Những câu hỏi còn để ngỏ

31/10/2010 00:55 GMT+7

44 tác giả, 590 trang sách, là những con số về hợp tuyển văn xuôi Văn Mới 5 năm 2006 - 2010, do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, NXB Hội Nhà văn và Công ty văn hóa Đông A ấn hành.

Những tác giả rất quen tên bên cạnh những tác giả chưa xuất hiện nhiều. Đa phong cách, nhiều đề tài, nhiều tìm tòi…, tập sách cho người đọc một cái nhìn tường tận về cuộc sống đương đại. Trong các gia đình người ta đang đối xử với nhau thế nào? Những cặp vợ chồng và các đôi tình nhân đang yêu nhau ra sao? Con người đang nhìn nhận thiên nhiên và đồng loại kiểu nào? Trong đầu mọi người đang nung nấu những ngẫm ngợi, những vấn nạn nào? Những chuyện lịch sử có thực đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ?... Và, các nhà văn sẽ lọc được gì từ những sự thật hằng ngày ấy để thể hiện lại thành văn chương, như sự góp mặt của từng giọt nước trong đại dương cuộc sống bao la?

Như thể chỉ là chuyện kể, nhưng Tôi đi câu cá của Bùi Ngọc Tấn gợi lên sự xót xa cay đắng đối với những con cá kiếm khốn khổ “chết vì những miếng mồi giả”, không được vinh dự như “con cá kiếm của

Hemingway đã chết vì một đối thủ xứng tầm”. Con hươu sao của Nguyễn Thế Hùng lại đưa người đọc đến một nhận định khác: vẻ đẹp lành mạnh của tự nhiên sẽ buộc những kẻ ngu dốt hợm hĩnh phải nhìn lại mình, tìm cách điều chỉnh cách ứng xử cả với con người và muôn vật.

Những truyện về tình yêu thật đa dạng. Nếu Dạ Ngân ngợi ca một Xuân nữ thời chiến qua những mối tình luôn có đoạn kết bi thương, thì Nguyễn Ngọc Tư (Một chuyện hẹn hò) lại mô tả người đàn bà - người mẹ ở một góc khác: thà chết trong bão giông còn hơn là sống mà phải chịu đựng miệng tiếng người đời. Không lãng mạn, Lê Anh Hoài giải mã những bí ẩn tình yêu (Bóng ma trong mê cung) một cách đầy hài hước: tất cả nhân vật đều có một cái nhìn méo mó về trái tim con người, và cuối cùng, tai nạn giao thông đã thành hồi kết cho một mối tình vốn chỉ là thứ vẽ vời, vớ vẩn.

Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh của Phạm Duy Nghĩa hé lộ những vẻ đẹp có thật và không có thật từ một con người thô thiển đến một con người phức tạp: tình yêu là một sự đánh đố, không lặp lại và không bao giờ có thể cắt nghĩa. Nghiêm Lương Thành lại mang đến cái cười rất tự tại, độ lượng của cái đúng trước cái sai, cái đẹp trước cái xấu, cái nhân nghĩa trước những quy định vô nghĩa… Đó là sự tự tin của những con người hiểu được rằng, chỉ cái gì thuộc về nhân tâm mới chinh phục được con người và mới có cơ tồn tại dài lâu (Xuân tàn hoa nở).

Những truyện lịch sử trong tập sách đều hay. Nếu Trần Thùy Mai trong Bức tranh thứ mười chín đã cho cái chết bi thảm của cô gái nhà nghèo phải bán mình vào kỹ viện đánh động phần thiên lương ẩn kín trong tim chàng thông ngôn trẻ tuổi thì Nguyễn Anh Vũ trong Cửa Bắc đã chạm khắc kỹ đến từng con chữ để ngợi ca Tổng đốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết để bảo vệ thành Thăng Long. Và lòng yêu nước đó đã được lan truyền trong tiếng trống hào hùng của người lính trẻ, làm kinh động đến cả mai sau, làm bật gốc cả những mưu đồ nham hiểm. Trong khi đó, Đỗ Trí Dũng với Đạo bùa hóa giải đã cười cợt từ chữ đầu đến chữ cuối, để nói về một chuyện hoàn toàn không đùa, đó là sự bốc mùi khủng khiếp của những con sông nổi tiếng chảy giữa lòng các đô thị lớn. Vì sao mọi sự lại tồi tệ như thế, nếu không phải chính vì lòng người cũng đã bị “trấn yểm” lâu rồi?

Nếu người đọc cần tìm những cách thể hiện mới thì đã có Nguyễn Ngọc Thuần với Vào ngày đẹp trời người nhổ khoai mì bị rắn độc cắn, Nguyễn Vĩnh Nguyên với Những đề tặng nhà thơ D người gợi ý tưởng, Uông Triều với Đêm xuống phố, Phan Việt với Chúa ở đâu?… đều rất gợi, rất lan tỏa, tạo nên những suy ngẫm thú vị bên ngoài câu chuyện.

Tất cả những điều đó đã góp phần khiến tuyển Văn Mới 2006 - 2010 khẳng định lần nữa cách làm sách đáng trân trọng của Đông A: không chỉ kỹ và tinh về cách chọn truyện, Văn Mới còn có một hình thức rất đẹp, hoàn toàn tương xứng với nội dung.                        

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.