Đừng nghĩ con cứ tăng cân là khỏe mạnh

20/06/2014 06:00 GMT+7

Tâm lý chung khi nuôi con của đại đa số bậc phụ huynh hiện nay chỉ chú trọng vào việc con tăng cân đều mà không lường trước được những hậu quả của cân nặng mang lại cho trẻ.

Đừng nghĩ con cứ tăng cân là khỏe mạnh

Với 50 - 60% chất béo, váng sữa có thể gây đầy hơi, khó tiêu, thậm chí béo phì - Ảnh: shutterstock

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ béo phì dễ mắc các bệnh tim, huyết áp, tiểu đường… cũng như ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập vì thường bị bạn bè trêu chọc và cô lập.

Trẻ em béo phì vì thói quen của bố mẹ

Theo khảo sát của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, chỉ trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh tiểu học tại TP.HCM mắc bệnh thừa cân béo phì đã đạt ngưỡng đáng báo động (38%). Nguyên nhân chính là do trẻ không được xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hầu hết đến từ thói quen ăn uống của các gia đình thời nay.

1. Bữa ăn tiện lợi: Để bắt kịp với nhịp sống hối hả hiện đại, bữa cơm gia đình giàu dưỡng chất thường được thay thế bằng các loại thực phẩm tiết kiệm thời gian có hàm lượng chất béo cao như gà rán, hamburger… hay thức uống chứa nhiều đường, nước ngọt có ga… Đây được xem là điểm đặc trưng của trẻ em béo phì ở khu vực thành thị.

2. Lạm dụng thực phẩm bổ sung chất béo: Để đảm bảo con mình phát triển khỏe mạnh, đầy đủ dưỡng chất, các ông bố bà mẹ thường có quan điểm cho trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên những sản phẩm này có thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn từ 1 - 6 tuổi? Đặc biệt, một khi trẻ đã mắc bệnh béo phì thì nguy cơ đối mặt với các bệnh như tiểu đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ khi trưởng thành là rất cao.

3. Ít tạo điều kiện cho trẻ vận động: Bên cạnh đó, một thực tế khác đặt ra, trẻ em tại các thành phố lớn hiện nay được phụ huynh tạo cơ hội tiếp xúc với công nghệ cao từ rất sớm. Các bé dành nhiều thời gian giải trí bằng những trò chơi điện tử, mà bỏ qua những trò chơi vận động bổ ích. Trong khi đó, vận động đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trí não và thể chất ở trẻ. Trẻ ít vận động thường trở nên thụ động, phản ứng chậm chạp trước mọi tình huống. Ngoài ra, ít vận động cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng thừa cân ở trẻ.

Vì một tương lai khỏe mạnh cho trẻ

Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình phát triển cân bằng giữa cân nặng và chiều cao nhưng không nên vì thế mà lạm dụng quá nhiều chất béo trong bữa ăn của trẻ. Việc này khiến trẻ chỉ hấp thụ chất béo mà bỏ qua các dưỡng chất còn lại, bỏ lỡ những cột mốc quan trọng cho sự phát triển toàn diện.

Mẹ cần chú trọng xây dựng bữa ăn dinh dưỡng của trẻ với tỷ lệ đạm : béo : đường (P:L:G) phù hợp theo khuyến nghị của Viện Nghiên cứu y - xã hội học (ISMS) như sau:

Đối với trẻ từ 1 - 3 tuổi tỷ lệ P:L:G phù hợp sẽ là 13,6% - 17,9% - 48,9%;

Nhóm tuổi từ 4 đến 6 là 13,5% - 22,5% - 64%. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung cho con những vi chất dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Sau đây là một số điều phụ huynh cần lưu ý trong việc xây dựng bữa ăn cho con:

1. Sử dụng vừa phải các loại thức ăn nhanh, váng sữa, và nước ngọt có ga…

2. Bổ sung vitamin K2 bằng các loại thực phẩm như trứng gà, thịt và những chế phẩm từ sữa có thành phần dinh dưỡng cân bằng như sữa chua, và đặc biệt là phô mai tươi giúp tăng cường khả năng hấp thụ can xi, cho trẻ một hệ xương chắc khỏe.

3. Bổ sung các loại men tiêu hóa như lactococcus lactis subsp.cremoris và lactococcus lactis subsp.lactis, tăng cường khả năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn ở trẻ.

4. Khuyến khích trẻ vận động bằng các buổi tập thể dục cùng gia đình như đạp xe, chạy bộ hay bơi lội…

Võ Trúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.