Gã cao bồi của biển

08/11/2009 11:19 GMT+7

Hào sảng, quyết đoán nhưng công bằng. Tính cách của ông Nguyễn Văn Nhung, giám đốc Xí nghiệp Trục vớt và xây lắp Đà Nẵng, là vậy. Ông tính chuyện làm ăn bạc tỉ nhiều khi chỉ bằng cây củi vẽ vẽ trên cát biển.

Ngồi bên mép biển khi cơn bão số 11 vừa tan, mắt ông Tám Nhung không rời con tàu Vân Đồn Grace vừa bị tuột neo đánh dạt vào bãi biển Xuân Thiều hôm 2-11. “Cái khó của tàu này là nó đang chở 2.500 tấn hàng. Vậy nên việc trục vớt phải tính toán kỹ nếu không người ta sẽ cười mình” - ông nói mà đôi chân cứ đá đá xuống mép nước.

Ông Tám Nhung là vậy, lập phương án cứu cạn con tàu cả trăm tỉ bạc mà theo kiểu tính rợ y như đi chợ. Ông thuyết minh phương án với chủ tàu: “Muốn cứu tàu này nhanh trước hết phải bỏ hết hàng xuống, sau đó dùng sà lan loại 400 tấn, tàu lai dắt 360 mã lực cùng tời kéo để neo giữ định vị tàu. Riêng hệ thống neo phải được bố trí thế này, thế này” - vừa nói ông vừa dùng que củi phác họa ngay trên bãi biển.

“Nhưng phải làm nhanh chứ nếu chậm bão vào thêm cơn nữa thì chết” - một thủy thủ tàu Vân Đồn Grace góp ý kiến. Nghe vậy, ông Nhung tự tin: “Tui biết làm được con tàu này là rất khó vì trọng tải nó quá lớn. Nhưng yên tâm đi, tui đã từng làm tiền đà kéo tàu ngầm lên nữa là...”.

Lang bạt vì... trốn lính

Tham gia “giải cứu” hơn 40 tàu mắc cạn, nhưng mỗi khi nói về công việc của mình ông lại vẫy tay cười bảo “có gì đâu mà nói”. Thích mặc quần jean, áo pull, đầu khi nào cũng đội chiếc mũ cao bồi, người con xứ Đà Nẵng 63 tuổi với hơn 45 năm gắn bó với biển cả ấy chẳng khác gì một gã cao bồi của biển cả.

Một đời tuổi trẻ phong trần, lang bạt của ông đã tạo nên con người ông của ngày hôm nay. “Nói về truyền thống thì gia đình tui nhiều người làm quan lắm, cán bộ bự sau này cũng có. Nhưng không hiểu sao đời tui lại phải làm cu li miết thôi...”. Nói rồi ông cười khà khà, cái điệu cười rất sảng khoái của dân vùng biển chính hiệu.

“Năm 18 tuổi, tui trốn lính xin vào làm thợ hàn cho Hãng RMK của Mỹ. Vậy là đi khắp nơi, từ sân bay đến cảng biển, chỗ nào có công trình cần hàn, cần gò là tui lao tới giành làm. Bởi mang tâm lý trốn lính nên phải cố làm thật giỏi để chủ hãng giữ lại, nếu không nó tống cổ ra cửa thì chết, bị bắt lính ngay”. Nhờ đó ông nhanh chóng trở thành một con “rái cá” cừ khôi của hãng chuyên nghề lặn hàn dưới chân các cầu cảng ở Tiên Sa (Đà Nẵng). Mà không chỉ lặn giỏi, hàn tốt, nghề gì ông cũng “xộc” vào: từ lái máy xúc, máy kéo đến cầm bánh lái tàu thủy...

Sau ngày giải phóng ông được người anh họ làm cán bộ bảo lãnh vào làm du kích địa phương rồi sang ban quân quản chuyên lái xe thu gom chở sắn, bắp về phân phối cho người dân theo chế độ tem phiếu. Đến khi Hợp tác xã Bắc Mỹ An chuyên nghề đóng tàu và trục vớt tàu ra đời, ông Tám Nhung lập tức làm đơn xin qua vì mê biển.

Những công trình trục vớt đáng kể

* Năm 1996, giải cứu tàu hàng Sea Shine (Singapore) tải trọng 6.000 tấn bị mắc cạn ở vịnh Nam Ô (Liên Chiểu, Đà Nẵng).

* Năm 1997, nâng cấp cảng dầu Quy Nhơn (Bình Định) lên 10.000 DWT.

* Năm 2002, giải cứu tàu mắc cạn Speedy Dragon tại biển Hòa Hải (Đà Nẵng).

* Năm 2009, lần đầu tiên dùng công nghệ phao hơi giải cứu tàu vận tải Thành An 27 tại biển Thanh Khê (Đà Nẵng). Hiện trong hợp đồng đang và chuẩn bị làm còn tàu Thái Sơn 02 và Vân Đồn Grace (mắc cạn tại biển Đà Nẵng), một tàu vận tải nước ngoài mắc cạn tại biển Quy Nhơn.

Tính đến nay ông Tám Nhung đã trục vớt hơn 40 tàu vận tải lớn nhỏ của nhiều nước bị sự cố trên vùng biển Việt Nam. Chưa kể hàng loạt công trình lắp ráp ống dẫn dầu dưới biển.

