Tân sinh viên mới đến thành phố, chưa hết tháng đã 'cháy túi'

Thảo Phương
Thảo Phương
16/09/2023 09:00 GMT+7

Rời xa vòng tay gia đình, “chân ướt chân ráo” đến thành phố với bao điều bỡ ngỡ, tân sinh viên phải làm quen với môi trường mới, đặc biệt là học cách quản lý chi tiêu khi đối mặt với hàng loạt khoản phí.

Vì chưa có kinh nghiệm nên nhiều tân sinh viên bị "sốc" chi tiêu và ngay từ những tuần đầu đã dùng gần hết số tiền sinh hoạt trong 1 tháng.

Quê ở tỉnh Ninh Thuận, Trần Thùy Trang, tân sinh viên Trường ĐH Văn Hiến vào TP.HCM học và thuê trọ sống cùng 3 người bạn tại Q.Tân Phú. Khi được hỏi về số tiền đã tiêu trong 1 tuần qua, Trang nhăn mặt nói: "Nhắc tới thì đau lòng vì mới ở 1 tuần nhưng em đã tiêu gần hết 3 triệu đồng".

Tân sinh viên mới đến thành phố, chưa hết tháng đã 'cháy túi' - Ảnh 1.

Tân sinh viên mới đến thành phố thấy gì cũng muốn mua

THẢO PHƯƠNG

Lần đầu tiên Trang đến thành phố và "sốc" với mức sống đắt đỏ ở đây. "Mặc dù biết chi phí ở TP.HCM sẽ cao hơn ở quê nhưng em không nghĩ là chênh lệch nhiều đến như vậy, có những thứ đắt hơn gấp đôi. Ví dụ như bình nước lọc 20 lít ở quê có giá 10.000 đồng thì trong này đến 25.000 đồng. Cái kẹp tóc nhỏ ở quê em mua cùng lắm là 5.000 đồng nhưng tại thành phố gần 30.000 đồng", Trang kể. ‏

‏Vì chưa có kinh nghiệm chi tiêu, cộng với việc không có xe máy đi lại nên Trang chọn siêu thị gần chỗ trọ để mua đồ cho tiện. "Vào siêu thị cái gì cũng đắt, nhìn giá xong em choáng váng đầu óc. Tụi em mua vài món đồ dùng chung trong phòng nhưng khi xem hóa đơn thì lên đến tiền triệu. Do đó, để tiết kiệm tiền, em lên mạng đặt mua những dụng cụ học tập", Trang nói.

Tân sinh viên mới đến thành phố, chưa hết tháng đã 'cháy túi' - Ảnh 2.

Tự nấu ăn là một trong những cách để tiết kiệm chi tiêu

THẢO PHƯƠNG

‏"Sốc" với giá cả ở thành phố nên sau khi mua sắm đủ vật dụng, Trang và những người bạn cùng phòng tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí. "Dù tiêu khá nhiều tiền nhưng may mắn là hiện tại em vẫn trụ nổi. Nhưng 3 bạn ở cùng phòng với em thì đã về quê vì hết tiền và một phần do nhớ nhà", Trang chia sẻ. ‏

‏Ngỡ ngàng vì giá cả đắt đỏ ở thành phố, Dương Thị Ngọc Kim, tân sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết tuần đầu tiên cô nàng tốn khá nhiều tiền vì mua sắm vật dụng trong phòng trọ và bạn bè thường xuyên rủ đi chơi. Kim kể: "Em đi uống trà sữa, ăn cá viên chiên với bạn thôi cũng tốn 150.000 đồng. Bình thường ở quê 1 ly trà sữa có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng nhưng tại thành phố thì gấp đôi. Có hôm đi học về bạn bè rủ uống ly trà sữa xong em nhịn ăn tối vì nếu mua hộp cơm nữa sẽ tốn thêm 30.000 đồng".

Tân sinh viên mới đến thành phố, chưa hết tháng đã 'cháy túi' - Ảnh 3.

Tân sinh viên mới đến thành phố thường sa đà vào ăn uống, vui chơi dẫn đến không kiểm soát được chi tiêu

THẢO PHƯƠNG

‏Việc chi tiêu "quá tay" trong thời gian đầu là điều khó tránh khỏi của nhiều tân sinh viên. Với kinh nghiệm hơn 3 năm sống và học tập ở thành phố, Phan Ngọc Linh, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ về cách quản lý chi tiêu suốt thời gian qua: "Lúc mới đến thành phố, lần nào đi ăn mình cũng phải nhìn bảng giá trước để xem có hợp túi tiền hay không. Sau này, quen rồi mình rất ít khi ăn ngoài mà ở trọ tự nấu. Nhờ vậy, đã tiết kiệm được gần 1 nửa so với việc đi ăn quán".‏

‏Linh cũng cho biết đừng nên tiết kiệm bằng cách sai lầm là nhịn ăn hay bỏ bữa vì không có sức học, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe. Linh chia sẻ: "Mình luôn ăn uống đầy đủ và chỉ tiết kiệm ở các khoản như uống trà sữa, đi chơi hoặc mua đồ linh tinh. Kinh nghiệm của mình là sau khi đã ước chừng được sẽ tiêu bao nhiêu trong 1 tháng thì nên chia ra thành các khoản nhỏ như: đóng tiền trọ, mua giáo trình, ăn uống, đi lại… như vậy sẽ dễ kiểm soát hơn".‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.