Taliban sẽ 'mềm dẻo trong khuôn khổ'

Khánh An
Khánh An
19/08/2021 07:00 GMT+7

Trong thông điệp đưa ra sau khi kiểm soát Afghanistan, lực lượng Taliban tuyên bố muốn đổi mới chính sách trong nước, hòa bình với nước ngoài.

Hãng Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao của Taliban khẳng định lực lượng này sẽ công khai nhiều hơn với thế giới, chứ không như trong 20 năm qua - khi nhiều lãnh đạo chủ yếu sống bí mật. “Dần dần, thế giới sẽ thấy tất cả lãnh đạo của chúng tôi, sẽ không có cái bóng bí mật nào”, quan chức này phát biểu và nhắc lại việc các thành viên Taliban được lệnh không ăn mừng sau khi kiểm soát đất nước một cách nhanh chóng.

Cam kết đổi mới

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Taliban nỗ lực ổn định tình hình trong nước và muốn đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, sau khi lật đổ chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

Taliban cam kết 'đảm bảo mọi quyền lợi của phụ nữ' trong khuôn khổ Hồi giáo

Trước đó, vào tối 17.8, Taliban có cuộc họp báo đầu tiên kể từ sau khi chiếm thủ đô Kabul vào 2 ngày trước đó. Tại cuộc họp báo, Taliban tuyên bố muốn có mối quan hệ hòa bình với các nước, không trả thù những kẻ thù cũ và sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ. “Chúng tôi không muốn có bất kỳ kẻ thù bên trong hay bên ngoài nào”, theo phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid. Ông Mujahid còn nhấn mạnh rằng phụ nữ sẽ được phép làm việc, học tập và “sẽ rất năng động trong xã hội, nhưng trong khuôn khổ của Hồi giáo”.
Tuyên bố trên cho thấy chủ trương mềm mỏng hơn. Trong thời gian lãnh đạo Afghanistan từ năm 1996 - 2001 theo luật Hồi giáo, Taliban đã thực hiện những hình phạt như ném đá trước công chúng và không cho phụ nữ làm việc. Phụ nữ không được học hành và khi ra ngoài phải mang khăn che mặt, đi cùng người thân là đàn ông.

Phản ứng quốc tế

Theo The Washington Post, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa chính thức nêu quan điểm về Afghanistan đặt dưới sự kiểm soát của Taliban, sau khi phong tỏa hàng tỉ USD tài sản của Afghanistan tại các ngân hàng của Mỹ từ ngày 15.8. Số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy Afghanistan có 9,4 tỉ USD dự trữ, nhỏ hơn phân nửa GDP nước này vào năm 2019. Phần lớn số tiền này được giữ bên ngoài lãnh thổ Afghanistan, dù chưa rõ có bao nhiêu tại Mỹ.
Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố sẽ chỉ hợp tác với chính quyền Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền nếu họ tôn trọng các quyền cơ bản, trong đó có những quyền của nữ giới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Taliban nên đáp ứng nguyện vọng của tất cả những người muốn rời khỏi Afghanistan, đồng thời cảnh báo liên minh này có thể tấn công nếu Afghanistan một lần nữa trở thành nơi dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố.

Mỹ thừa nhận nhiều vũ khí rơi vào tay Taliban

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông coi việc Taliban đưa ra các tuyên bố ở Kabul và trên thực tế cho thấy họ sẵn sàng tôn trọng ý kiến của người khác là một dấu hiệu tích cực. “Đặc biệt, họ nói rằng họ sẵn sàng thảo luận về một chính quyền mà ở đó không chỉ có Taliban mà có sự tham gia của các đại diện khác của Afghanistan”, TASS dẫn lời ông Lavrov nói.
Liên quan việc sơ tán khỏi Kabul, tờ The Washington Post hôm qua đưa tin khoảng 3.200 người Mỹ đã được di tản khỏi Afghanistan, cùng với 2.000 người Afghanistan đã di tản theo chính sách di trú đặc biệt. Tổng cộng có khoảng 11.000 người Mỹ ở Afghanistan và hơn 80.000 người Afghanistan có thể cần sơ tán. Về khí tài, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận đã để nhiều súng, xe quân sự, trực thăng chiến đấu rơi vào tay Taliban.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bị điều tra
Hôm qua, Reuters dẫn lời Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho hay sẽ mở cuộc điều trần về chính sách của Mỹ đối với Afghanistan. Những nội dung trong buổi điều trần bao gồm nỗ lực thương thuyết giữa chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và Taliban, cũng như việc triển khai quá trình rút lực lượng Mỹ ở Afghanistan về nước dưới thời Tổng thống Biden.
Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, muốn phối hợp với các ủy ban khác của quốc hội nhằm tìm ra câu trả lời tại sao Mỹ không lường trước sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính quyền Kabul.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden đồng ý cần phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các đồng minh và đối tác trong chính sách về Afghanistan. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến của các nước G7 vào tuần tới để bàn về chiến lược chung và cách tiếp cận đối với Afghanistan.
H.G
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.