Thế giới đại gia Sài Gòn chơi siêu du thuyền: Vài chục tỉ để mua, chục triệu/tháng bảo dưỡng

Phạm Hữu
Phạm Hữu
23/05/2019 12:12 GMT+7

Câu chuyện tỉ phú Joe Lewis (người sở hữu đội bóng Tottenham Hotspur) chủ siêu du thuyền Aviva với giá 150 triệu USD đến Việt Nam vừa qua khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng sẽ còn bất ngờ hơn khi chuyện sở hữu du thuyền ở Sài Gòn không phải là hiếm đối với một đại gia.

Nhà ven sông nhiều, du thuyền cũng nhiều theo

Sở hữu du thuyền là một chuyện nhưng chuyện bảo dưỡng chăm sóc nó cũng lắm kỳ công và tốn kém, người chơi phải thuê người chăm sóc bảo dưỡng hầu như mỗi ngày, chi phí cho khoản này lên đến hàng chục triệu đồng.
Một đại diện Asiamarine Vietnam, đơn vị chuyên về du thuyền ở TP.HCM, chia sẻ, trong những năm gần đây giới chơi du thuyền ở TP.HCM ngày càng nhiều. Số lượng du thuyền ở Việt Nam nói chung và ở TP.HCM tăng dần theo từng năm. Đặc biệt ở khu vực TP.HCM những người giàu quan tâm đến du thuyền ngày một nhiều hơn.
Theo đại diện Asiamarine Vietnam, thời điểm ban đầu người chơi vẫn còn e dè vì du thuyền ở Việt Nam là một khái niệm mới. Dần dần thông tin về du thuyền xuất hiện ngày càng nhiều trên phương tiện truyền thông, do đó thú chơi du thuyền cũng bắt đầu hình thành.
Nguyên nhân một phần do thị trường bất động sản ở TP.HCM phát triển mạnh. Các dự án ven sông đa phần đều có bến neo đậu tàu thuyền. Vấn đề đó đã giải quyết được khâu bến bãi nên có nhiều đại gia đã nghĩ đến chuyện sở hữu du thuyền cho thú chơi mới của mình.
Khi bước chân vào chơi du thuyền, giới đại gia đa phần còn e dè vì nhiều thứ như: chơi du thuyền để làm gì, mua về để đâu, ai sửa bảo trì, mua ở đâu… Để xác định độ “đẳng cấp” của du thuyền giới chơi thường xác định bằng độ dài của thuyền. Thuyền càng dài, thì độ sang chảnh và giá trị càng lớn.
Đa phần giới đại gia có nhà ở sát bờ sông Sài Gòn là nhóm người “để mắt” đến du thuyền đầu tiên. Họ chỉ cần xây cầu tàu là giải quyết được việc để du thuyền ở đâu, và việc sắm một chiếc du thuyền rất dễ dàng.
Du thuyền của tỉ phú người Anh cặp cảng Sài Gòn hồi cuối tháng 4 Độc Lập 
“Ở TP.HCM đã từng có người đã sở hữu du thuyền vài tỉ đến vài chục tỉ, khoảng 30 đến 40 tỉ. Ban đầu, giới chơi du thuyền sẽ sở hữu từ thuyền nhỏ, dần dần sẽ thay đổi chiều dài của thuyền. Ví dụ như người đang sở hữu du thuyền 15 mét thời gian sau sẽ nâng lên thành 18 mét. Bởi lên được 3 mét chiều dài thuyền sẽ nâng lên không gian sinh hoạt rất nhiều. Tuy vậy mỗi lần nâng tầm du thuyền như vậy ngốn một khoảng tiền rất lớn”, vị đại diện chia sẻ.
Đại diện này kể thêm TP.HCM hiện nay, nhiều đại gia sở hữu du thuyền để chơi theo nhóm cộng đồng như các thuyền loại nhỏ để dành đi chơi, ra biển vào dịp cuối tuần. Hoặc có đại gia khác mua du thuyền vài chục tỉ chỉ để chơi một mình, thích đi đâu thì đi. Có người sở hữu vì mục đích dùng để tiếp khách, đi chơi cùng gia đình.
Mốt số người khác chơi du thuyền bằng cách thuê lại du thuyền để đi du lịch ở các vùng biển xa từ vài tuần đến khoảng một tháng. Chi phí cho mỗi lần thuê cũng có thể lên đến hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng.

