Các ông hãy coi chừng: Thế giới đang bị “nữ hóa”!

27/10/2004 10:58 GMT+7

Trong truyện “Tây du ký” của tác giả Ngô Thừa n, Tam Tạng phải trải qua nhiều thử thách mới đắc đạo. Trong chuyến đi này, ông phải đi qua vương quốc nữ giới - xứ sở không có đàn ông. Thay thế cho vai trò thiêng liêng của đấng mày râu là "nước sinh con". Khi muốn sinh con nối dõi, người phụ nữ chỉ cần uống nước và sau đó chờ ngày khai hoa nở nhụy.

Chuyện xưa là thế, chuyện nay đàn ông cũng đang có nhiều nguy cơ trở thành “động vật quý hiếm" và nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời thì không biết thế giới sẽ đi về đâu!

Giả thuyết chấn động thế giới

Gần đây, trên cơ sở các nghiên cứu, các nhà khoa học dự báo thế giới đang bị “nữ hóa”. Nói cách khác, đàn ông đang đi vào con đường... tuyệt chủng! Theo một giả thuyết về môi trường gây chấn động, hầu hết các hóa chất công nghiệp đều có tính estrogen (nội tiết tố nữ), thậm chí một số chất còn có hoạt tính ức chế hoạt động androgen (nội tiết tố nam). Việc tiếp xúc lâu dài và với nồng độ cao sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về giới tính và khả năng sinh sản của nam giới. Một số báo cáo gần đây tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới cho thấy một hiện tượng khá đặc biệt là cá đực (bộ nhiễm sắc thể XY) sống trên các dòng sông ô nhiễm nặng đã sản xuất ra trứng thay vì tinh trùng (!?).

Một số người “tin” rằng Thượng đế đã tạo ra đàn bà từ xương sườn của đàn ông (Kinh thánh), nhưng sinh học hiện đại đã cho chúng ta biết rằng trong tự nhiên, quá trình diễn ra gần như ngược lại. Ở người, tất cả các bào thai nam và nữ ban đầu đều phát triển giống như nhau. Ðến một giai đoạn nhất định, bào thai nam sẽ bị tác động bởi các yếu tố di truyền để bắt đầu phát triển “chệch” đi và tạo thành bé trai, các bào thai nữ do không bị tác động trên sẽ tiếp tục phát triển thành bé gái. Nói một cách khác, tất cả các bé trai đều khởi đầu từ một bào thai nữ. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều loài động vật. Như vậy, nếu trong quá trình phát triển bào thai, có một yếu tố bên ngoài tác động làm ức chế sự phát triển giới tính của bào thai nam, thai nhi sẽ phát triển bất thường về giới tính, hình thành yếu tố tiềm ẩn của nhiều bệnh lý đường sinh dục và ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản.

Người ta đã dùng cơ sở khoa học trên để giải thích hiện tượng “cá đực đẻ trứng”. Và "thủ phạm" chính là môi trường ô nhiễm nặng nề của dòng sông. Chính sự ô nhiễm này đã ngăn cản sự tác động của yếu tố di truyền và khiến cho cá đực mất cơ hội phát triển dù mang nhiễm sắc thể đực. Nguy hơn nữa, các nhà khoa học còn nhận thấy hầu hết các chất ô nhiễm của những dòng sông này đều có hoạt tính sinh học giống như nội tiết tố nữ (estrogen) đối với người và động vật. Ðã không có cơ hội phát triển yếu tố di truyền mà còn phải lớn lên trong môi trường giàu tiết tố nữ thì không là cá cái mới là… chuyện lạ!

Các nhà khoa học không hài lòng với kết quả nghiên cứu trên và cho rằng có thể còn nhiều nguyên nhân khác. Sau khi tìm kiếm, họ phát hiện ra rằng có nhiều chất chứa hoạt tính estrogen, trong đó có cả thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các chất sử dụng trong công nghệ sản xuất và xử lý nhựa, công nghệ làm lạnh dân dụng. Nên biết rằng các chất này đều hiện diện trong máy giặt, tủ lạnh, truyền hình, điện thoại, ống dẫn nước, vật chứa bằng nhựa hàng ngày (túi nylon, hộp nhựa)… Chúng ta tiếp xúc với chúng mỗi ngày. Một số hóa chất, sơn dùng trong trang trí nội thất cũng có chứa hoạt tính estrogen. Tương tự là các chất bảo quản thực phẩm. Cuối cùng là hoạt tính estrogen có cả trong các chất thải công nghiệp.

Bảo vệ môi trường sống là ưu tiên hàng đầu

Với các giả thuyết trên về sự ô nhiễm và độc hại của môi trường sống, bạn hãy tưởng tượng chúng ta đang sống như thế nào, đang thở gì, ăn gì và uống gì trong thế giới tiện nghi và hiện đại này từ lúc còn là bào thai đến khi trưởng thành?

Tại khoa vô sinh bệnh viện phụ sản Từ Dũ, số lượng nam giới đến khám vô sinh do tinh trùng yếu, dị dạng ngày càng đông. Ðây cũng là một thực tế đang được báo động tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sự tiến bộ của y học nói chung và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nói riêng đã giúp tăng khả năng duy trì nòi giống của nam giới lên rất nhiều. Theo các nhà sinh lý học, người chồng phải sản xuất hàng trăm triệu tinh trùng mỗi ngày để có thể có con bình thường. Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp người đàn ông có thể có con chỉ với một vài tinh trùng. Và đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phát triển mạnh trên thế giới trong hơn 20 năm qua.

Như vậy, với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, cho dù tinh trùng giảm với tốc độ chóng mặt theo các thống kê khoa học (1 - 2% mỗi năm), nam giới vẫn còn khả năng hoàn thành nghĩa vụ duy trì nòi giống trong vài trăm năm nữa. Chỉ buồn là không phải theo cách "tự nhiên, thoải mái" như cha ông thuở trước.

Nói chung, tác động của sự xuống cấp về môi trường đến cuộc sống của con người là rất sâu rộng, không chỉ ở vấn đề sinh sản, sức khỏe. Do đó, cải thiện môi trường sống là trách nhiệm của tất cả mọi người. Trên bình diện thế giới, nhiều tổ chức, nhiều quốc gia từ lâu đã đưa ra những chương trình hành động để bảo vệ môi trường sống.

Hãy trở về với tự nhiên, cùng nhau bảo vệ môi trường là khẩu hiệu của mỗi người để bảo vệ chính mình và cùng bảo vệ nhân loại.

(Theo Cẩm nang tiêu dùng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.