Ứng phó biến đổi khí hậu

09/12/2009 23:33 GMT+7

Theo báo cáo của Nhóm công tác về ảnh hưởng của khí hậu đối với kinh tế (ECAWG) do LHQ bảo trợ được công bố hồi giữa tháng 9, biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể làm giảm đến 1/5 GDP của các nước có nguy cơ bị thiên tai cao do BĐKH vào năm 2030 nếu các chính phủ không có những biện pháp đối phó khẩn cấp.

Kết luận trên được đưa ra sau cuộc nghiên cứu tại 8 khu vực, cả giàu lẫn nghèo, được xem là có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn hán, bão, lũ và nước biển dâng cao, mà nguyên nhân chính là do sự BĐKH gây ra.

Thiệt hại

Báo cáo cho biết tình trạng bão lụt ngày một tăng do BĐKH có thể gây thiệt hại đến 33 tỉ USD/năm cho tiểu bang Florida của Mỹ cho đến năm 2030 và nạn hạn hán nghiêm trọng, vốn xảy ra theo chu kỳ 25 năm/lần ở bang Maharashtra của Ấn Độ, nay có thể tấn công bang này 8 năm một lần, gây thiệt hại lên hàng tỉ USD.

Trước đó, một nghiên cứu của các chuyên gia cũng cảnh báo rằng BĐKH có thể gây thiệt hại lớn gấp nhiều lần so với mức dự đoán của LHQ từ trước tới nay. Ban thư ký phụ trách BĐKH của LHQ ước tính chi phí cho việc đối phó với BĐKH nằm trong khoảng từ 40 đến 170 tỉ USD mỗi năm.

Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 15.9 cho biết các nước đang phát triển sẽ phải chịu từ 75 đến 80% thiệt hại do BĐKH gây ra và các nước giàu có, những nước thải khí CO2 lớn nhất, phải có “nghĩa vụ đạo đức” đối với những thiệt hại này. Báo cáo kêu gọi các nước giàu cần thực hiện ngay việc cắt giảm khí thải nhà kính để giảm thiệt hại do BĐKH gây ra đối với các nước đang phát triển. Theo báo cáo này, GDP của các nước ở châu Phi và Đông Á sẽ thiệt hại từ 4 đến 5% nếu nhiệt độ Trái đất tăng 2 độ C. Chuyên gia Rosina Bierbaum, một trong những tác giả của bản báo cáo, nêu rõ BĐKH có thể phá vỡ mục tiêu làm giảm phân nửa số người nghèo đói vào năm 2015 vì nó ảnh hưởng xấu đối với nông nghiệp và giá lương thực.

Báo cáo của WB ước tính đến năm 2050 toàn thế giới cần nuôi sống hơn 3 tỉ người vào lúc mà các nước phải đương đầu tình trạng khí hậu khắc nghiệt hơn, với nhiều cơn bão, hạn hán và lũ lụt hơn. Các biện pháp làm giảm khí thải ở các nước đang phát triển có thể tốn kém khoảng 400 tỉ USD/năm vào năm 2030. Hiện tại, chi phí làm giảm khí thải bình quân hằng năm là khoảng 8 tỉ USD. WB cho rằng không thể sử dụng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay làm cái cớ để trì hoãn hành động nhằm đối phó BĐKH vì cuộc khủng hoảng khí hậu trong tương lai sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho nền kinh tế thế giới.

Biện pháp ứng phó

Báo cáo của ECAWG cho rằng có nhiều biện pháp dễ dàng thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế do tác động của BĐKH, như cải tạo hệ thống thoát nước, đê chắn biển và đổi mới các quy định về xây dựng. Trong lời giới thiệu báo cáo trên, ông Nicolas Stern, chuyên gia kinh tế người Anh, một trong những tác giả của báo cáo, nói rằng hiện có quá ít biện pháp đã được tiến hành nhằm ngăn chặn BĐKH và hạn chế khí thải CO2, thế nên, theo ông, các nước cần lập kế hoạch thích nghi “với tính nghiêm ngặt, sự tập trung và tính cấp bách cao hơn hiện nay”.

Trong khi đó, theo bà Gaia Vince, cựu biên tập viên của tạp chí Nature và là phóng viên khoa học tự do, sự quản lý hiệu quả của chính phủ phải đi đôi với các chính sách phát triển thông minh. Các bang của Ấn Độ như Gujarat đang bắt đầu từ bỏ những ngành nông nghiệp thiếu bền vững để chuyển sang các công nghệ “xanh”, nâng cao khả năng thích nghi với khí hậu của con người. Tại bang Andhra Pradesh, các nhà khoa học đang giúp đỡ người dân trồng những cây trồng bán khô hạn, như cây kê thay vì trồng lúa. Một chính sách phát triển kém có thể làm suy yếu khả năng thích nghi với khí hậu. Chính sách đó có thể là sự hỗ trợ của chính phủ cho những ngành nông nghiệp thiếu bền vững như phát triển các cây trồng cần nhiều nước, hoặc cung cấp điện giá rẻ cho máy bơm nước ngầm...

Cũng theo bà Gaia, giữ gìn môi trường tốt có lẽ là một trong những điểm quan trọng nhất để nâng cao khả năng đối phó với BĐKH. Các nước như Costa Rica, nơi mà môi trường được gìn giữ như một phần quan trọng của ngành du lịch, khả năng thích nghi với khí hậu tốt hơn Indonesia, Trung Quốc hay Madagascar, nơi chính phủ cho phép hoặc kiểm soát thiếu hiệu quả những hoạt động tàn phá môi trường.

Trùng Quang
(Theo Reuters, Yale.edu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.