Học và thi ca đêm

30/10/2009 22:26 GMT+7

Do thiết kế chương trình hoặc quá tải về cơ sở vật chất mà ở nhiều trường ĐH, sinh viên (SV) hệ chính quy phải học và thi ca đêm.

Đi thi vào chập choạng tối

Nhiều năm nay, SV hệ chính quy trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã quen với việc thi học kỳ vào khoảng 16 giờ 30 - 18 giờ. Đó là thi các môn đại cương, còn các môn chuyên ngành có khi thi vào ngày nghỉ là thứ bảy, chủ nhật. Lý do là thiếu phòng, và thời điểm chiều tối chính là lúc giao ca - ca chiều vừa xong mà ca đêm chưa tới. Khi đó, có phòng trống và các lớp thi học kỳ ngay lập tức được bổ sung vào.

SV có những ý kiến khác nhau với việc thi cử vào giờ giấc “éo le” này. Phạm Bảo A. - SV ngành Ngữ văn truyền thông - nói: “Tụi em thường xuyên thi vào giờ đó nên cũng thành quen. Hơn nữa, thi xong đi về giờ đó càng đỡ kẹt xe”. Trong khi đó, Nguyễn Thị Huyền M. - ngành Thiết kế thời trang và kinh doanh - lại tỏ ra bức xúc: “Thi vào giờ lưng chừng đó là rất thiếu khoa học. Đáng ra, sau một ngày học tập vất vả thì đó là giờ SV được nghỉ ngơi ăn uống, vậy mà lại tiếp tục căng thẳng với chuyện thi cử. Có lẽ vì vậy mà cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả bài thi của SV”. M. còn phân tích thêm: “Khoa em có riêng một cơ sở trên đường Thống Nhất, nhưng SV vẫn phải đến cơ sở đường Ngô Quyền để thi Anh văn, rồi đến cơ sở trên đường Điện Biên Phủ để thi các môn đại cương. Thi ban ngày đã vất vả cho việc đi lại, đằng này lại thi vào buổi tối nên càng bất tiện, mà có phải ai cũng có xe để tự di chuyển đâu”.

Không thiếu phòng, nhưng SV trường ĐH Văn Hiến vẫn phải học ca đêm do trường thiếu máy móc. Toàn trường hiện có gần 6.000 SV - học sinh tất cả các bậc ĐH-CĐ-trung cấp, cả hệ chính quy và tại chức. Tuy nhiên, cả 4 cơ sở của trường chỉ có 6 phòng máy vi tính, mỗi phòng chỉ từ 35 - 45 máy. Vào đầu học kỳ, các lớp hệ chính quy vẫn học hoàn toàn vào ban ngày, nhưng đến gần cuối học kỳ do các lớp thực hành nhiều nên phòng máy trở nên quá tải. Vì vậy, một số lớp Tin học phải luân phiên chuyển xuống học ca đêm, từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30.

Ngày làm, đêm học

 

Ảnh: A.N

Ngay từ khi thành lập (năm 1997), trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã bắt đầu triển khai chương trình học chính quy dành cho ban đêm. Tức sau khi trúng tuyển, SV có nguyện vọng có thể đăng ký vào học các lớp ban ngày hoặc ban đêm. Nếu ban ngày, toàn khóa học sẽ là 4 năm, còn ban tối sẽ kéo dài 4 năm rưỡi. Lý do là thời gian học buổi tối chỉ tối đa 4 tiết, bắt đầu từ 17 giờ 30, ít hơn nhiều so với thời gian học ban ngày.

Theo ông Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng: “Trường được xây dựng giữa các khu công nghiệp với rất đông công nhân sinh sống, nên chủ trương của nhà trường khi triển khai chương trình này là nhằm tạo điều kiện cho công nhân có thời gian đến trường. Và hầu hết số SV đăng ký học các lớp ban đêm đều là công nhân, viên chức của các khu công nghiệp”. Trước đây số lượng công nhân đi học buổi tối tại trường chiếm khoảng 1/3 tổng số SV toàn trường, nhưng nay giảm còn 1/5. “Không chỉ thu hút lực lượng công nhân đến trường, việc học ban đêm này cũng là cách để nhà trường giảm tải gánh nặng về cơ sở vật chất, tận dụng nguồn giáo viên”, ông Hiển cho biết thêm.

Thành Nam - SV ngành Kế toán tâm sự: “Thuận lợi của SV khi theo học chương trình này là vừa học để có bằng chính quy, lại vừa có thể duy trì việc làm ổn định theo giờ hành chính ban ngày. Tuy nhiên vì học hệ chính quy nên đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, vừa học vừa làm nên cũng mệt lắm!”. Mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp chương trình học buổi tối thấp hơn so với chương trình ban ngày khoảng từ 2-3%, nhưng tỷ lệ có việc làm và thăng cấp sau khi ra trường với các SV hệ này thì cao hơn rõ rệt.

