Sừng tê giác - từ Phi sang Á, Kỳ 6: Phần chìm của “tảng băng trôi”

26/11/2008 10:45 GMT+7

Ông Sulma Warne - điều phối viên của Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC) tại VN - đã có buổi trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ xoay quanh nạn buôn bán sừng tê giác nói riêng và động vật hoang dã nói chung tại VN thời gian qua.

* Thưa ông, mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã nhận định thế nào về tình hình buôn bán sản phẩm động vật hoang dã nói chung và sừng tê giác nói riêng tại VN thời gian qua?

- Thời gian gần đây, VN đang nổi lên như một quốc gia nhập khẩu trong hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Người ta cho rằng VN đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã và trung chuyển sang thị trường rộng lớn ở Trung Quốc.

Sừng tê giác nhập lậu vào VN có nguồn gốc chủ yếu từ các nước châu Phi, trong đó chủ yếu là Nam Phi. Kể từ năm 2004, VN đã bắt giữ một số lượng lớn sừng tê giác buôn bán trái phép, cho thấy nhu cầu sử dụng sừng tê giác và các sản phẩm từ động vật hoang dã đang tăng ở VN. Chúng tôi không ước lượng được số lượng thực tế được buôn bán nhưng có thể thấy những vụ đã bắt được chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Có ba nguyên nhân dẫn đến việc buôn bán trái phép sản phẩm động vật hoang dã ở VN, đó là dùng làm thuốc theo các vị thuốc y học cổ truyền; lấy thịt để kinh doanh trong các nhà hàng và một số gia đình ngày càng giàu nên muốn nuôi động vật trong nhà làm cảnh. Một số sừng tê giác được người ta mua và sử dụng làm thuốc trong các gia đình, tiệm thuốc. Một số được đưa lên các tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai bằng ôtô để bán sang Trung Quốc. Qua một số vụ việc Traffic nắm được, có những người Trung Quốc đã thừa nhận mua được sừng tê giác từ người VN mang qua.

Theo cảnh sát môi trường VN, việc phát hiện và bắt giữ các vụ việc liên quan đến sừng tê giác đang tăng. Một số người VN đi sang nước ngoài với mục đích du lịch rồi lợi dụng mang sừng tê giác về VN và buôn bán ngầm. Hải quan VN cũng đã nhiều lần phát hiện những vụ vận chuyển, buôn bán trái phép này. Những vụ việc này sau đó được cơ quan chức năng trong nước xử lý nên chúng tôi cũng không nắm rõ.

Trên thực tế việc buôn bán động vật hoang dã không phổ biến, không thường xuyên nên các vụ việc bắt được ít hơn so với buôn lậu hàng hóa khác. Ở châu Phi, Singapore, Hong Kong không phải lúc nào cũng bắt được những trường hợp vi phạm. Có nhiều lý do nhưng một phần có thể do khó có chuyện hải quan các nước cố gắng tìm kiếm trong hành lý vì nó dễ giấu, hoặc cũng có thể do nhận thức về việc buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, sừng tê giác gây ảnh hưởng đến môi trường nên ít có người buôn bán hơn.

* Đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép tồn tại nhiều như vậy, theo ông, có hay không sự hợp tác của một số nhân viên ngoại giao?

- Theo tôi, điều này cũng có thể xảy ra, cụ thể nhất là trong lĩnh vực ngoại giao. Ví dụ, nhân viên ngoại giao muốn gửi một bức thư ngoại giao, một món hàng nào đó bằng con đường này thì không cần qua hải quan kiểm tra. Những mặt hàng có giá trị lớn như sừng tê giác chẳng hạn, giá trị rất lớn nên không ngoại trừ có một số thành viên sứ quán nào đó tham gia buôn lậu.

* Đối với các quốc gia tạm gọi là xuất khẩu sừng tê giác và các loài động vật hoang dã khác, nó gây ra những hậu quả gì đối với môi trường?

- Không cần ví dụ ở các quốc gia khác, chỉ cần nhận định tại VN. VN là nước có hệ động thực vật phong phú với nhiều loài động vật quý hiếm, có loài có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời VN cũng là nơi có tình trạng săn bắn, buôn bán trái phép. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc mất những loài động vật hoang dã quý hiếm không chỉ ở VN.

Việc mất các động thực vật quý hiếm ảnh hưởng tới cộng đồng địa phương, khi hệ động thực vật bị mất đi thì người dân bản địa sẽ không có các sản phẩm của địa phương để hỗ trợ sinh sống. Ở VN hiện nay các loài tê giác gần như bị tuyệt chủng, chỉ một số rất ít còn lại ở Cát Tiên, khoảng 5-7 con. Nhiều loài hiện đang bị mất đi tại VN như rùa, rắn, voi… Một số loài đang phải đối mặt với nạn buôn bán. Các loài thú quý hiếm bị giảm rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn 20-30 năm đã có những loài gần như bị tuyệt chủng.

