Tận cùng nỗi đau

02/11/2010 10:14 GMT+7

Người gây nên tội ác phải bị pháp luật phán xét và trừng phạt. Nhưng gánh chịu quả báo, bất hạnh, đau đớn lại chính là người cha, người mẹ đáng thương của họ.

“Bây giờ phải làm sao hả luật sư?” - mẹ của L.X.T (SN 1986, ngụ Đồng Tháp) vừa khó nhọc thở vừa hỏi. Rồi dường như đã cố hết sức để có thể nói được điều ấy, bà nhắm nghiền mắt, xuôi hai tay.
 
Nước mắt ngắn dài, con gái bà sờ vào bàn tay lạnh ngắt của mẹ lo lắng: “Mẹ đừng làm con sợ!”. Có ai đó nói đưa bà xuống phía dưới lầu để dễ thở hơn, hai người con - một trai, một gái - dìu mẹ nhưng chỉ mới bước được hai bước, bà đã ngã nằm sóng soài trên mặt đất.
 
Một nam đồng nghiệp của chúng tôi chạy đến phụ đỡ bà. “Hai ơi! Con ơi!” - bà thều thào gọi con.
 
“Anh Hai về rồi đây mẹ! Ba đứa tụi con đang ở đây với mẹ nè” - con gái bà mếu máo. “Dạ, con nè!”, không đành lòng, bạn chúng tôi lên tiếng. Nghe thế, bà cuống quýt đưa tay vuốt lấy gương mặt và nắm chặt bàn tay anh. Tự nhiên, sống mũi tôi cay cay...

Đứa con tội lỗi
 
Theo lời khai của T. tại phiên tòa phúc thẩm, dù sống ở nông thôn và không khá giả gì nhưng gia đình T. vẫn cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
 
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, T. học tiếp lớp sửa chữa điện tử tại trường dạy nghề. Năm 2005, T. đi bộ đội đến cuối năm 2007, xuất ngũ về địa phương. Mong muốn có thu nhập tốt hơn, T. theo học tiếng Hàn Quốc và làm nghề thu mua hạt sen trên thị xã.
 
Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn, T. bị thua lỗ phải đem xe máy đi cầm và mượn tiền của bà nội để làm vốn buôn bán tiếp. Ngày 24-6-2009, T. phát hiện bị mất bóp tiền.
 
Nghĩ chị P.T.L (người làm công cho nhà trọ T. thuê) lấy bóp, T. dùng khúc cây đánh chị L. bất tỉnh. Vừa lúc đó có người đến thuê phòng, sợ bị phát hiện, T. kéo chị L. vào phòng tắm dùng dây điện siết cổ dẫn đến cái chết của nạn nhân.
 
Khi chủ phòng trọ về, T. tìm cách để lấy lại chứng minh nhân dân nhưng không được. T. lừa bà chủ vào phòng và dùng khúc cây đánh. Tưởng nạn nhân đã chết, T. trói tay chân bà, lấy xe máy và tiền bỏ đi thuê phòng trọ ngủ qua đêm.
 
Sáng hôm sau, T. bỏ trốn lên TPHCM nhờ bạn xin việc làm, đến ngày 22-3-2010 thì bị bắt.
 
Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt T. tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản.
 
Tại phiên tòa phúc thẩm, nạn nhân thứ hai trong vụ án tha thiết cầu xin tha tội chết cho T.: “Tính mạng con người ta quý giá lắm. Xin HĐXX giảm tội cho T. để nó có cơ hội nhìn lại những hành vi sai trái của mình. Mẹ T. bệnh hoạn, chắc cũng chết trẻ chứ không sống lâu đâu...”.
 
Bào chữa cho bị cáo, luật sư đã dành khá nhiều thời gian không phải biện minh mà để nói lời tạ lỗi với vong linh người đã khuất do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, xin lỗi nạn nhân may mắn sống sót và cầu xin sự khoan hồng của pháp luật.
 
Ông nói ai cũng có lúc gặp những chuyện bất như ý, gây mất cân bằng về tâm lý, có người bao dung, chọn thiện nhưng cũng có người không kiềm chế dẫn đến phạm tội. Sự trừng phạt của pháp luật dẫu nghiêm khắc thế nào cũng không bằng sự trừng phạt của lương tâm. Bị cáo đã thực sự ăn năn, cắn rứt lương tâm thể hiện qua việc thật thà khai báo, nhờ gia đình cố gắng khắc phục hậu quả. Đến kết cục hôm nay, bị cáo đã thấm thía và biết quý trọng cuộc sống, sinh mạng con người vì thế sẽ cố gắng để cải tạo thành người có ích...
 
Nỗi đau người mẹ
 
Tôi nhận ra em trai của T. bởi gương mặt chân chất, hiền lành hao hao giống T. và đặc biệt là đôi mắt đỏ hoe sau khi nghe VKSND Tối cao đề nghị xử y án sơ thẩm.
 
Sau một phút ngại ngần, bằng một giọng trầm buồn nhưng đầy yêu thương đối với anh trai, H. đã kể cho tôi nghe nỗi khổ của gia đình từ khi T. phạm tội. “Khổ lắm chị ơi, người ta nói ra nói vào. Hồi mới xảy ra vụ án, lối xóm đồn rùm beng nhưng cha mẹ em không tin cho đến khi gọi điện thoại cho anh Hai hoài không được, lên chỗ trọ tìm mới biết... Giết người phải đền mạng, biết vậy nhưng cha mẹ em vẫn cứ cầu trời khấn Phật...
 
Trước khi xử sơ thẩm, mẹ em cạo trọc đầu, mong anh Hai thoát án tử. Tòa xử xong, hai đứa em phải kè cha và mẹ về vì cả hai đều ngất xỉu. Bây giờ, tóc mẹ mới mọc lún phún đã lại xử phúc thẩm. Lỡ tòa không tha, biết mẹ em có chịu đựng nổi không? Bà bị bệnh tim...”- H. nhìn qua phía mẹ, rưng rưng nước mắt.
 
HĐXX vào tuyên án. Em gái H. lẳng lặng bước đến bên người mẹ. Tựa hẳn vào người con, mẹ T. căng thẳng dõi theo từng lời nhận định của tòa về vụ án. Hai tay chắp trước ngực, miệng lầm rầm cầu khẩn, ánh mắt nhìn như hút chặt vào tấm lưng con trai đang cúi thấp trước vành móng ngựa.
 
Và rồi gương mặt tái đi, bà đổ gục trước bản án tử hình dành cho con. Ngồi hàng ghế trước bà, cha T. chết lặng. Nhìn cảnh ấy, T. chỉ biết gọi: “Mẹ ơi! Cha ơi!” và bật khóc vì bất lực trước hoàn cảnh cùng nỗi đau mà mình đã gieo cho cha mẹ.   
 
Hình ảnh cuối cùng sau phiên tòa là những bước chân luống cuống, vấp ngã liên tục của H. khi tìm xe đưa mẹ đi cấp cứu; tiếng gọi mẹ lạc giọng, bàn tay run rẩy của người con gái cuống quýt vuốt lên khuôn ngực mẹ.
 
Trước cửa tòa, cha T. như người mất hồn, thẫn thờ nhìn chiếc taxi chở vợ con lao đi, còn ông chôn chân bên chiếc xe tù bít bùng. Bên trong đó, con trai lớn của ông đang đớn đau và tuyệt vọng.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.