Thách đấu võ thuật xưa và nay

Thông tin những trận đấu võ tự phát giữa võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores với hai võ sư VN là Đoàn Bảo Châu và Trần Lê Hoài Linh đang làm sôi sục dân mạng những ngày qua với nhiều luồng dư luận trái chiều nên hay không cho thách đấu, tỉ thí.

Trong thực tế, thách đấu võ thuật đã có ở VN từ những thập niên đầu thế kỷ trước. Chưa biết chính xác trận thách đấu đầu tiên trên võ đài nước ta diễn ra vào lúc nào, nhưng theo tài liệu có được thì vào năm 1936 tại Sài Gòn từng có trận thách đấu giữa võ sĩ quyền anh Châu Minh (đệ tử võ sư Ký Tỉnh vùng Chợ Lớn) với Chín Hiệp (vô địch quyền tự do ở Bến Tre). Đây có thể được xem là một trong những trận tỉ thí đầu tiên giữa môn quyền anh (chỉ đánh bằng tay) và quyền tự do (được sử dụng đòn đá, gối, chỏ) trong lịch sử võ thuật nước nhà.
Muôn kiểu thách đấu xưa


Cuộc thách đấu này bất chấp hạng cân, bất chấp
lứa tuổi, như vậy không khác là bao so với hai người đánh nhau ngoài đường. Giả sử một trong hai người gặp sự cố nặng thì hậu quả sẽ ra sao? Có vẻ như người trong cuộc không lường trước được