Tại trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, bậc trung cấp hệ chính quy cũng được sắp xếp học một số môn vào buổi tối. Thu Hằng, đã tốt nghiệp ngành Kế toán, vui vẻ nói: “Trong quá trình học, em đã được sắp xếp một số buổi ban đêm. Những ngày đó em đi làm nhân viên tiếp thị sản phẩm từ 7 giờ sáng đến 15 giờ. Chính việc làm thêm đã nuôi sống em suốt 2 năm học. Giờ đây khi tiếp tục chương trình liên thông buổi tối tại trường, em vẫn vừa đi học vừa duy trì công việc làm ban ngày. Vì vậy, em thấy cách sắp xếp thời gian linh hoạt vậy cũng tiện cho những SV nghèo như em”.

Học tối vì giáo viên “chạy sô”

Tại trường ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định, những SV CĐ chuyên ngành Tài chính - Kế toán doanh nghiệp rất bức xúc khi thời khóa biểu học kỳ mới bị xáo trộn. Ví dụ môn Thuế vụ và môn Phân tích hoạt động kinh doanh lẽ ra được xếp học ban ngày, nhưng vì giảng viên bị kẹt giờ dạy ở các lớp khác nên chuyển xuống buổi tối, từ 18 giờ đến 21 giờ, thứ hai và thứ tư, mỗi buổi học một môn. Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho SV. Bạn N.T.H, lớp 02CĐQTB cho biết: “Có những ngày, thời khóa biểu xếp học buổi sáng, còn buổi trưa không học gì nên SV phải về nhà, chờ tới chiều chạy lên học tiếp. Để tiết kiệm chi phí xăng xe, nhiều bạn đã chọn phương án ở lại trường chờ đến chiều học tiếp nhưng không hiệu quả vì không có chỗ nghỉ ngơi. Còn nếu đi xe buýt thì ra về lúc 21 giờ không còn chuyến nào hoạt động”. Cả lớp đã khiếu nại lên nhà trường và yêu cầu xếp lại thời khóa biểu mới cho phù hợp. Cuối cùng phía trường chỉ giải quyết chuyển được một môn lên học ban ngày, nhờ có môn học khác kết thúc sớm, còn môn còn lại vẫn phải học đêm.

Bạn N.T.T.L, lớp 07CĐQT-TCKTDN vừa đi học vừa làm thêm tâm sự: “Với kiểu sắp xếp thời khóa biểu như vậy, chúng em muốn đi học thêm các môn khác hoặc nâng cao tiếng Anh cũng không được, mà đi làm thêm cũng không xong”. Ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó hiệu trưởng trả lời về vấn đề này: “Tình trạng trên chỉ xuất hiện ở học kỳ này. Cơ sở vật chất của trường không thiếu nhưng vì giảng viên kẹt giờ, bận việc ban ngày nên phải sắp xếp cho SV học ban đêm. Phía nhà trường đang cố gắng khắc phục, làm việc lại với giảng viên. Nếu giảng viên vẫn không đảm bảo được giờ lên lớp thì trường sẽ mời giảng viên khác”.

Tuyết Vân

SV cần được lựa chọn giờ học

Một số trường đã xếp thời khóa biểu nhằm thuận tiện cho giảng viên chứ SV không được lựa chọn giờ giấc phù hợp với mình. Tuy nhiên, có nhiều trường xếp lịch học buổi tối là do chính SV lựa chọn. Chẳng hạn SV khoa Công nghệ sinh học trường ĐH Mở TP.HCM được chia nhóm và lựa chọn giờ thực hành, thậm chí nhà trường trang bị xe đưa đón cho SV đi thực tập tại cơ sở học ở Bình Dương. Hay thời khóa biểu ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM vẫn có lớp buổi tối nhằm giúp SV phải đi làm ban ngày có điều kiện tham gia đầy đủ giờ học tại trường. “Trường đã mở thêm lớp Anh văn buổi tối tại cơ sở Q.7 nhằm tạo điều kiện cho các SV năm cuối được trả nợ môn học để xét tốt nghiệp”, SV L.L.T, ngành Công nghệ thông tin ĐH Tôn Đức Thắng nói.

Trường CĐ Bách Việt hiện cũng có 2 lớp trung cấp ngành Kế toán hệ chính quy (khoảng hơn 40 học sinh) học vào buổi tối. Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực ra đây là số học sinh tự nguyện đăng ký vì ban ngày các em phải đi làm. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các em tự sắp xếp thời gian học cho mình, để các em đăng ký và khi đủ số lượng thì mới mở lớp. Với những em phải chọn học ban đêm, có lẽ cũng khó khăn trong tài chính nên chúng tôi cũng giảm 5% học phí”. Ông Thành cho biết thêm, vì phòng học còn dư nên toàn bộ bậc CĐ và TCCN chính quy (trừ 2 lớp trên) đều học ban ngày. Như vậy, việc học buổi tối thậm chí còn giúp nhiều SV hoàn cảnh khó khăn có thêm cả ngày để đi làm kiếm tiền trang trải học tập.

Mỹ Quyên

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.