Giải thưởng không phải là miếng giữa làng

20/09/2006 22:14 GMT+7

Hội Nhà văn (HNV) Hà Nội vừa công bố giải thưởng năm 2006. Điểm đặc biệt là mỗi thể loại của giải chỉ có một giải duy nhất thay vì 2, 3... như các năm trước. Cuộc trò chuyện với Tổng thư ký HNV Hà Nội Hồ Anh Thái sẽ cung cấp thêm thông tin về sự kiện văn học này.

* Xin anh cho biết vì sao có sự thay đổi trong cơ cấu giải thưởng như vậy?

- Đây là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới (2006-2010), Ban chấp hành (BCH) Hội muốn bắt đầu một giải thưởng với chất lượng mới. Tác phẩm đoạt giải phải là số một. Có những người chỉ lọt vào chung khảo duy nhất một lần, số phiếu suýt soát, tiếc thì tiếc thật, nhưng để đoạt giải, họ buộc phải là... hoa hậu.

* Tiêu chí để tác phẩm được chọn đưa vào giải của HNV Hà Nội khi mới ra đời và đến thời điểm hiện tại có gì khác không?

“Ở VN đang có tình trạng lạm phát giải thưởng và mưa huy chương trong văn học nghệ thuật. Giải thưởng nhiều khi chỉ là sự ban phát theo mức độ thân cận, tuổi tác, vùng miền... Chúng tôi muốn xây dựng một giải thưởng càng thực chất càng tốt”.

Hồ Anh Thái

- Tiêu chuẩn duy nhất là chất lượng. Các ủy viên hội đồng chỉ bỏ phiếu cho tác phẩm hay nhất, nếu chưa thật thích thì dứt khoát để trống phiếu, không trao giải gượng ép. Không phải là miếng giữa làng mà chia đều: năm trước anh đã "ăn" rồi thì năm nay nhường người chưa "ăn". Ngoài những nhà văn sống và làm việc tại Hà Nội viết về bất cứ đề tài nào, chúng tôi còn muốn mở rộng đối tượng xét giải gồm những nhà văn không ở Hà Nội nhưng có tác phẩm về Hà Nội. Song một số ủy viên BCH không chịu, lý do: Nếu không thì lại làm thay cho giải của HNV VN.

* Cho dù đã tạo ra bước ngoặt cho văn học VN trong giai đoạn chuyển mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn chưa hề nhận được bất cứ giải thưởng văn học nào. Trao giải cho Nguyễn Huy Thiệp, các anh có ngại những phản ứng ngược lại?

- Nhiều tác phẩm sau khi đoạt giải cũng nhận được phản ứng trái chiều. Chúng tôi nghĩ điều đó hoàn toàn tự nhiên. Về tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, hội đồng nhận định: "Giọng điệu như kim châm, nói vỗ mặt hoặc cao đạo của nhà văn đã từng gây nên sóng gió trên văn đàn. Thậm chí một số quan điểm của tác giả không dễ nhận được sự tán đồng, có thể cần được trao đổi thêm...". Nhưng, như đã nói, hội đồng trao giải trên cơ sở chất lượng tác phẩm, mọi thành kiến nếu có, đều gạt sang một bên. Tác phẩm hay là sự thuyết phục cao nhất.

* Anh từng là người đầu tiên từ chối một giải thưởng do HNV VN trao, anh nghĩ sao nếu một nhà văn nào đó sẽ từ chối giải thưởng của HNV Hà Nội?

- Một bên có quyền trao và không trao, bên kia có quyền nhận và không nhận. Thế mới hợp lẽ, dân chủ. Rồi một ngày sẽ có ai đó không nhận giải, điều đó rất tự nhiên. Nhưng đến lúc này thì chưa. Ngay ở giai đoạn chấm giải cũng có người bắn tín hiệu, hay có người quyết liệt không chịu để hội đồng phán xét. Phải nói lại với tác giả ấy rằng, tác phẩm đã xuất bản, trở thành sản phẩm xã hội thì phải chịu sự định giá của xã hội, bất kể tác giả có tán thành hay không. Vậy anh không thể từ chối sự định giá của xã hội, nhưng từ chối vinh quang thì có thể. Anh có quyền từ chối khi được trao giải.

* Văn học VN đang cố gắng có được những tác phẩm hay hợp với thời đại và con người hiện nay. Ở góc độ người cầm bút, anh có nhận thấy điều này?

- Từ nhiều năm nay, chúng ta đã bắt được tín hiệu đáng mừng này. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn có tác phẩm hay để đọc. Có cả nghệ thuật và kỹ thuật thì đề tài nào cũng được, phương pháp nào cũng được... Khi tác phẩm hay, nó sẽ biện hộ cho đề tài, phương pháp hoặc ngôn ngữ nó sử dụng, bất kể là cổ điển/truyền thống, hay hiện đại/cách tân.

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2006

*Hội đồng chung khảo: Chủ tịch Hồ Anh Thái; Phó chủ tịch: Nguyễn Thị Thu Huệ và Phạm Xuân Nguyên; các ủy viên BCH: Bằng Việt, Bùi Việt My; Chủ tịch các hội đồng: Lê Minh Khuê (văn), Vân Long (thơ), Nguyễn Thị Minh Thái (lý luận phê bình), Đoàn Tử Huyến (văn học nước ngoài).

*Tác phẩm đoạt giải:

- Văn học trong nước: Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ nữ.

- Thơ: Tập thơ Hành trình, Hoàng Hưng, NXB Hội Nhà văn.

- Tiểu luận - phê bình văn học: Tập Giăng lưới bắt chim, Nguyễn Huy Thiệp, NXB Hội Nhà văn.

- Văn học nước ngoài: Tiểu thuyết Cô đơn trên mạng, Janusz L.Wisniewski (Ba Lan), bản dịch: Nguyễn Thanh Thư, NXB Trẻ.

N.T.K.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.