Tiếp tay cho kẻ xấu

08/10/2009 01:19 GMT+7

Vào thập niên 1970 – 1980, ở đất Sài Gòn có nhiều món hàng bán được giá cao, vì nó hiếm. Bọn cướp giật trên đường phố không đánh hoặc hăm dọa người đi đường để cướp xe gắn máy nhiều như bây giờ. Hồi đó chúng chỉ nhắm vào chiếc đồng hồ đeo tay của người điều khiển xe 2 bánh.

Đồng hồ thường được đeo bên tay trái dễ bị giật, sau đó người ta chuyển sang đeo tay phải khó giật hơn. Đến thời có điện thoại di động, thông thường nghe bên tai trái dễ bị giật, nên để đối phó, người ta chuyển sang nghe bên tai phải.

Hồi xưa, bóng đèn xe gắn máy, xe hơi rất có giá. Do đó bọn trộm cắp thường đập bể chụp đèn để lấy bóng đèn đem bán. Món hàng này hiện nay khá rẻ, kẻ xấu không thèm để ý đến bóng đèn nữa mà chuyển sang… tháo nguyên bộ đèn, nhất là xe hơi đời mới.

Trên thực tế, ngoài những món hàng nêu trên thì thùng rác bằng nhựa, nắp cột nước chữa cháy, nắp hố ga bằng thép, bu-lông công trình cầu đường... do nhà nước quản lý cũng bị mất cắp. Sau đó người ta thấy chúng nằm trong các điểm thu mua ve chai, phế liệu. Thử đặt vấn đề: Có bao giờ người mua hỏi người bán món đồ này ở đâu ra (hiểu một cách khác là xuất xứ) nếu nó là bộ chụp đèn xe hơi hay một cái điện thoại di động? Còn những món nhìn vào biết chắc là có xuất xứ từ những công trình công cộng (như nắp hố ga chẳng hạn) thì không cần phải hỏi. Vậy mà có người vẫn liều mua. Tại sao họ mua? Câu trả lời là vì nó rẻ.

Ở một thành phố “bán cái gì cũng có người mua” như Sài Gòn thì chuyện mua giá rẻ, bán giá cao những món hàng của các phần tử không lương thiện đang diễn ra như cơm bữa. Biết chắc đó là hàng gian mà vẫn mua, suy cho cùng người mua cũng gian như người bán. Mua vì cái gì nếu không phải là lợi nhuận bất minh? Ở các nước phương Tây, nếu bạn không chứng minh được nguồn gốc món hàng muốn bán, người ta sẽ không mua. Không những vậy, nếu thấy khả nghi, họ còn gọi cho cảnh sát đến “hỏi thăm sức khỏe” bạn nữa. Đến lúc đó, nếu phát hiện là đồ gian, bạn sẽ “bầm dập” với luật pháp.

Việt Nam đương nhiên cũng có luật pháp, nhưng trên thực tế chúng ta thực hiện nó chưa đến nơi đến chốn, không phải vì thiếu người mà vì ta nhìn vấn đề một cách dễ dãi. Ví dụ: có khi nào anh cảnh sát khu vực ghé thăm một tiệm ve chai trong khu phố do mình phụ trách để xem họ đã thu mua những món gì, và hỏi chủ tiệm vì sao dám mua nắp cột nước chữa cháy của cảnh sát để bán phế liệu?

Một vấn đề khác thuộc về nhận thức của mỗi chúng ta. Nếu biết chắc đó là đồ gian thì dứt khoát không mua. Không ai thèm mua những món hàng trộm cướp thì bọn xấu sẽ phải… giải nghệ. Để đạt được nhận thức này, chắc chắn thực hiện một cách có hiệu quả với điều kiện cả người dân lẫn người thi hành pháp luật hiểu được vấn đề, thấy được một mối nguy trong kinh doanh hàng gian và chung tay xóa sổ nó.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.