“Thời ấy kinh tế khó khăn quá, nhà lại đông con nên làm cách gì cũng không đủ ăn. May quá Đại hội 6 đến, cho phép tư nhân mở công ty làm ăn kinh tế. Vậy là tui về bàn với vợ nghỉ hợp tác xã, ra mở xí nghiệp tư nhân làm ăn kiếm gạo nuôi con”. Ông khá giỏi nghề nên công việc trôi chảy, công nhân cũng có việc để làm. Vậy là từ một anh cu li trình độ không quá lớp 5, ông Tám Nhung trở thành một giám đốc chuyên trục vớt tàu biển đầu tiên ở miền Trung trước sự ngỡ ngàng của nhiều người vào thời điểm đó.

Lấy tính cần mẫn bù trình độ

“Với tui, đam mê nhất vẫn là chuyện trục vớt tàu. Đó là một công việc thú vị bởi nó không cố định... Càng khó thì càng thích bởi nó đòi hỏi sự sáng tạo”. Khi những trận bão hung dữ đánh bạt tàu lớn lên bãi biển Đà Nẵng gần đây, ông mới có dịp phát huy hết tài năng của mấy chục năm làm nghề.

“Hôm bão số 9 tan, đọc báo tui thấy đưa tin về khả năng phải “xẻ thịt” mấy con tàu hàng bị sóng đánh lên bờ vì người ta không cho nạo vét luồng lạch sợ phá hỏng đường. Đọc xong tui tức tốc chạy đi tìm gặp chủ tàu: Tui không đào luồng lạch mà vẫn đưa tàu ra biển được. Làm xong anh gọi kiểm định đến nếu thấy an toàn thì tui cho hạ thủy, lấy tiền”.

Nghe ông Tám Nhung nói vậy nhiều người lắc đầu không tin. Riêng chủ tàu Thành An 27 vì quá xót của đành gật đầu với hi vọng mong manh. Thỏa thuận xong ông Nhung về nhà tính toán. Chỉ sau một đêm ông lên xong phương án “giải cứu” tàu bằng túi khí nén nâng rồi lăn cho tàu ra biển. Sau hơn 20 ngày giải cứu, tàu Thành An 27 đã trở lại với biển trước sự kinh ngạc của nhiều người.

Anh Quỳnh, một trong số ba người con trai nối nghiệp cha, rất đỗi tự hào khi nói về cha mình: “Trong công việc cha tôi là một người cực kỳ quyết đoán. Dù rất nóng tính nhưng ông lại hết mực yêu thương mọi người, coi công nhân như con ruột nên được nhiều người quý trọng, kể cả nhiều kỹ sư hàng hải mới ra trường”.

Dù có trình độ đại học, trẻ và nhanh nhẹn, vậy mà nhiều khi anh Quỳnh cũng phải bó tay trước không ít vụ. Những khi đó ông Nhung đi quanh một vòng nhẩm tính rồi đưa ra phương án làm tiếp. “Cũng có khi ông cụ bó tay. Những lúc như vậy ông cho anh em công nhân nghỉ, còn mình về nhà. Sáng hôm sau ông thay đổi phương pháp trục vớt. Vậy là thành công. Với cha tôi, chưa công trình nào ông bỏ cuộc cả” - anh Quỳnh khoe.

“Gã cao bồi” của biển thì giải thích giản dị hơn như cách sống lâu nay: “Mình trình độ ít, bù lại mình chịu khó, không nản chí là được. Tui luôn khuyên dạy cả mười đứa con trong nhà là phải biết nâng niu, quý trọng những gì mình làm ra”. Vị thuyền trưởng của gia đình làm đúng những gì mình nói nên cả mười đứa con đều vâng lời, thành đạt trong công việc.

Hào sảng và công tâm

Ông Tám Nhung nói vắn tắt về phương châm sống đời mình: “Với tôi gia đình là trên hết. Còn trong công việc, ai làm tốt thưởng nhiều, ai làm ít nhận tiền ít”. Có câu chuyện làm bằng chứng. Hồi năm 1996, ông nhận giải cứu tàu hàng Sea Shine của Singapore với giá 270.000 USD, làm trong 45 ngày. Nhưng điều kiện mà phía chủ tàu đưa ra lại rất ngặt nghèo: trễ một ngày sẽ bị phạt 150 triệu đồng, ngược lại sớm một ngày sẽ được thưởng 150 triệu đồng.

“Đặt bút ký hợp đồng xong mới thấy mình liều thiệt. Nhưng rồi tui cũng động viên anh em, bản thân cũng lao vô làm. Lần đó tui hoàn tất hợp đồng sớm trước hai ngày”. Nhận 300 triệu đồng tiền thưởng ông Tám Nhung không lấy một cắc mà chia hết cho công nhân. “Anh em được quyền hưởng, riêng mình thì được nhiều hơn thế”. Cái ý “nhiều hơn” với ông Tám Nhung chính là uy tín. Sau lần giải cứu thành công tàu Sea Shine, điện thoại của ông liên tục rung chuông mỗi khi có tàu chìm trên biển.

Tuần rồi bão dồn dập, ông thêm tất bật. Khách hàng ở Bình Định kêu vào tính chuyện trục vớt tàu bị đánh lên bãi biển. Như mọi khi, ông tự tay cầm lái chiếc ôtô riêng đi thương thảo. Hành trang ngoài mùng mền chiếu gối là người bạn đời của ông, bà Trần Thị Nhiều. Đơn giản là vậy. “Chạy xe khi nào thấy mệt thì dừng nghỉ. Làm xong việc thì lên xe về nhà. Đi đâu có vợ có chồng mới vui”. Ông Tám Nhung lại cười hào sảng.

Theo Đăng Nam /  Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.