Tâm huyết nhiều, nhưng vẫn chờ giải pháp

15/12/2006 22:32 GMT+7

Hôm qua, ngày 15.12, Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục phổ thông" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa kết thúc. Có thể xem đây như là "Hội nghị Diên Hồng" bởi gần 150 đại biểu tham dự đã phát biểu đầy tâm huyết và đưa ra nhiều giải pháp về: Chất lượng giáo dục, nội dung và chương trình giáo dục phổ thông, đầu tư trong giáo dục...

Chương trình sách giáo khoa quá nặng...

Với tư cách là người phát biểu đề dẫn, TS Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT đã nhận định nội dung SGK phổ thông còn quá tải dẫn đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn khó khăn, đặc biệt việc thực hiện một bộ sách dùng chung cho học sinh cả nước cũng là một hạn chế... Riêng TP.HCM, cho dù được đầu tư 22,5% tổng ngân sách chi thường xuyên nhưng ngành giáo dục vẫn còn gặp những khó khăn vướng mắc về đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, cơ cấu đầu tư và cơ chế quản lý nhà trường.

Từ tình hình chung của ngành giáo dục TP, GS Trần Thanh Đạm đặt vấn đề: "Chúng ta nên tiếp cận bình tĩnh và sáng suốt với trái tim nóng và cái đầu lạnh, phải tìm cho ra được khâu then chốt để tháo gỡ và khai thông những khó khăn còn lại, đó là sự mất cân đối trầm trọng giữa giáo dục phổ thông và đào tạo chuyên nghiệp. Đáng lẽ, học sinh khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT phải được khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện để đi vào đào tạo chuyên nghiệp bằng mọi con đường khác nhau, thì trái lại sự đa dạng đó chỉ quy về một mối đó là thi ĐH, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ hay dở thầy dở thợ...".

Còn GS-TS Đào Văn Lượng thì xác định khâu then chốt có tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục là chương trình SGK. GS Lượng chỉ ra phương pháp để triển khai khâu đột phá trên là: khiêm tốn học hỏi và có thể sử dụng chương trình khoa học tự nhiên của các nước tiên tiến. Tuy nhiên vẫn phải có thử nghiệm và thành lập một ban chỉ đạo mạnh có đủ thẩm quyền điều hành...

Chung quan điểm khi nhận định chương trình phổ thông còn nặng, GS- NGND Hoàng Như Mai đưa ra thực tế là SGK do nhiều nhóm tác giả soạn nên có sự vênh nhau, có khi sách cơ bản và sách nâng cao khác nhau cả về thuật ngữ. Từ đó Bộ GD- ĐT nên thay đổi cách làm SGK, thay đổi chế độ thi cử, đánh giá chất lượng học sinh. Dạy học bây giờ không còn là nhồi nhét kiến thức, không đơn giản là phát triển trí nhớ mà phải là phát triển sự sáng tạo.

Tuy nhiên, xét trong điều kiện cụ thể của TP.HCM, các đại biểu đều đồng tình TP nên xác định giáo dục mũi nhọn chứ không nên theo phát triển đại trà nữa, tổ chức biên soạn trọng tâm chương trình, mạnh dạn và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Cụ thể là GS- TSKH Bùi Mạnh Nhị đề xuất TP nên đi trước và tham vấn với Bộ về đổi mới triệt để chế độ thi cử, linh hoạt lựa chọn chương trình và có chế độ đãi ngộå giáo viên hợp lý.

Lương giáo viên thấp!

88% thành viên trong Hội đồng biên soạn SGK không trực tiếp giảng dạy các bậc học

Tham dự hội thảo, GS - TS Nguyễn Thiện Nhân - Bộ trưởng Bộ GD - ĐT khẳng định giáo dục TP không nên hướng tới mục tiêu đạt chuẩn mà đã đến lúc phải vượt chuẩn. Đã đến lúc ngành giáo dục TP.HCM phải đi đầu trong đào tạo học sinh giỏi về tin học, ngoại ngữ, lịch sử - văn hóa, vận dụng phương pháp sáng tạo... Về chương trình SGK, Bộ trưởng cũng xác nhận có 88% thành viên trong Hội đồng biên soạn SGK không trực tiếp giảng dạy các bậc học nên nội dung không sát, không thực tế. Qua khảo sát, hiện nay cả nước có 20% giáo viên phổ thông không đủ năng lực sư phạm. Tuy nhiên, Bộ đang triển khai chương trình đánh giá SGK vì vậy TP cũng nên có những ý kiến đóng góp và tư vấn cụ thể với Bộ. Riêng vấn đề tăng học phí, TP phải có kế hoạch sao cho đúng nguyên tắc chung và phù hợp với điều kiện chi trả của phụ huynh và nên có quỹ hỗ trợ cho học sinh nghèo không có điều kiện vẫn có thể đến trường.

Vấn đề tiền lương và chế độ đãi ngộ giáo viên được các đại biểu thảo luận sôi nổi hơn khi TS Trần Hữu Quang (Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM) đưa ra thống kê số liệu về mức lương giáo viên hiện nay. Theo đó, một giáo viên trường THPT khu vực nội thành có thâm niên gần 30 năm giảng dạy chỉ nhận được mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, giáo viên tiểu học mới ra trường chỉ có tiền lương 700-900 ngàn đồng/tháng... Theo GS - NGND Hoàng Như Mai, tiền lương giáo viên như hiện nay là còn thấp, nếu như để lo cho cuộc sống gia đình thì nhiều thầy cô không có tiền để mua sách về đọc, tham khảo vì vậy để nâng cao hiệu quả bài giảng nhiều khi cũng khó... Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao đời sống giáo viên nên cho tăng học phí, tăng giờ tiêu chuẩn của giáo viên... Bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã đưa ra kinh nghiệm về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong đơn vị của mình. Chẳng hạn như, năm 2005, trường đã vận động được hơn 3 tỉ đồng từ cá nhân, các tổ chức xã hội hỗ trợ, làm tăng tổng số tiền chi cho hoạt động dạy - học lên gấp 4 lần kinh phí ngân sách, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, xây dựng, hiện đại hóa nhiều phòng học, phòng chức năng...

Tổng kết hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để từ đó TP xây dựng chương trình hành động cho ngành, cho TP trong những năm tiếp theo. Trong thời gian tới đây, TP sẽ có quyết định hợp lý về học phí, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nhà trường để tăng thu nhập giáo viên. Đặc biệt, TP cũng sẽ nghiên cứu cụ thể về mô hình trường lớp áp dụng chương trình chuẩn quốc tế và hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong việc phát triển giáo dục...

B.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.