Ông Trần Việt, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội

Cuối năm 1963, làng võ thuật miền Nam được điều hành bởi Tổng cuộc Quyền thuật VN hầu như tổ chức đấu đài mỗi đêm. Nhằm thu hút khán giả, xen kẽ trong các độ đài mỗi đêm, ban tổ chức đều “chêm” vào một trận “đinh” còn gọi là “độ thách thức” hoặc “độ then chốt” (combat vedette) giữa các võ sĩ tên tuổi bấy giờ. Do là “độ rửa hận” nên các võ sĩ vào cuộc rất máu lửa. Theo lão võ sư Quách Phước (88 tuổi), từng là trọng tài võ đài miền Nam lúc ấy, độ khốc liệt của các “trận thách đấu” đến mức trước mỗi trận đấu ban tổ chức và hai vị đại diện võ sĩ phải ký vào bản “sanh tử trạng”, nói nôm na là “đánh chết ráng chịu”. Nhằm tăng thêm phần kịch tính, ở góc khán đài các sân Tinh Võ, Lệ Chí, Nguyễn Trãi (Q.5) ban tổ chức còn cho đặt... một cỗ quan tài đen xì dành cho võ sĩ chẳng may thiệt mạng! Cũng theo ông Phước, trong một trận đài diễn ra tại Cam Ranh, võ sĩ Từ Hoàng Lợi (võ đường Từ Thiện) đã tung một đòn gối vào ngực Hồng Kim Quế (võ đường Hồng Kim Nghi) khiến đối thủ thổ huyết tại chỗ.
Khán giả mê võ thuật tuổi cao niên ở miền Nam hẳn chưa quên các “trận thách đấu” nảy lửa một mất một còn giữa Văn Phát (Kid Dempsey - vô địch Đông Dương năm 1939) với Bảy Muôn (Sư Muôn - vô địch Đông Dương 1941), Kim Sang (vô địch Nam kỳ 1941) với Văn Hóa (vô địch Bắc Việt 1954), Minh Cảnh (vô địch Đông Dương 1949) với Jack Sel (võ sĩ Malaysia), Văn Đại với Hassene (cựu quân nhân Pháp, người Ấn Độ), Đông Phương Sóc với Tiểu La Thành... Mùa thu năm 1953, khi đã 31 tuổi, do quá nhớ võ đài, Minh Cảnh rời Đà Lạt mộng mơ đón xe đò về lại Sài Gòn và thách đấu Van Van Den (võ sĩ người Đức, trong quân đội viễn chinh Pháp). Do thách đấu nên Minh Cảnh phải chịu lép khi già và “mỏng cơm” hơn đối thủ. Trận đấu được tổ chức tại Đại Thế Giới (Q.5), dự kiến 8 hiệp nhưng vào cuối hiệp thứ 5, tay đấm người Đức đã bị gãy sống mũi sau 3 quả thôi sơn nhanh như điện xẹt của nhà cựu vô địch Đông Dương.
Bên cạnh những trận thượng đài, còn có cả những trận “thách đấu miệng” mà thực hư khó ai kiểm chứng, nhưng được lan truyền chóng mặt, như tài tử điện ảnh Lý Huỳnh “thách đấu Lý Tiểu Long”! Số là trong khi thực hiện bộ phim võ thuật Long hổ sát đấu có sự tham gia diễn xuất của Lý Huỳnh, đạo diễn Hồng Kông Hàn Anh Kiệt - cố vấn võ thuật phim Đường Sơn đại huynh (Lý Tiểu Long thủ vai chính) khá bất ngờ khi mục kích Lý Huỳnh bay người trên không tung tuyệt chiêu “liên hoàn tứ cước” (đá 4 cái cùng lúc), trong khi ngôi sao màn bạc Lý Tiểu Long chỉ có thể tung ra cùng lúc 3 cú đá (được mệnh danh Lý Tam Cước). Đạo diễn nói nửa đùa nửa thật với Lý Huỳnh: “Nếu Lý Tiểu Long qua VN, anh có dám thượng đài không?”. Lúc đó báo chí tường thuật lại là Lý Huỳnh không trả lời thẳng câu hỏi của đạo diễn họ Hàn mà chỉ nhẹ gật đầu. Thế là sáng hôm sau, hàng loạt tờ báo ở Sài Gòn - Chợ Lớn đồng loạt đưa câu chuyện này với những hàng tít: Một sự kiện chấn động làng võ nước nhà, Lý Huỳnh thách đấu Lý Tam Cước, Võ Việt đấu võ Tàu... Dĩ nhiên, trận đấu không thể diễn ra.
Cũng có những trận đấu thể hiện nghĩa hiệp giang hồ. Khoảng năm 1971, trùm giang hồ vùng Chợ Lớn lúc bấy giờ là Tín Mã Nàm (Nàm Chảy, biệt danh “Con ngựa điên”) nghe đồn ở khu Nhị tì Quảng Đông (Q.11) xuất hiện một cao thủ tên Đặng Tây (Sấy Bạc), sống bằng nghề đan sọt tại căn hộ nhỏ cạnh chợ Thiếc (giao lộ Phó Cơ Điều - Trần Quý). Tín Mã Nàm liền tìm đến thách đấu. Sau nhiều lần từ chối không xong, vả lại muốn nhân dịp này dạy cho gã trùm du đãng một bài học nhớ đời, Đặng Tây nhận lời thách đấu, nơi tỉ thí võ công là đền thờ họ tộc Cao Lỗ (cạnh chợ Thiếc). Dựa vào thân hình hộ pháp cùng võ nghệ cao cường (học Hồng quyền cùng nhạc phụ Trần Lục - truyền nhân quyền sư Lâm Thế Vinh ở Trung Quốc), gã trùm du đãng quyết ra tay trước nhưng lần nào nhập nội cũng đều bị ông lão đan sọt nhẹ nhàng dùng tuyệt chiêu “Thiết chỉ” đẩy văng ra xa. Biết đụng nhằm Thái Sơn, Tín Mã Nàm lồm cồm ngồi dậy cúi rạp người bái ông lão có vóc dáng hom hem làm sư phụ. Tay trùm du đãng đâu biết rằng lão chính là truyền nhân của quyền sư Đàm Tam lừng lẫy Quảng Đông (Trung Quốc) với biệt danh “Quái thủ miêu trảo”.
