao năm qua tôi đã không làm. Tôi gắn bó với các em được đến hôm nay chỉ vì một chữ thương. Một khi đã lên sân, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tiền bạc", ông Thắng bộc bạch.

Ông Thắng nói không dám nhận mình là thầy, vì điều đó quá lớn lao. Mỗi khi bước ra sân bóng, ông chỉ nghĩ mình là một tình nguyện viên, một người cha của các bạn nhỏ.

Bà Trần Mai Thúy Hồng, Phó trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao Sở VH-TT TP.HCM, cho biết điều mà ông Thắng cũng như các HLV xem trọng nhất chính là sự tiến bộ của các em. Chỉ một sự thay đổi nhỏ và tích cực của các em đã là thành quả to lớn. "Anh Thắng luôn là người đồng cảm, gắn bó với cộng đồng thể thao người khuyết tật một cách tự nhiên, không vụ lợi", bà Hồng chia sẻ.

'Hôm nào chạy xe mệt quá, tôi lại nghĩ đến sân cỏ'

Từ những ngày đầu đến với sân cỏ, điều khiến ông Thắng nặng lòng nhất chính là hình ảnh các bậc phụ huynh ngồi bên sân cỏ chờ con. Là một người cha, ông Thắng đồng cảm với nỗi lo và mong mỏi của họ. Với những ai có con không được hoàn hảo, ước muốn lớn nhất của họ chỉ là thấy con cười, thấy con sút thành công một trái bóng.

Tài xế xe ôm ở TP.HCM làm thầy dạy bóng đá cho trẻ khuyết tật - Ảnh 2.

Ông Thắng cùng các học trò nhận giải ở một hội thao của người khuyết tật

NVCC

Theo ông Thắng, những em chậm phát triển về trí tuệ thường có sự đề phòng, nếu người dạy không đủ kiên nhẫn sẽ khó lòng đồng hành được. Có những em, đến cả ba mẹ cũng không nghe lời, xô ngã ba mẹ, thậm chí cào cấu, cắn vào tay… Nhưng khi được vận động, được làm quen và gặp gỡ bạn mới, các em đã tiến bộ từng ngày. "Các em khổ một chứ người chăm các em khổ tới mười. Ba mẹ của các em này thương lắm, đi theo con 2, 3 tiếng cũng ngồi dưới nắng để chờ. Tôi thương các em, cũng thương luôn người làm cha mẹ, họ khổ tâm nhiều", ông Thắng xúc động.

Tài xế xe ôm ở TP.HCM làm thầy dạy bóng đá cho trẻ khuyết tật - Ảnh 3.

Ông Hồ Tuấn Nghĩa (60 tuổi, ngụ Q.Tân Phú), có con trai mắc hội chứng Down, chia sẻ thầy Thắng cũng như những thầy cô khác trong cộng đồng đều hết mực yêu thương các em. Con trai ông Nghĩa rất mê đá bóng, tuần nào cũng đòi ba đưa đến sân để học cùng các bạn. "Nhờ có thầy, các con đã có cơ hội hòa nhập cộng đồng, được thể hiện khả năng, có bạn bè, có hội nhóm", ông Nghĩa nói.

Ông Thắng nói mình không phải người giàu có, cuộc sống hằng ngày vẫn còn đó những khó khăn, lận đận, nhưng "Cuộc sống mà, ai cũng phải làm, cũng phải lo. Nếu mình buồn bã, tiêu cực thì cũng không giúp được gì". "Hôm nào chạy xe mệt quá, tôi lại nghĩ đến sân cỏ, đến hình ảnh các em vô tư chạy theo trái bóng, thế là được sạc đầy năng lượng để tiếp tục làm việc", ông chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.