Vì sao Giám đốc Khu đường sông TP.HCM xin từ chức?

08/11/2006 21:52 GMT+7

Sau khi ông Đặng Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thuận Giang (Q.1) bị bắt giam, ông Trần Quốc Khánh, giám đốc Khu đường sông TP.HCM đã đệ đơn xin từ chức. Vì sao từ sai phạm của một công ty TNHH, thủ trưởng một cơ quan quản lý nhà nước phải xin ra đi?

Công trình an toàn nhưng không "an toàn"!

Trong năm 2004 - 2005, Khu đường sông TP (KĐS) đã ký 35 hợp đồng thi công, trong đó tập trung nhiều nhất vào Công ty Nam Thuận Giang (NTG) với 13 hợp đồng trị giá hơn 19 tỉ đồng. Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông đường thủy gây thiệt hại về người và tài sản, trong đó nguyên nhân một phần do hệ thống ATGT đường thủy không đảm bảo an toàn. Vì vậy, thành phố đã khẩn trương rót tiền cho KĐS duy tu sửa chữa các hạng mục công trình giao thông đường thủy. Tuy nhiên, quá trình thi công đã có dấu hiệu "rút ruột". Cụ thể như trụ báo hiệu (phần móng, phần cột) đã được tính toán không đúng khối lượng; chiều dày cấu kiện của các loại trụ và bảng báo hiệu đã được thay đổi. Theo giải thích của KĐS là do nhầm lẫn trong thao tác sao chép từ file cũ sang file mới. Nhưng việc nhầm lẫn này trong thực tế đã được nghiệm thu và thanh quyết toán hết sạch. Thậm chí, trong quá trình thi công nhiều hạng mục công trình do Công ty NTG thực hiện, KĐS đã không phát hành sổ nhật ký thi công cho nên đơn vị thi công sử dụng tập học sinh ghi lại các hạng mục công trình thực hiện mà không mô tả, đóng dấu, ghi tên cán bộ giám sát theo quy định.


Công an bắt tạm giam ông Đặng Đình Hải - Ảnh: Đàm Huy

Không chỉ có NTG, các đơn vị thi công khác, gồm: Công ty TNHH Trục Vớt, Công ty quản lý công trình cầu phà TP; Công ty thoát nước đô thị TP; Công ty TNHH xây dựng và vận tải Phi Vũ đều mắc phải sai phạm trong công đoạn nghiệm thu... Cho nên việc dư luận nghi vấn về chất lượng công trình là hoàn toàn có cơ sở.

Mối quan hệ bất thường

Những vụ việc dưới đây sẽ ít nhiều nói lên được mối quan hệ "thân thiết" đến bất thường giữa KĐS và Công ty NTG. Hai năm qua, KĐS đã ký nghiệm thu hàng loạt công trình do Công ty NTG thi công, trong đó có không ít công trình chưa thi công nhưng vẫn được nghiệm thu (?!). Cụ thể nhất là việc lắp đặt đèn năng lượng mặt trời của kế hoạch tháng 5-6.2005 đã được nghiệm thu hoàn thành ngày 28.6.2005 nhưng khi nghe có đoàn thanh tra của Sở GTCC xuống thanh tra thì Công ty NTG vội vàng lặp đặt thêm 13 bộ đèn mà trước đó đã được nghiệm thu. Màn "ảo thuật" này theo nhận định của Đoàn thanh tra là có dấu hiệu nghiệm thu khống. Đây là dấu hiệu "móc nối" với đơn vị thi công để hợp thức hóa công trình "ma". Nghiêm trọng hơn, năm 2004, khi Công ty NTG trình hồ sơ nghiệm thu 78 thiết bị báo hiệu đường thủy, không hiểu sao KĐS không thèm khảo sát giá thị trường theo quy định của Sở GTCC mà quyết ngay, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 600 triệu đồng. Như vậy chỉ tính riêng các hợp đồng năm 2004 và chỉ với 4 loại vật tư, KĐS đã ký duyệt vô tội vạ để Công ty NTG chiếm đoạt của Nhà nước hơn 1 tỉ đồng.

Theo điều tra ban đầu, đối với các loại vật tư, dịch vụ còn lại của năm 2004 và các hợp đồng năm 2005 (trị giá lớn hơn nhiều so với các hợp đồng năm 2004), Công ty NTG cũng dùng chứng từ không hợp pháp nâng khống giá trị thực hiện để chiếm đoạt Nhà nước số tiền cực lớn. Ngoài ra, từ năm 2000 đến đầu năm 2004, ông Đặng Đình Hải còn quản lý điều hành DNTN Hải u (Q.1). DNTN này đã ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng với KĐS, cũng có dấu hiệu nâng khống giá vật tư để chiếm đoạt tiền Nhà nước...

Nhóm PVXH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.