Thăm làng trồng cây cảnh gần 1.000 năm tuổi, thu lãi tiền tỉ, chăm cây dễ như chăm rau

Cù Hiền
Cù Hiền
02/04/2023 19:32 GMT+7

Nổi tiếng trong giới sinh vật cảnh cả nước bởi sự lâu đời cũng như tay nghề của các nghệ nhân, làng Vị Khê (xã Điền Xá, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định) là một trong những làng nghề trồng cây cảnh trù phú bậc nhất của Việt Nam với thâm niên gần 1.000 năm tuổi.

Trồng cây vì đam mê nhưng vẫn thu lãi tiền... tỉ

Làng nghề trồng cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá, H.Nam Trực, Nam Định) là làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 800 năm và được mệnh danh là đất tổ của nghề trồng cây cảnh ở Việt Nam. Tại đây, mỗi cây cảnh là một tác phẩm nghệ thuật được uốn, tỉa, chăm sóc công phu. Theo ngọc phả ở đình làng Vị Khê, nghề trồng hoa, cây cảnh Vị Khê có từ thế kỷ thứ XIII (khoảng năm 1211) do một vị quan nhà Lý là Tô Trung Tự truyền dạy.

Thăm làng trồng cây cảnh gần 1.000 năm tuổi, thu lãi tiền tỉ, chăm cây dễ nhưchămrau - Ảnh 1.

Nhờ có nghề trồng cây cảnh mà đời sống của người dân làng Vị Khê trở nên sung túc.

CÙ HIỀN

Đến thời nhà Trần lên ngôi (năm 1225), làng cây cảnh Vị Khê có điều kiện phát triển mạnh mẽ, phục vụ cây cảnh cho cung đình và tiếp tục phát triển đến thế kỷ thứ XIX.

Trên con đường dẫn vào làng, hai bên là hai hàng cây xanh mướt với đủ loại cây, cây nào cũng mang phong cách riêng của nhà vườn. Những cây với đủ dáng, thế được cắt tỉa tỉ mỉ, thận trọng.

Để tạo ra một cây cảnh đẹp, nghệ nhân phải mất vài năm để chăm một cây đơn giản; mất hơn chục năm cho một cây có thế, dáng phức tạp. Với sự tỉ mỉ, kiên trì tạo dáng, nhiều năm cây mới có thể tạo nên một thế cây đẹp.

Là một nghệ nhân cũng đồng thời là chủ vườn, ông Vũ Văn Hoa (67 tuổi, xóm 3 thôn Vị Khê, xã Điền Xá, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định) chia sẻ: "Nghề này là nghề truyền thống rất lâu đời. Đây cũng là làng nghề lâu đời độc nhất vô nhị của Việt Nam. Gia đình tôi hiện sở hữu một khu vườn rộng khoảng 1 ha, trồng chủ yếu các cây bóng mát, cây phục vụ cho công trình, cây trồng thảm, cây thế, cây cảnh…".

Theo tìm hiểu, làng nghề cổ truyền này được cả nước biết đến, dân ở đây cũng xuất cây cảnh bán ở các nơi, thậm chí người dân quê còn mở đại lý ở nhiều tỉnh thành trên cả nước để phục vụ những "tay chơi" cây cảnh.

Thăm làng trồng cây cảnh gần 1.000 năm tuổi, thu lãi tiền tỉ, chăm cây dễ nhưchămrau - Ảnh 2.

Cũng nhờ nghề trồng cây cảnh có thu nhập tốt mà ông Hòa sẵn sàng chi nhiều tỉ để xây dựng ngôi nhà theo thiết kế Nhật Bản.

CÙ HIỀN

"Trong vườn của tôi có rất nhiều cây cảnh có giá trị cao. Đặc biệt là cây xanh 100 năm tuổi. Trước đây, vào thời thịnh hành (năm 2011) của loại cây này, người ta trả 17 tỉ nhưng tôi không bán. Thời đó, dân chơi cây săn lùng cây xanh ở khắp nơi. Vì lo sợ loài cây này bị mất giống nên tôi không bán mà lưu giữ. Bây giờ, qua giai đoạn thịnh hành, cây này được định giá lại, trở về giá trị thực của nó khoảng 7 tỉ đồng", ông Hoa nói.

Thăm làng trồng cây cảnh gần 1.000 năm tuổi, thu lãi tiền tỉ, chăm cây dễ nhưchămrau - Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Hoa đã thành công tạo dựng cơ ngơi nhiều tỉ từ nghề trồng cây cảnh.

CÙ HIỀN

Bình quân, mỗi năm gia đình ông Hoa bán cây cảnh thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng. Năm 2017 là năm gia đình ông có thu nhập kỷ lục từ trước đến nay, bán ba cây cảnh, ông thu về 3 tỉ đồng.

