Công trình hy vọng

30/10/2005 22:19 GMT+7

“Chú ơi, cháu đã nhận được 30 tệ của chú. Kết quả cuối học kỳ của cháu là 99 điểm. Cháu đã không cầm được nước mắt, cháu biết ơn chú lắm mà không có gì quý giá để đền đáp. Đây là một ít hạt hướng dương mà cháu đã trồng ngay trong vườn, hằng ngày chăm bón, bắt sâu, nhổ cỏ, tưới nước đợi đến ngày kết hạt làm quà tặng chú..." - Đó là những dòng chữ xúc động của Trương Chí Cường, học sinh (HS) tiểu học từ núi Tỉnh Cương (Trung Quốc) gửi cho một sinh viên (SV) trường đại học Bắc Kinh.

Chàng trai tốt bụng kia vốn là một SV nghèo, phải tự đi làm thêm để trang trải cuộc sống và lo nghiệp đèn sách nhưng mỗi tháng anh ta đã làm đủ mọi việc từ sửa ti vi, máy móc cho đến đánh máy, sửa xe... để tích góp gửi 30 tệ (gần 60.000 VNĐ) cho em HS xa lạ ấy nộp tiền học phí, để em có thể tiếp tục cắp sách đến trường.

Câu chuyện có thật được đăng trên tờ Bắc Kinh nhật báo nói về những "công trình hy vọng" đầy ý nghĩa của đất nước đông dân nhất thế giới. "Công trình hy vọng" là cách gọi khác của Quỹ phát triển thanh thiếu niên Trung Quốc  ra đời vào năm 1989. Từ khi mới thành lập cho đến nay, "công trình hy vọng" đã giúp cho hàng vạn trẻ em bị thất học được trở lại trường. Mỗi nhà từ thiện sẽ nhận đỡ đầu "từ xa" cho HS mà họ đã "chọn mặt gửi vàng" và coi đó là "công trình hy vọng" của riêng mình. Quỹ phát triển thanh thiếu niên Trung Quốc  chỉ làm công tác hỗ trợ thông tin, các Mạnh Thường Quân không cần thông qua quỹ mà đầu tư và theo dõi trực tiếp tình hình những "công trình hy vọng" của mình.

Giá như những bạn trẻ sành điệu, những doanh nhân trẻ thành đạt và cả những sinh viên VIP mà báo chí thường hay nhắc đến cũng có thể bớt đi một chút chi tiêu làm "công trình hy vọng Việt Nam". Không chỉ là khuyến học hay đơn thuần là công tác xã hội mà đây cũng là cách để nuôi dưỡng tâm hồn.

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.