Bức xúc chuyện nợ công

22/10/2010 18:49 GMT+7

(TNO) “Không thể so sánh VN với Mỹ hay Nhật Bản để khẳng định rằng nợ công của ta với 56,5% GDP vẫn trong ngưỡng an toàn”, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) bức xúc nói trong buổi thảo luận tổ về vấn đề nợ công và bội chi ngân sách, diễn ra ngày hôm nay 22.10.

Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, điều đáng nguy hiểm là “chúng ta đang mắc bệnh chạy theo tăng trưởng GDP, vốn bao gồm cả nợ công (trên 56% GDP) và đầu tư nước ngoài. Tại QH khóa XI, nợ công ở mức trên 30%, chúng ta cũng nói là an toàn và khi nào trên 50% mới là đáng báo động. Bây giờ hơn 56,5% vẫn trong ngưỡng an toàn thì giới hạn nào là ngoài mức an toàn. Huống hồ, báo cáo của Chính phủ không có đề cập phương án chi trả nợ sẽ như thế nào, nhưng có thể tới đây sẽ tiếp tục đặt vấn đề vay nợ nước ngoài. Vậy thì Chính phủ cần thiết phải có báo cáo về vấn đề này, ngay trong kỳ họp hoặc ở kỳ họp cuối, trả lời rõ ràng: Vay ai? Vay làm gì? Trả nợ như thế nào? Trong thời hạn bao lâu?”.

Về vấn đề phân bổ ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng việc phát hành trái phiếu chính phủ là cần thiết, nhưng sử dụng nguồn vốn này cho nhiều chương trình mục tiêu quốc gia có thời gian quá dài, dàn trải là chưa cần thiết, lãng phí trong khi có nhiều vấn đề thời sự mới nảy sinh, cần đầu tư giải quyết hơn. Việc phân bổ nguồn vốn ngân sách cho các dự án ngoài qui hoạch và việc chi tiêu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu hiệu quả, góp phần làm gia tăng nợ công cho VN.

Các ĐBQH cho rằng việc “khan” đầu tư là do hiệu quả đầu tư công thấp và đó là nguyên nhân dẫn đến nợ công, bội chi ngân sách lớn và chỉ số ICOR cao. ĐB Trần Văn Phát (Thanh Hóa), Hà Sơn Nhin (Gia Lai), Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cùng cho rằng tổng vốn đầu tư toàn xã hội cao nhưng hiệu quả đầu tư thấp, chi phí trung gian cao, dẫn chứng là số dự án treo giảm về số lượng nhưng quy mô lại lớn.

ĐB Ksor Phước (Gia Lai) cho rằng chúng ta “tăng thu nhưng bội chi vẫn tăng có thể là do hệ thống tài chính từ dưới lên đang thiếu minh bạch, yếu kém trong khâu kiểm tra chi tiêu. Đã đến lúc phải dừng lại việc phát triển mô hình tập đoàn để chính phủ có một cuộc tổng kết, hoặc sơ kết toàn diện, đánh giá xem mô hình này hoạt động hiệu quả như thế nào, có phù hợp với nền kinh tế - xã hội VN...”.

Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.