Cứu người để cứu mình

17/10/2008 00:13 GMT+7

Trong những ngày này, Thủ tướng Anh Gordon Brown được ví như con chim phượng hoàng: con chim này bay lên từ đống tro tàn thì vị thủ tướng gần như đang có được đà phục hồi uy tín và củng cố vị thế quyền lực. Lý do chính là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hay nói đúng hơn là phương sách đối phó của ông Brown.

Dư luận Anh ngạc nhiên khi thấy ông Brown trở nên khác hẳn so với hình ảnh vị thủ tướng luôn bị phê trách nặng nề và thậm chí còn bị coi là sắp hết thời. Với đối sách của mình, ông Brown không chỉ thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, tính quyết đoán, tầm nhìn xa, sự mẫn cảm chính trị, mà còn làm được điều khiến người Anh phải tự hào là cả Mỹ lẫn EU đều phải sao chép chiến lược xử lý khủng hoảng tài chính của ông Brown: quốc hữu hóa toàn phần hoặc một phần các ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, ngân hàng trung ương bơm tiền vào thị trường và nhà nước đứng ra bảo lãnh cho những tín dụng giao dịch giữa các ngân hàng kinh doanh.

Ông Brown đã kết hợp rất khéo lợi thế quyền lực của người đứng đầu Chính phủ Anh và thời điểm đưa ra mô hình giải quyết khủng hoảng. Hiến pháp Anh cho phép người đứng đầu chính phủ tiến hành những biện pháp khẩn cấp và mạnh mẽ mà không cần có sự chấp thuận của quốc hội và tham khảo phe đối lập. Ông Brown để Chính phủ Mỹ ra tay trước và chỉ sau khi kế hoạch giải cứu đầu tiên của Mỹ thất bại rồi mới tung con chủ bài của mình ra. Đồng thời, ông Brown tận dụng được tình trạng EU vừa bất đồng quan điểm nội bộ lại vừa nhận thức quá chậm mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.

Cuộc cải tổ nội các với việc thu nạp lại một số cộng sự của người tiền nhiệm và chiến lược xử lý khủng hoảng nói trên đang giúp ông Brown củng cố vị thế quyền lực trong Công đảng và ở nước Anh, có thêm thời gian để giải quyết những vấn đề nan giải khác như thâm hụt ngân sách, thất nghiệp... và cả sự chống đối trong nội bộ Công đảng.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.