Muốn đấu phải được cấp phép
Thời gian sau ngày thống nhất đất nước, những cuộc tỉ thí võ thuật không được khuyến khích. Ông Nguyễn Trung, Tổng thư ký Hội Quyền anh TP.HCM những năm 90 thế kỷ trước, từng tiết lộ: “Cũng có những trận tỉ thí theo kiểu thách đấu gửi đến hội quyền anh thời điểm đó nhưng không được cho phép. Thế là họ tìm cách “đánh chui”, dĩ nhiên rất ít người biết”.
Nhưng bây giờ, ở thời đại thông tin bùng nổ thì những cuộc thách đấu tự phát bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng.
Điển hình như trận đấu giữa võ sư karate Đoàn Bảo Châu và võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores, tính chất không phải thi đấu thể thao mà chỉ là thách đấu giữa hai cá nhân. Theo ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: “Về 2 vụ thách đấu vừa qua giữa ông Đoàn Bảo Châu và ông Flores, giữa ông Flores và Trần Lê Hoài Linh, Tổng cục TDTT đang tiếp tục phối hợp với Sở VH-TT Hà Nội để tìm hiểu, kiểm tra thêm và sẽ có giải pháp xử lý. Nếu hai cá nhân giao lưu võ học bình thường thì không sao, không cần thiết phải xin phép. Tuy nhiên, nếu đó là những cuộc giao đấu mang tính chất đối kháng mạnh mẽ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng thì lại khác. Các trận thi đấu võ thuật phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong đó có những quy định về an toàn, an ninh trật tự, không ảnh hưởng xấu đến xã hội. Có thể tự do giao lưu các môn không mang tính đối kháng như quần vợt, bóng bàn, còn những môn như võ có tính chất đặc thù riêng thì phải xin phép”.
Còn ông Trần Việt, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội, nhận xét: “Khi nghe thông tin ông Đoàn Bảo Châu chủ động thách đấu với ông Flores, Hội Võ thuật Hà Nội đã có công văn gửi Sở VH-TT và Công an Hà Nội với nội dung phản đối cuộc thách đấu này. Đây chỉ là sự thách đấu giữa hai cá nhân, không đại diện cho môn phái nào cả, không đại diện cho nền võ thuật của VN và của nước khác. Cuộc thách đấu này bất chấp hạng cân, bất chấp lứa tuổi, như vậy không khác là bao so với hai người đánh nhau ngoài đường. Giả sử một trong hai người gặp sự cố nặng thì hậu quả sẽ ra sao? Có vẻ như người trong cuộc không lường trước được. Chúng ta chưa có quy định cụ thể nào về những hoạt động mang tính chất thách đấu. Vậy nên chăng từ thực tiễn phát sinh như những cuộc thách đấu vừa qua, VN nên bắt đầu hướng tới những quy định về việc cá nhân, tổ chức đứng ra thách đấu thể thao”.
Cơ quan chức năng sẵn sàng can thiệp
Trước nhiều thông tin về việc sẽ diễn ra cuộc thi đấu võ thuật giữa võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt với võ sư Piere Francois Flores tại TP.HCM vào hôm qua, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Mai Bá Hùng cho biết ông chỉ nghe vụ việc qua dư luận chứ hai bên không xin phép hoặc thông báo đến Sở. “Quan điểm cá nhân của tôi là nếu hai bên có giao lưu với nhau cũng bình thường như một số võ đường thường giao lưu cùng nhau, không cần xin phép. Tuy nhiên việc thi đấu giao lưu của võ sư Flores được quan tâm, đẩy lên thành sự kiện nên dễ phát sinh những việc không hay. Do đó ngay khi nắm bắt vụ việc, chúng tôi đã thông báo cho phía công an cùng những bộ phận liên quan để theo dõi, kịp thời can thiệp nếu có dấu hiệu phạm pháp”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền VN Lê Kim Hòa cho hay: "Môn phái Nam Huỳnh Đạo là thành viên thuộc Liên đoàn Võ cổ truyền VN nhưng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào từ môn phái này về việc chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt sẽ đấu với võ sư Flores. Mọi việc chỉ nghe qua dư luận. Quan điểm của chúng tôi là nếu có thi đấu thì phải tổ chức, đăng ký đàng hoàng, hợp pháp theo đúng quy định nhà nước nhằm tránh những hệ lụy phát sinh ngoài ý muốn. Có như thế mới đúng tinh thần giao lưu võ học, tạo hình ảnh tốt với người hâm mộ đang quan tâm đến võ trong những ngày qua”.  
 Hoàng Quỳnh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.