Về kinh tế, Chính phủ cũng sẽ mất rất nhiều tiền do việc buôn bán trái phép động vật hoang dã gây ra. Trước hết là mất đi những động thực vật sinh thái có giá trị, thứ hai là mất tiền để điều tra, thứ ba là mất tiền để khắc phục môi trường. Theo ước tính của ông Nguyễn Văn Song - giảng viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chỉ trong năm 2003 việc buôn bán trái phép động vật hoang dã trong nội địa VN và từ bên ngoài vào đã có giá trị khoảng 60-70 triệu USD. Đến nay, sau năm năm, thiệt hại về kinh tế có thể tăng lên gấp nhiều lần con số này.

* Traffic đã có sự hợp tác nào với Chính phủ VN và các tổ chức khác để giải quyết nạn buôn bán trái phép này không, thưa ông?

- Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Chính phủ VN và tổ chức khác trong vấn đề này, nhất là với hải quan VN, Bộ Tư pháp, cảnh sát môi trường, Cục Kiểm lâm. Với các tổ chức khác như Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF), chúng tôi cũng hợp tác thực hiện đào tạo, kiểm soát, hỗ trợ trong việc đưa ra các chính sách, quyết định, văn bản pháp luật và cả việc kiểm soát thị trường.

Chúng tôi đã đến các nơi có hoạt động buôn bán, giám sát các vùng lân cận. Ví dụ, từ Hà Nội, chúng tôi xem xét những vùng xung quanh, những nơi như biên giới Lào, Campuchia, Trung Quốc để biết những gì diễn ra xung quanh. Chúng tôi giúp đào tạo cán bộ kiểm lâm, hải quan, cảnh sát môi trường về bảo vệ động thực vật, bảo vệ môi trường.

Với Chính phủ, chúng tôi kêu gọi cần hành động nhiều hơn nữa, phải thực hiện tuyên truyền nhằm thay đổi suy nghĩ của mọi người đối với việc sử dụng động vật hoang dã. Các vụ án được triệt phá có ý nghĩa rất tích cực, cần được tuyên truyền sâu rộng, giáo dục tới mọi người nhằm bảo vệ môi trường, thiên nhiên trước nguy cơ bị hủy hoại trong tương lai.

Cú lừa ngoạn mục

Năm 2005, người dân Trung Quốc từng xôn xao với thông tin Cục Hải quan Nam Ninh phát hiện một vụ buôn lậu sừng tê giác lớn với 25 chiếc, được xem là một chuyến buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay. Toàn bộ sự việc như sau: tháng 8-2005, ông Diệp - giám đốc một công ty ở Thượng Hải - đi châu Phi thu mua gỗ cây cho công ty, tổng cộng 20 container. Ông được một nhóm người đến mời mua sừng tê giác và cho rằng sẽ dễ dàng vận chuyển về Trung Quốc trong số container này.

Do hám lợi, ông đã gật đầu. Sau khi làm xong thủ tục hải quan, trong quá trình vận chuyển công nhân phát hiện có một khúc gỗ ngắn hơn bình thường, họ vô tình đánh rơi và phát hiện một khoanh gỗ tròn rơi ra theo, thì ra đó là cây gỗ rỗng ruột bên trong giấu đầy sừng tê giác, tổng cộng 25 chiếc. Ông giám đốc công ty vận chuyển đã báo cảnh sát và khai rằng hàng do ông làm đại lý nhưng chủ hàng là ông Diệp đang ở châu Phi, có dặn bảo quản giùm hai cây gỗ đỏ do một người bạn nhờ mua.

Cơ quan hải quan cho rằng đây là vụ án buôn lậu lớn nên lập tức chuyển công an điều tra. Nhưng sau khi chuyên gia động vật Thượng Hải kiểm định cho biết đây chỉ là những chiếc sừng tê giác bằng nhựa nên không đủ cơ sở tố cáo. Còn ông Diệp thì bị một phen nhớ đời vì ham lợi -
Cảnh Chánh (Theo Tân Hoa xã)

Tú Anh - Quang Minh (Tuổi Trẻ)

Kỳ 1: Săn trộm sừng tê giác
Kỳ 2: Đường đi của sừng tê giác 
Kỳ 3: Buôn lậu sừng tê giác về Việt Nam 
Kỳ 4: Mạng lưới ngầm “chợ sừng tê” 
Kỳ 5: Sừng giả “công nghệ cao”

-------------------------------

Có thật là “sừng tê giác có thể chữa bệnh yếu sinh lý của nam giới hoặc làm cho đàn ông đã ngon cơm lại càng ngon cơm hơn”? Các bác sĩ sẽ phân tích về “tác dụng chữa bệnh” của sừng tê giác.

Kỳ tới: Huyền thoại và sự thật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.