Một cái chết gây xôn xao nước Mỹ

28/11/2006 22:53 GMT+7

Nhận được tin mật báo, lực lượng chống ma túy thành phố Atlanta ập tới một ngôi nhà để tiến hành khám xét. Cuộc đọ súng xảy ra và một cụ bà 92 tuổi đã gục xuống bởi súng của cảnh sát.

Người chết là bà Kathryn Johnston, 92 tuổi (người thân của Johnston cho biết bà 92 tuổi nhưng hồ sơ y tế ghi bà 88 tuổi), sống một mình trong ngôi nhà ở mạn tây bắc thành phố Atlanta. Bà bị dính 6 phát đạn của cảnh sát chống ma túy. Cái chết này ngay lập tức gây xôn xao nước Mỹ.

Bi kịch xảy ra tại một khu vực "nổi tiếng" về tội phạm của thành phố Atlanta, nơi người dân thường phải dùng các tấm kim loại để che chắn cửa sổ cũng như tự trang bị vũ khí phòng thân. Cụ Johnston cũng thế, ở tuổi gần đất xa trời, cụ sắm cho mình một cây súng. Vào đêm thứ ba tuần trước (21/11), khi bà cụ ở nhà một mình thì một số người mặc thường phục xuất hiện. Đó là nhóm cảnh sát chìm thuộc lực lượng chống ma túy. Họ đến với lệnh khám xét trên tay sau khi được mật báo rằng có hoạt động buôn bán và tàng trữ ma túy tại đây. Thấy có kẻ lạ mặt xâm nhập nhà mình, Johnston liền chào đón bằng những phát đạn lạnh lùng. Kỹ năng bắn súng của bà cụ không tồi. Bà đã làm bị thương ba nhân viên công vụ trước khi bị bắn hạ. Cảnh sát đã bắn bà cụ 6 phát đạn, kết quả giám định pháp y cho biết điều đó. Cơ quan điều tra còn khẳng định đã phát hiện một lượng "thuốc" nhỏ tại nhà người chết, cụ thể là thuốc gì thì còn phải chờ kết quả xét nghiệm.

Trợ lý Cảnh sát trưởng Atlanta, ông A.Dreher, gọi đây là một bi kịch không may mắn nhưng cũng khẳng định rằng cảnh sát đã hành động hợp lý. "Họ không biết ai đang ở bên trong trước khi mở cửa ngôi nhà. Khi đẩy cửa để vào, họ đã bị bắn", Dreher giải thích cho hành động của cảnh sát. Cảnh sát chỉ bắn trả sau khi bị dính đạn, đó là điều hợp lý, nhưng câu chuyện không đơn giản như thế.

Mọi chuyện bắt đầu từ buổi chiều hôm trước, khi một người cộng tác với cảnh sát cho biết đã mua được ma túy từ một kẻ có tên là Sam tại nhà bà Johnston. Người này đã mật báo với cảnh sát chống ma túy Atlanta và nhà chức trách sau đó đã phát lệnh khám xét nơi nghi vấn. Phương pháp khám xét được triển khai trong trường hợp này là "no-knock" (không gõ cửa). Chính sách "no-knock" cho phép người thực thi sử dụng biện pháp đặc biệt để lọt vào bên trong ngôi nhà theo cách nhanh nhất, khiến nghi phạm không có thời gian tẩu thoát hoặc phi tang ma túy. Phương pháp "no-knock" này chính là cội nguồn của bi kịch tại nhà cụ Johnston. Khi thấy những kẻ lạ mặt mặc thường phục đột nhập vào nhà mình, bà cụ đã không ngần ngại nổ súng.

"Bà ấy quá sợ hãi. Đây là một tình huống đáng sợ trong khu vực tội phạm như rươi này", nhà hoạt động nhân quyền M.Hutchins nhận xét. Người dân sống trong vùng thì có cách giải thích đơn giản hơn. "Đây là khu vực hỗn độn nhất ở tiểu bang Georgia. Nếu cho rằng có một kẻ nào đó đang đột nhập vào nhà mình thì bà ấy phải hành động như thế, bất kỳ ai trong chúng tôi cũng phản ứng như vậy", ông A.Pernel, người sống cách bà Johnston vài căn nhà, giải thích. Một người đàn ông khác cho biết nguyên tắc của người dân trong vùng là: "Không để bất cứ ai cạy cửa nhà bạn". 

Sự việc trở nên phức tạp vào đầu tuần này, khi người đã mật báo với cảnh sát về vụ mua bán ma túy tại nhà bà Johnston thú nhận rằng anh ta đã buộc phải nói dối, trên thực tế thì vụ mua bán với một kẻ có tên là Sam nào đó không hề xảy ra. "Anh ta nói rằng mình chưa hề đến ngôi nhà đó để mua ma túy", Cảnh sát trưởng Atlanta, ngài R.Pennington, cho biết hôm 27/11. Ngay lập tức, Cục điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan điều tra Georgia (GBI) đã vào cuộc. Hiện cơ quan điều tra đang tập trung làm sáng tỏ rất nhiều điểm đáng ngờ: Tại sao người mật báo đã "bị buộc phải nói dối"? Lượng "thuốc" tại nhà nạn nhân Johnston là gì? Nhà chức trách Mỹ hiện cũng cân nhắc việc bỏ chính sách "no-knock" để tránh những bi kịch tương tự.

Châu Minh Linh
(CNN, AP, IHT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.