Khi con nói dối

16/12/2009 09:47 GMT+7

(TNTT>) Ở độ tuổi lên 3-4 trẻ bắt đầu nói dối vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiểu được nguyên do sẽ giúp cha mẹ bớt lúng túng trong việc sửa tật xấu này ở con mình

Tại sao bé nói dối?

Khi một đứa trẻ 13 - 14 tháng tuổi làm vỡ ly, bị mẹ mắng và bé lắc đầu phủ nhận thì đó không phải là nói dối vì thông thường ở độ tuổi này trẻ chưa hiểu thế nào là nói dối. Có lẽ trẻ đã quên ngay sự việc vừa diễn ra hoặc không phân biệt được giữa tưởng tượng và thực tế. Chỉ đến khi bé khoảng 3-4 tuổi thì hành vi nói dối mới phổ biến và đa số trẻ nói dối là để tránh bị phạt. Chung quy, các hình thức nói dối ở trẻ gồm:

Nói khoác: Trẻ nói khoác chủ yếu nhằm tăng thêm sự tự tin cho bản thân, ví dụ khi chơi với bạn, trẻ khoe: nhà Minh có nhiều ô tô to lắm đó, có nhiều siêu nhân xanh, đỏ, có cả hồ bơi lớn…. Nói khoác đa phần là vô hại nhưng đôi khi trở thành thói quen ở trẻ khi lớn lên, có thể làm bạn bè xa lánh trẻ nên cha mẹ cần ngăn chặn trẻ nói khoác bằng việc nhấn mạnh đến các ưu điểm của trẻ để khiến trẻ tự tin hơn.

Giúp đỡ trẻ nói dối

• Cha mẹ luôn bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, động cơ khiến trẻ nói dối.

• Đừng phạt con quá nặng, hạn chế sử dụng vũ lực vì việc này có thể khiến trẻ nói dối tiếp tục vì sợ hình phạt cha mẹ áp dụng.

• Hạn chế việc nói khoác ở con bằng cách khen ngợi và yêu thương trẻ thay vì chế giễu chúng dẫn đến phản tác dụng.

Nói dối giả vờ: Nói dối pha lẫn giữa thế giới thực tế và thế giới tưởng tượng của trẻ. Ví dụ một trẻ lên 4 thường nói về siêu nhân, ma quỷ, quỷ sứ, bạn vô hình, bà tiên, công chúa… với những mô tả sống động. Nói dối giả vờ có thể xem như một giai đoạn phát triển bình thường ở trẻ.

Nói dối thăm dò: Để thăm dò phản ứng của cha mẹ. Đôi khi trẻ nói dối vì thấy nói dối sẽ được cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn: “Con không đi thăm bà đâu” để khiến cha mẹ phải dỗ dành trẻ trong khi trẻ rất thích đến chơi nhà bà. Kiểu nói dối này nghiêm trọng và cần phải được ngăn ngừa từ khi trẻ còn nhỏ.

Nói dối che giấu: Nói dối để tránh bị phạt, vì lo sợ bị quở trách. Những trường hợp nói dối này sẽ ngày càng trở nên tinh vi hơn, dẫn đến những hành vi xấu trong tương lai nên cha mẹ cũng cần xử lý càng sớm càng tốt.

Cha mẹ nên làm gì?

Các nghiên cứu cho thấy việc cha mẹ giải thích, giảng giải cho trẻ hiểu tại sao nói dối là không tốt có thể làm giảm đi số lần trẻ nói dối còn cha mẹ phạt trẻ đặc biệt là phạt nặng thì làm tăng số lần nói dối ở trẻ. Nếu bạn phạt trẻ vì làm điều sai trái thì trẻ có khuynh hướng học cách nói dối để đối phó. Ngược lại, trẻ có khả năng nói dối tiếp tục nếu không bị quở mắng. Do vậy, tùy theo từng trường hợp mà cha mẹ cần dung hòa giữa dễ dãi và nghiêm khắc. Một mẹo nhỏ là cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói thật với lời hứa là nói thật sẽ không bị phạt cho dù trẻ có lỗi.

Cha mẹ nên thông qua những câu chuyện sinh động để dạy trẻ tác hại của việc nói dối. Ví dụ chuyện cậu bé nói dối có đám cháy để lừa hàng xóm, khi có cháy thật thì không ai giúp đỡ…. Những câu chuyện này sẽ ăn sâu vào tâm trí trẻ nhiều lần so với những lời răn đe hay việc trừng phạt của cha mẹ.

Đôi khi trẻ nói dối vì sợ cha mẹ không yêu thương chúng nữa vì hành vi xấu của chúng. Vì vậy cha mẹ nên tách bạch giữa việc phạt và thương trẻ và giải thích cho trẻ hiểu.

Một lý do quan trọng khiến trẻ nói dối đó là vì chúng thấy cha mẹ đã làm như vậy. Nếu bạn nói dối để tránh phật lòng người khác thì sau đó nên giải thích lý do cho trẻ hiểu, nếu không trẻ sẽ không thể hiểu được tại sao chúng bắt chước cha mẹ nhưng lại bị phạt.

Đèn xanh đèn đỏ

Tino nhà mình 5 tuổi. Từ lúc bé 3 tuổi mình đã dạy con về đèn xanh đen đỏ, rằng khi đèn đỏ sáng lên thì phải dừng lại, đèn xanh thì được đi.

Có một lần, mình chở con đi học, do lơ đễnh nên vô tình vượt đèn đỏ và bị công an thổi phạt. Lúc ấy, bé cứ nhìn mình, hỏi "Sao mẹ biết đèn đỏ mà mẹ không dừng lại?". Mình bảo "Mẹ quên mất", thế là bé làm mặt rất nghiêm trọng, "Từ nay Tino sẽ nhắc mẹ nghen".

Từ hôm đó trở đi, mỗi lần mình hay ông xã đi đâu cùng Tino mà gặp đèn đỏ từ xa là bé lại nhắc chuyện mẹ bị chú công an phạt bằng cách hét toáng lên: “Dừng lại ba/mẹ, đèn đỏ kìa, chú công an phạt bây giờ”, làm mình hay ông xã dù rất vội và không nhìn thấy công an nhưng vẫn không dám vượt đèn đỏ. Phần sợ bị giam xe nhưng quan trọng là sợ hành động của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này. Nguyên Hằng (phiphi_200x@yahoo.com.vn)

Lớp “Học làm người có ích”

Nội dung chính của lớp học tập trung vào các vấn đề: đạo đức lối sống của teen; các thói quen có ích trong ngày; học về giao tiếp, ứng xử; học để hiểu và có trách nhiệm hơn với gia đình…

Lớp học áp dụng theo liệu pháp số đông sẽ giúp các em có cơ hội rèn luyện và điều chỉnh chính mình, và được thiết kế theo nhiều khóa với các bài học khác nhau, nhưng không nhất thiết là sự liên tục để các em không theo được lớp này cũng có thể theo lớp khác. Lớp học được tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, lớp đầu tiên bắt đầu vào ngày 31.12.2009 và 1.1.2010.

Phí: 300.000 đồng/khóa

Liên hệ: Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam

Cơ sở 1: 1 Đường số 3, KDC Vĩnh Lộc, P. Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân.

Cơ sở 2: 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM

Điện thoại: 08 3930 4376

Thy An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.