Du lịch sinh thái đất mũi Cà Mau

05/10/2004 10:08 GMT+7

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, là vùng đất ngập nước bao la ở đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), với các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm U Minh, hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái biển đảo. Những hệ sinh thái đó tạo cho Cà Mau có tiềm năng du lịch và cảnh quan tự nhiên rất thơ mộng và đặc sắc, một nét riêng mà chỉ đất mũi Cà Mau mới có.

Khu du lịch sinh thái Cà Mau bao gồm các khu vực rừng ngập mặn đặc dụng được bảo vệ và các sân chim với trong tâm là Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi nằm ở mũi cực Nam của đất nước trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Khu du lịch sinh thái đa dạng, phong phú này có mối quan hệ mật thiết với Khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi và các lâm ngư trường Trần Văn Thời và U Minh III.

Đây là khu vực có hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình phát triển với diện tích rộng lớn nhất ở Việt Nam. Giá trị du lịch đặc biệt ở khu vực này là tính đa dạng sinh học cao. Rừng ngập mặn ở vùng đất mũi chủ yếu có các loài mắm (Avicennia alba, A. officinalis. vaf A. marina), đước (Rhizophora apiculata), vẹt (Kandelia candel) và bần (Sonneratia sp.). Rừng đất ngập nước trên đất liền có 3 kiểu hệ thực vật: rừng tràm bán tự nhiên, rừng tràm trồng và trảng cỏ ngập nước theo mùa. Khu hệ động vật ở các khu bảo tồn Cà Mau rất đa dạng, phân bố trong các sinh cảnh như bãi bồi, rừng ngập mặn, trảng có ngập nước theo mùa và rừng tràm, đầm lầy trống và đất nông nghiệp. Theo điều tra ban đầu ở đây có khoảng 23 loài thú như khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), rái cá lông mượt (Lutragale perspicillata), mèo cá (Prionailurus viverrina), sóc chuột lửa (Tamiops rodolphii)… 194 loài chim trong đó có 73 loài “chim nước”, 27 loài “phụ thuộc vào đất ngập nước”, 61 loài di cư thường xuyên; 260 loài cá; và nhiều loài lưỡng cư và bò sát như cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus), Rùa (Ta-ba-gua Batagur baska), kỳ đà hoa (Varanus salvator), trăn gấm (Pythou retieulatus)…

Các sân chim là nơi trú ngụ của khoảng 3% số lượng quần thể toàn cầu của loại cốc đế Ấn Độ, khoảng 8% số lượng quần thể Nam và Đông Nam Á của loài quắm đen nhỏ. Ngoài ra, tại đây còn có các quần thể quan trọng của một số loài bị đe doạ hoặc gần bị đe doạ tuyệt chủng trên toàn cầu như cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), cò quắm đầu đen (Threskiornis melanocephalus), te vàng (Vanellus cinereus) v.v... Đây là nơi trú ngụ của hơn 1% quần thể thế giới của cò trắng Trung Quốc và choắt choắt chân màng lớn.

Với những đặc điểm về tài nguyên du lịch, đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn, ở khu vực Đất Mũi Cà Mau, các loại hình du lịch chủ yếu có thể phát triển được ở đây bao gồm: Du lịch sinh thái, du lịch tham quan, nghiên cứu, du lịch cuối tuần… Căn cứ định hướng phát triển du lịch ở khu vực này, hiện nay một số dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch có sự hỗ trợ nâng cấp từ ngân sách, đã được xem xét thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái đặc biệt này ở vùng cực Nam của Tổ quốc. 

Từng qua vùng du lịch sinh thái đất mũi Cà Mau, trong tâm tưởng cứ ngân nga câu vọng cổ của ông Bảy Đờn ở ấp Kinh Đôi, nơi có biết bao người mong ít nhất một lần đặt chân lên thềm phù sa góc biển tận cùng của Tổ quốc: Rừng, biển và dòng kinh quyện một màu xanh bát ngát/ Em nón nghiêng che để ánh mắt như vì sao rơi xuống rừng tràm…

(Theo Báo QÐND)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.