Thời hoàng kim của điện thoại di động

01/10/2005 19:16 GMT+7

Đúng như dự đoán, thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2005. Theo số liệu của GfK Asia (Việt Nam) - một công ty chuyên nghiên cứu thị trường công nghệ thông tin, điện tử… - trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng tiêu thụ trên thị trường đạt khoảng 1,6 triệu chiếc ĐTDĐ các loại (chỉ tính máy mới), tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường phát triển nhanh

Nếu so sánh với một số nước trong khu vực như Singapore, Philippines, Malaysia, Trung Quốc... thì tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam luôn ở vị trí dẫn đầu. Theo GfK, đến hết năm 2005, lượng tiêu thụ ĐTDĐ tại thị trường Việt Nam sẽ đạt gần 3 triệu chiếc. Một trong những tác nhân chính kích thích sự tăng truởng của thị trường ĐTDĐ Việt Nam trong thời gian qua là sự ra đời của nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng mới như Viettel, S-phone. Sự cạnh tranh về giá cước kèm theo các chương trình khuyến mãi tặng máy, tặng simcard... đã thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng. Đặc biệt việc giảm giá cước hòa mạng, cước thuê bao, cước cuộc gọi vào thời điểm hiện tại sẽ có tác động rất tích cực đến việc tiêu thụ ĐTDĐ của những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm ĐTDĐ cũng ngày càng giảm xuống, phù hợp với sức mua của phần lớn người tiêu dùng. Hiện nay, chỉ cần dưới 1 triệu đồng cũng có thể sở hữu một chiếc điện thoại chính hãng, và ở mức 1,5 - 2 triệu đồng là có ngay một chiếc điện thoại màn hình màu với nhiều tiện ích. Ngoài ra, việc giảm thuế nhập khẩu đối với ĐTDĐ cuối năm 2004 cũng là một đòn bẩy kích cầu. Tỷ lệ tiêu thụ hàng nhập khẩu chính thức và hàng trôi nổi trên thị trường đã có sự thay đổi đáng kể với tỷ lệ hiện hữu là 6:4 (cùng kỳ trong năm 2004, tỷ lệ này là 4:6). Nguyên nhân trực tiếp chính là tác động của các nhà sản xuất ĐTDĐ thông qua những chương trình khuyến mãi, quảng bá rầm rộ.

Cạnh tranh ngày càng mạnh

Theo thống kê của GfK Asia, trong nhiều năm trở lại đây thì khoảng thời gian mấy tháng cuối năm, số lượng ĐTDĐ bán ra có thể đạt xấp xỉ 7 - 8 tháng đầu năm. Về kiểu dáng, dạng thỏi (block) vẫn đang được ưa chuộng hơn cả với 65% thị phần, dạng vỏ sò (shell) đứng thứ hai với 27% và dạng nắp trượt (slide) đứng thứ ba với 6% thị phần.

Tại Việt Nam, hiện có gần 200 chủng loại sản phẩm của 20 nhà sản xuất ĐTDĐ, tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thế nhưng, vị trí trong bảng tổng sắp về thị phần dường như chưa hề có sự thay đổi nào với hai nhãn hiệu dẫn đầu là Nokia và Samsung (chiếm hơn 70% thị phần), tiếp theo là Motorola, Sony Ericsson, Siemens... Ngoài việc liên tục đưa ra sản phẩm mới, các hãng luôn tập trung vào các chương trình quảng bá cho thương hiệu của mình. Nokia và Samsung luôn luôn dẫn đầu về số lượng sản phẩm mới dành cho tất cả mọi phân khúc của thị trường; Siemens có thế mạnh về sản phẩm giá thấp; Motorola, Sony Ericsson thành công với những sản phẩm chuyên biệt... Thị trường ĐTDĐ cũng xuất hiện ngày càng nhiều các tên tuổi mới như Lenovo, Philips, Innostream, Toplux,... với nhiều sản phẩm hấp dẫn về mẫu mã, giá, các chương trình khuyến mãi ngày càng được tổ chức với quy mô lớn hơn và mật độ dày hơn.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Phát Tiến Mobile Mart- mặc dù các sản phẩm thuộc dòng giá thấp và trung bình vẫn được tiêu thụ nhiều nhất nhưng sản phẩm được tích hợp đa chức năng (nghe nhạc, chụp hình...) với các tính năng kỹ thuật được nâng cao hơn lại được các nhà sản xuất tập trung đầu tư hơn. Chẳng hạn như tích hợp máy nghe nhạc vào điện thoại không thua kém các máy nghe nhạc, bộ nhớ ĐTDĐ tăng lên (cao nhất là 2 Gigabytes), độ phân giải của camera lên đến 2.0 Megapixels, truy cập Internet và các dịch vụ 3G với hỗ trợ Bluetooth... Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các hãng ĐTDĐ, các công ty cung cấp dịch vụ thông tin di động đã mang đến ngày càng nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.