Đưa chữ vượt cổng trời

15/11/2005 22:04 GMT+7

Muốn vào các thôn bản của huyện Đắc Tô, Kon Tum, phải vượt qua 2 con dốc Đầu Lâu và Măng Giang. Theo giải thích của bà con địa phương, "măng" có nghĩa là cổng còn "giang" là trời thẳng đứng. Thế nhưng, những thầy cô trẻ miền xuôi lên đây gọi dốc Măng Giang là dốc Mang Rơi. Theo tâm sự của nhiều giáo viên đang dạy ở Trường tiểu học Tu Mơ Rông thì khi xác định qua dốc Măng Giang là đã chấp nhận cho tất cả "rơi" lại bên kia...

Thông điệp vùng cao

"Không tận tâm với nghề thì không thể ở lại với núi rừng" - lời quả quyết của thầy giáo Dương Đắc Điếm thật có lý. Quê ở Hà Tĩnh, vào Kon Tum từ năm 1993, thầy Điếm đã 14 năm gắn bó với dân bản để động viên, khuyên nhủ các em nhỏ tới trường. Trường tiểu học Tu Mơ Rông có 13 lớp học, 12 giáo viên là người dân tộc địa phương, chỉ mình thầy Điếm dưới xuôi lên. Giáo viên là dân bản nên buổi cầm phấn lên bục giảng, buổi cầm xà gạc lên núi trồng khoai, trồng sắn để cải thiện cuộc sống. Công việc của họ như mạch nước ngầm tưới vào tâm hồn trẻ thơ những chân trời mới. Con chữ của thầy cô đã làm thay đổi bản làng. Những cụm từ "dạy thêm, học thêm" chưa một lần xuất hiện trong đời sống nơi đây. Để có Trường tiểu học Tu Mơ Rông như ngày nay, những người như thầy Điếm, thầy A Ben, cô Y Lâm... đã vào từng thôn, bản để xin từng cành cây, mái rạ dựng trường. Thầy cô đã vẽ những vòng tròn đầu tiên, những chữ i, tờ đầu tiên trong thôn bản. Một luồng gió mới đang thổi về chân núi Ngọc Linh.

"Trai bản không dám yêu cô giáo"

Với giáo viên vùng cao Đắc Tô, cuộc sống đối với họ như một bài hát về tình yêu. Thêm một người biết chữ là thêm một niềm vui. Còn việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi? Khi tất cả đã bỏ lại bên dốc Mang Rơi, họ phải làm lại từ đầu. Cô giáo Y Hà thẹn thùng tâm sự: "Vào đây tìm người yêu khó lắm. Xa thị trấn mà, trai bản không dám yêu cô giáo". Thế nên từ công việc nảy sinh tình yêu, ở Tu Mơ Rông hiện có nhiều cặp vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc. Những đám cưới giữa rừng xanh của thầy cô giáo đã được dân bản hoan hô, ủng hộ. Bởi dân bản hiểu, khi thầy cô đã có gia đình mới yên tâm ở lại mãi mãi với họ. Khó khăn không hề cướp đi sự lãng mạn của giáo viên trẻ. Dọc con đường vào chân núi Ngọc Linh, tôi bắt gặp nhiều hình ảnh những trái tim, họ tên của thầy cô giáo đan lồng vào nhau, khắc trên đá...

“Nhà tập thể” của các thầy cô giáo

"Ngày 5/10. K. ơi, em nhớ anh quá! Ở thành phố chắc anh quên em rồi. Ừ, anh quên em đi, dốc Mang Rơi đã lấy đi của em mất anh rồi! Em mãi yêu anh như ngày đầu chúng mình còn là sinh viên. Giờ đây, em có thêm một tình yêu khác, những đứa học trò của em. Em khóc thật nhiều, anh có biết không?".

"Hôm nay là ngày cưới của H.-L., 16/6/2001, chúng mình không có áo cưới. Anh H. bảo ra thị xã thuê nhưng mình không đồng ý, đường xa quá. Nhìn H. mình thương đứt ruột, trong mắt anh có nhiều phiền muộn. Em yêu anh nhiều mà H., chúng mình sống mãi dưới chân núi Ngọc Linh này H. nhé !"...

Còn nhiều nữa những dòng nhật ký được khắc vào đá núi - chứng tích của tình yêu, bầu nhiệt huyết, sự vất vả... của những con người trẻ tuổi.

Nơi mà ai cũng "đợi"

Cuộc sống vợ chồng trẻ thường song hành với khó khăn. Đối với giáo viên dưới chân núi Ngọc Linh, vất vả lại gấp bội phần. Vợ chồng thầy Huy cùng ở khu tập thể trường Tu Mơ Rông nhưng có khi hai ba ngày vợ chồng mới gặp mặt nhau. Nhiều hôm thầy vào bản để động viên trò tới trường. Học trò lại theo ba mẹ vào rẫy, thầy phải đợi trò 2-3 ngày để đưa về trường. Có hôm vợ đi tìm học trò ở bản Chum, chồng vào tìm trò ở làng ĐăkNeng. Ở đây, từ "đợi" đã trở nên quen thuộc: Vợ đợi chồng đi tìm học trò; thầy đợi trò đến trường; thầy cô đợi xây dựng hạnh phúc gia đình; đợi báo đến, đợi thư nhà, đợi lương... Nhưng đằng sau khó khăn là niềm vui không dễ gì có được của nghề dạy học. Học trò thấy bóng thầy từ xa đã đứng bên lề đường khoanh tay đứng chào. Ngày lễ, tết quà biếu thầy cô là khóm lan rừng, ché rượu cần.

Chia tay thầy cô, chia tay các em học trò tôi đi dần xuống núi. Không thể nào quên ánh mắt lưu luyến của những người thầy, người cô ở phía bên kia cổng trời...

Tòa soạn đã nhận được rất nhiều bài dự thi của bạn đọc khắp nơi gửi về tham gia cuộc thi và hạn chót để nhận bài là ngày 10/12/2005. Vì đây là cuộc thi viết dưới dạng phóng sự, ký sự, bài báo về một nhân vật cụ thể, sự kiện, đơn vị cụ thể nên cần phải có hình ảnh minh họa kèm theo. Một số tác giả gửi về các bài tản văn, tùy bút dưới dạng cảm xúc và kể cả thơ đều không nằm trong phạm vi thể lệ của cuộc thi này. Mong tiếp tục được nhận bài hưởng ứng cuộc thi của đông đảo những cây bút chuyên và không chuyên trên cả nước cũng như từ nước ngoài.

Thanh Niên

Dương Sông Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.