Với hơn 20 năm trồng và bán cây cảnh, gia đình bà Phạm Thị Lan (50 tuổi, trú tại làng Vị Khê, xã Điền Xá, H.Nam Trực, Nam Định) cũng có được cuộc sống đủ, đầy, thu nhập tốt. Trong khu vườn rộng hơn 2 ha của gia đình bà Lan trồng nhiều loại cây cảnh phong phú như: Tùng Kim, Tùng La Hán, cây xanh, cây tán rộng…bán sỉ, bán lẻ với số lượng lớn. Thậm chí, gia đình bà Lan đã từng có những đơn hàng bán cho khách Việt kiều, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

"Họ mua cây cảnh, đóng vào container xuất khẩu ra thị trường quốc tế, có những năm khí hậu thuận lợi, kinh tế phát triển, chúng tôi thu về tiền lãi lên đến hàng tỉ đồng", bà Lan cho biết.

Chăm cây cảnh tiền tỉ dễ hơn chăm rau

Thăm làng trồng cây cảnh gần 1.000 năm tuổi, thu lãi tiền tỉ, chăm cây dễ nhưchămrau - Ảnh 4.

Thời kỳ "hot" (năm 2011), cây xanh này của ông Hoa được thương lái săn mua với giá 17 tỉ đồng, nhưng lo lắng cây bị tuyệt chủng nên ông không bán. Nay, cây được định giá đúng với giá trị thực khoảng 7 tỉ đồng.

CÙ HIỀN

Không những sở hữu khu vườn rộng với hàng ngàn cây cảnh có giá trị, ông Vũ Văn Hoa cũng là nghệ nhân có tay nghề cao trong giới. Ông được trời phú cho khiếu cắt, tỉa, tạo thế cây cảnh.

Trong giới chơi cảnh có rất nhiều thế, thế long, thế trực, thế huyền, thế hoành, song thụ… Tuy nhiên, phải tùy vào phôi nào, gốc nào sẽ tạo ra dáng cây như vậy.

Để tạo nên một cây cảnh đẹp và có giá trị, trước tiên nghệ nhân phải chọn được cây có phôi đẹp để sửa thế. Để tạo ra một cây cảnh có thế đẹp thì cần thời gian, phải nuôi, cắt, tỉa.

Việc tạo tác phẩm nghệ thuật từ cây phôi là cả quá trình kéo dài, đòi hỏi phải kiên nhẫn và có niềm đam mê. Dựa trên dáng thế có sẵn của phôi, dưới bàn tay uốn nắn, căn chỉnh của người trồng, mỗi cây khi tạo thế là một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo.

Thăm làng trồng cây cảnh gần 1.000 năm tuổi, thu lãi tiền tỉ, chăm cây dễ nhưchămrau - Ảnh 5.

Cây xanh trị giá khoảng 7 tỉ dưới một góc chụp khác.

CÙ HIỀN

Ông Trần Văn Tập (60 tuổi, trú tại xã Điền Xá, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định) chia sẻ: "Từ phôi cây, chúng tôi tạo dáng, uốn tỉa. Mỗi thời điểm người ta chuộng một loại cây nhưng chúng tôi có những cây truyền thống để tạo hình như cây xanh, cây tùng vì loại cây này có ưu điểm của nó".

Cây càng nhiều tuổi, thế đẹp là một trong những yếu tố quan trọng để định giá giá trị của một cây.

Đối với người dân xã Điền Xá, nghề trồng cây cảnh là nghề mang lại thu nhập rất tốt, nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Tập cảm thấy việc chăm sóc cây cảnh nhàn hạ hơn chăm rau xanh.

Thăm làng trồng cây cảnh gần 1.000 năm tuổi, thu lãi tiền tỉ, chăm cây dễ nhưchămrau - Ảnh 6.

Gia đình bà Phạm Thị Lan luôn có 5 người thợ cắt, tỉa cây cảnh quanh năm, bà thuê với giá 400.000 đồng/ngày.

CÙ HIỀN

Việc tưới nước chăm cây sẽ phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngoài ra, nếu cây có dấu hiệu yếu (nảy búp nhưng nhìn không khỏe hoặc cây bị rụng lá) thì ông bón phân vi sinh. Nếu cây bị sâu bệnh thì người chăm cây sẽ tìm hiểu tùy vào dấu hiệu của bệnh để xác định và phun thuốc.

Mùa xuân là mùa tỉa cây, còn chăm sóc thì phải thực hiện quanh năm. Gia đình bà Lan luôn thuê 5 thợ, cắt, tỉa, chăm sóc cây quanh năm.

Phần lớn các làng nghề truyền thống sẽ bị mai một theo năm tháng, nhưng với làng nghề truyền thống trồng cây cảnh thì ngược lại. Kinh tế phát triển, người dân càng quan tâm đến giá trị tinh thần. Cây cảnh cũng góp phần mang lại giá trị tinh thần giúp con người trở nên ngày càng phong phú. Do đó, nghề truyền thống trồng cây cảnh cũng vì thế càng được duy trì vững chãi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.