Khoảng trống thị trường phía Bắc

25/10/2009 01:52 GMT+7

Không phải thương hiệu Việt nào cũng thành công khi thâm nhập thị trường rộng lớn ở phía Bắc như Vinamilk, PNJ, Vinamit, May Nhà Bè..., khoảng trống của thị trường này vẫn còn rất lớn, đang chờ các doanh nghiệp phía Nam nói riêng, doanh nghiệp Việt nói chung lấp đầy.

“Đại siêu thị” hàng giá rẻ

Chợ đêm phố cổ Hà Nội mở cửa ba đêm trong tuần, gồm thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, kéo dài hơn 3 km từ đầu phố Hàng Đào, xuyên qua Hàng Ngang, hàng Đường, Đồng Xuân rồi hết Hàng Giấy. Trong 6 giờ đồng hồ mở cửa, trên các tuyến phố này luôn tấp nập người mua chen lấn, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng khách du lịch nước ngoài. Hàng trăm sạp dày kín mặt đường bán đủ thứ hàng hóa, từ đồ dùng gia đình chăn, ga, gối, nệm cho đến DVD in lậu, hoa tai, đồng hồ, đồ chơi trẻ con..., quang cảnh giống như một đại siêu thị ở Malaysia, Philippines, Thái Lan. Tuy nhiên, quần áo thời trang cho mọi lứa tuổi chiếm đa số và hầu hết sản phẩm ở đây đều có nhãn mác là chữ Trung Quốc.

“Đối với thị trường phía Bắc, hàng phi mậu dịch về rất nhiều nên doanh nghiệp trong Nam xâm nhập thị trường gặp nhiều khó khăn và mất thời gian hơn. Ngoài ra, ở mặt bằng chung, người tiêu dùng phía Bắc chưa ấn tượng với hàng Việt”, Ngô Thị Báu, Giám đốc Công ty thời trang FOCI nói.

Nếu muốn biết khoảng trống thị trường ở phía Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng như thế nào, xin mời các doanh nghiệp Việt hãy đến chợ đêm phố cổ. Một số ít thương hiệu Việt có mặt trên tuyến phố này chẳng hạn như quần áo thời trang Nino Max... Nhưng, trong khi dưới đường nhộn nhịp người mua kẻ bán thì bên trong các cửa hàng hoành tráng lại yên ắng, dù ngoài cửa trưng tấm bảng khuyến mãi rất to. Anh Trung, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, nói chủ yếu người mua hàng ở chợ đêm là đối tượng có thu nhập thấp. “Tôi chỉ tới một lần cho biết. Hàng hóa ở đây rẻ quá, 30.000 - 40.000 đồng một cái quần, cái áo; đôi dép 15.000 đồng... Vì vậy những sản phẩm hàng Việt đắt tiền hơn rất khó cạnh tranh, dù chất lượng đảm bảo cao hơn”, anh Trung nhận xét.

Chậm chân

Gỗ Trường Thành hiện chỉ có một đại lý duy nhất ở Hải Phòng. Ngay tại thị trường Hà Nội, Trường Thành cũng hoàn toàn để trống. “Chúng tôi hầu như không có kinh nghiệm gì ở thị trường phía Bắc vì vừa mới xâm nhập. Thực tế, thị trường này rất tiềm năng, bởi theo nghiên cứu của chúng tôi, mức chi tiêu của người tiêu dùng khu vực này ngang với phía Nam, nhưng hơn ở chỗ người miền Bắc chuộng sản phẩm từ gỗ hơn. Do đó phải cho ra đời sản phẩm phù hợp thị hiếu, nếu không sẽ thất bại”, ông Võ Trường Thành, TGĐ Công ty gỗ Trường Thành, cho biết. “Khó khăn khi khai mở thị trường phía Bắc là giá thuê mặt bằng ở Hà Nội đắt đỏ, thường cao hơn TP.HCM 20 - 30%; phải đào tạo nhân sự bằng việc chuyển vào công ty tập huấn; vận chuyển có thể đẩy giá bán sản phẩm lên cao; thiết lập hệ thống đại lý... Cho nên, nhiều doanh nghiệp quan ngại không dám ra đấy”, ông Thành nói thêm.

Bà Tạ Phan Quỳnh Huyên, Giám đốc Công ty thời trang Á Na, chủ thương hiệu Anakids, thừa nhận thị trường phía Bắc rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp phía Nam vẫn chưa khai thác tốt. “Sản phẩm của tôi bán rất mạnh ở siêu thị BigC và Hapro. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có cửa hàng, đại lý ở khu vực này. Tôi đang tính, hướng sắp tới sẽ có, nhưng phải chuẩn bị kỹ nhân lực, đặc biệt là mặt bằng vì đã nhiều lần gặp trục trặc. Tôi không lo khâu vận chuyển, vì giá vận chuyển chỉ chiếm khoảng 1 - 2%”, bà Huyên phát biểu. Còn theo một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội, ông Phí Ngọc Chung, Giám đốc Công ty Trung Thành (chuyên sản xuất gia vị, thực phẩm) có sản phẩm bao phủ ở khu vực này nên rất am hiểu thị trường, cho rằng trước đây tính trung thành đối với sản phẩm của người miền Bắc cao hơn. Tuy nhiên bây giờ đã thay đổi. “Nhiều doanh nghiệp làm thị trường ngoài này thành công như Massan. Nhưng cũng có những thương hiệu không lấy được thị phần dù trong Nam họ làm rất tốt, như Cholimex, Nam Dương... Có thể họ không đầu tư hoặc chiến lược không phù hợp”, ông Chung nói.

N. Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.