Mỗi tháng tốn hàng chục triệu bảo dưỡng

Sở hữu du thuyền là một chuyện nhưng chuyện bảo dưỡng chăm sóc nó cũng lắm kỳ công và tốn kém. Theo chia sẻ của giới chơi du thuyền, trung bình mỗi tháng người chơi phải tốn hàng chục triệu tiền bảo dưỡng. Vì du thuyền khác với các loại phương tiện khác ở chỗ phải chăm sóc mỗi ngày, nếu không nó sẽ nhanh chóng xuống cấp trong thời gian ngắn. Do đó, mỗi ngày, người chơi phải thuê từ 1 đến 2 nhân viên để trông coi và chùi rửa, vệ sinh du thuyền.
Trên các du thuyền luôn có đội ngũ phục vụ riêng biệt Huy Đạt
Đội ngũ phục vụ du thuyền gồm thuyền trưởng, thuỷ thủ đoàn, thuyền máy và nhân viên phục vụ... Huy Đạt
Nếu một chiếc du thuyền dài 15 mét, công tác bảo trì mỗi ngày có thể mất đến gần 10 giờ. Vấn đề tốn kém nhất là tiền điện, bởi khi thuyền nằm bờ người chăm sóc phải kết nối với điện trên bờ để vận hành thiết bị nhằm giúp thuyền luôn hoạt động tốt mỗi khi người chủ cần đi.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng ở TP.HCM buộc máy lạnh bên trong du thuyền phải mở liên tục từ sáng đến chiều để điều hoà nhiệt độ. Có vậy các thiết bị nội thất mới được bảo quản lâu dài và vận hành tốt nhất.
Điều đặc biệt, tính riêng tư luôn được đề cao nhất. Vì không gian du thuyền có đầy đủ mọi thứ như phòng ngủ riêng, bếp, thảm, không khác gì một ngôi nhà. Thậm chí có người chán ở nhà còn xuống du thuyền để ngủ. Do đó, những quy tắc “ngầm hiểu” của giới chơi luôn được đặt lên hàng đầu. Một nguyên tắc bất di bất dịch khác của nhân viên, thuỷ thủ đoàn là không được xuất hiện khi chủ đang có khách hoặc đang muốn sự riêng tư, chỉ được xuất hiện khi được gọi.
Còn khi khách bước chân lên du thuyền cũng có nguyên tắc cơ bản của nó như không được mang giày khi lên thuyền, phụ nữ không được mang giày cao gót vì có thể làm hư hại mặt sàn của thuyền. Mọi người đều đi chân không, có như vậy mới thể hiện sự tôn trọng người chủ. Khách cũng không được tùy tiện bước xuống cabin phía dưới nếu như chưa được sự đồng ý của chủ.
Nguyên tắc cơ bản khi khách bước chân lên du thuyền là không được mang giày dép Đình Tuyển
Ngoài chuyện chăm sóc, chuyện vận hành du thuyền cũng có nhiều điểm đặc biệt. Để du thuyền có thể vận hành tốt, một ê kíp cần có là thuyền trưởng (lái thuyền), nhân viên phục vụ, máy trưởng và thuỷ thủ.
Tuy nhiên, những người này muốn làm việc được cũng phải trải qua khoá học chuyên ngành về du thuyền. Công việc này không khác gì việc phục vụ ở khách sạn 5 sao. Ở khu sông Sài Gòn cũng chỉ có vài người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc du thuyền. Riêng ở Việt Nam nhân viên đa phần được thuê từ Philippines vì họ có tay nghề và được đào tạo bài bản về phục vụ trên du thuyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.