Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI: Ngân sách không phải là "con bò sữa"

24/10/2006 23:56 GMT+7

Ngân sách không phải là con bò sữa để ai muốn vắt thì vắt", ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã nặng lời như vậy để phê phán tình trạng tiêu tiền ngân sách một cách thiếu trách nhiệm khi Quốc hội thảo luận về vấn đề ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2007 vào ngày 24/10.

Chi tiền ngân sách thế nào cho hợp lý?

Giống như rất nhiều đại biểu Quốc hội khác, ông Nguyễn Minh Thuyết yêu cầu Chính phủ phải có biện pháp giảm chi phí trong điều kiện tổng chi toàn xã hội đang lớn hơn tổng thu và khoảng cách này có xu hướng ngày càng giãn xa. Ông nói: "Chẳng phải nói đâu xa, con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) đang mở, chi phí lên đến 800 tỉ đồng/km, đắt hơn làm tàu điện ngầm. Ở đây tôi chỉ nói về cách làm mà không nhằm mục đích chỉ trích ai đó, nếu là tiền của mình thì thử hỏi có quyết định như thế không?".

Lương Phan Cừ (Đắk Nông): Tôi đề nghị Chính phủ phải giải trình thêm tại sao chi thường xuyên tại Bộ Tài chính chiếm 1/2 chi thường xuyên cho các bộ, ngành T.Ư, riêng chi hành chính ở ngành hải quan đã là 1.102 tỉ đồng. Trong khi đó, chi cho giáo dục đào tạo chỉ có 2.295 tỉ.

Nguyễn Ngọc Trân (An Giang): Tôi đề nghị phải chi thêm cho giáo dục đào tạo đồng thời với việc phải rà soát lại các khoản chi không hợp lý. Ví dụ chi cho việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ công chức là 106 tỉ/năm, tôi cho là không hiệu quả và không hợp lý nên dành khoản này cho giáo dục đào tạo. Khoản chi 530 tỉ đồng cho sách giáo khoa cũng phải xem lại vì hằng năm phụ huynh đã phải chi rất nhiều tiền cho sách giáo khoa vậy mà ngân sách vẫn phải chi khoản lớn như vậy là không hợp lý. Hơn nữa, trong khoản chi sách giáo khoa này thì 130 tỉ cho Bộ Giáo dục-Đào tạo, chủ yếu tập trung ở NXB Giáo dục đang bị kêu là độc quyền.

"Đành rằng, người dân mất nhà, mất đất muốn được đền bù càng cao càng tốt nhưng vấn đề ở đây là người điều hành, do là tiêu tiền ngân sách nên rất vô tư", ông Thuyết khẳng định. Theo ông Thuyết, trong trường hợp này hoàn toàn có cách làm khác, giảm được chi phí mà thậm chí Nhà nước còn có lãi: chủ động giải phóng rộng về hai bên đường, đấu thầu cho xây dựng nhà cao tầng để bán và cho thuê. "Nếu chúng ta tiếp tục cư xử với ngân sách Nhà nước như con bò sữa thì rất nguy hiểm", ông Thuyết kết luận.

Giảm chi, hay nói cách khác là tiết kiệm chi phí được các đại biểu cho là một giải pháp cân đối thu chi trong điều kiện nguồn thu của đất nước còn hạn hẹp. Giảm chi thường xuyên (chi hành chính) là vấn đề các đại biểu đặc biệt lưu ý. "Trong khi bội chi như thế này mà chúng ta cứ bằng lòng với việc tốc độ tăng chi thường xuyên cao", ĐB Phạm Chuyên (Hà Nội) bức xúc. Ông nói: "Tôi đề nghị Chính phủ phải giải trình về vấn đề này và phải đưa ra biện pháp khắc phục". Cũng theo ông Phạm Chuyên, nếu như Chính phủ tấn công mạnh vào lãng phí (lãng phí tài nguyên đất, sử dụng tài sản công, lãng phí nguồn nhân lực) hoàn toàn có thể rút ngắn được khoảng cách mất cân đối thu-chi. Và "sẽ không thể có bội chi đến 5%", ông Chuyên lạc quan.

Tăng thu bằng cách nào?

Theo ĐB biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên), năm 2007 có thể điều tiết tăng thu nếu như Chính phủ quyết liệt trong việc chống thất thu thuế và giải quyết tốt vấn đề nợ đọng. Tính đến nay số nợ đọng thuế xuất nhập khẩu lên tới gần 6.000 tỉ đồng, nợ đọng thuế nội địa cũng 4.210 tỉ; trong đó khoảng 2.500 tỉ đồng hoàn toàn có khả năng thu hồi. Ông Phú cho rằng: "Chính phủ và các địa phương phải kiên quyết hơn để truy thu số thuế nợ đọng và phải tính vào tốc độ tăng thu của năm 2007".

ĐB Tào Hữu Phùng (Hà Tây) cũng đồng quan điểm này, ông cho rằng: "Thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh ước tính tăng 4,6% là một tiến bộ, nhưng khu vực này còn rất nhiều tiềm năng. Chúng ta phải chống thất thu mạnh hơn, chống nợ đọng thuế và gian lận thương mại nhiều hơn thì chúng ta sẽ tăng thu từ khu vực này rất khá".

2.900 tỉ đồng thuế nợ đọng khó có khả năng thu hồi

Tổng số nợ đóng thuế đến ngày 30/6/2006 là 8.500 tỉ đồng, giảm 2.000 tỉ đồng so với năm 2005. Đến cuối năm 2006, giảm nợ thuế xuống còn 3.900 tỉ đồng, trong đó phần lớn là các khoản dư nợ không hoặc khó có khả năng thu, chiếm 2,9% tổng số thu. Ngành hải quan quyết tâm thu các khoản nợ có khả năng thu, khoảng 500 tỉ. Các khoản nợ chưa thu hồi được chủ yếu là số nợ đã kéo dài nhiều năm, không hoặc khó có khả năng thu hồi (các đối tượng giải thể, phá sản, đã chết là 900 tỉ đồng; bỏ trốn, mất tích 1.400 tỉ đồng; nợ của số đã được xử lý khoanh nợ, giãn nợ là 600 tỉ đồng). Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra đôn đốc thuế, xử lý thu triệt để các khoản nợ có khả năng thu hồi. Các khoản không có khả năng thu hồi, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho xử lý dứt điểm.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình trước Quốc hội ngày 24/10

T.Nhung

(ghi)

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.