Chia quyền và tranh quyền

20/11/2009 00:22 GMT+7

Hội nghị cấp cao bất thường của EU tại Brussels (Bỉ) là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tổ chức này khi 27 nước thành viên phải lựa chọn nhân sự vào cương vị Chủ tịch và Cao ủy đặc trách về đối ngoại và an ninh.

Hiệp ước Lisbon vừa được đầy đủ các thành viên phê chuẩn và nhờ đó có hiệu lực trên thực tế là cuộc cải tổ thể chế của EU.  Hai chức danh nói trên chính thức trở thành cương vị quyền lực trong EU.

Có chức quyền thì ắt sẽ có sự tranh giành quyền lực và bản thân hai cương vị kia là sự chia sẻ quyền lực, cho nên trong những quyết định nhân sự ở hội nghị này có những quy tắc bất thành văn được vận dụng trong EU. Chủ tịch EU nghe rất oai danh nhưng trên thực tế lại không có thực quyền bằng Chủ tịch Ủy ban EU và thậm chí cả Cao ủy đặc trách về đối ngoại và an ninh. Vì Chủ tịch Ủy ban EU đã là người của cánh hữu và trung - hữu và phe này cũng muốn giành cả chức vụ Chủ tịch nên chắc chắn đại diện của cánh tả và trung - tả sẽ chiếm lĩnh cương vị Cao ủy đối ngoại và an ninh. Việc chia quyền như vậy có thể được coi là thu xếp xong.

Cuộc tranh quyền có phần nào khó xử lý hơn. Các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên chắc chắn không dễ dàng đạt được thỏa thuận cụ thể về nhân sự cho hai cương vị quyền lực này. Họ sẽ không ủng hộ ứng cử viên nào quá nổi tiếng, quá dày dạn chính trường và có bản lĩnh cao để không bị chính nhân vật này lấn át. Cho nên tất cả những ứng cử viên được coi là sáng giá nhất từ trước tới nay đều gần như đã bị loại khỏi cuộc đua.

Mặt khác, nhân vật đắc cử sẽ là người đến từ thành viên nhỏ chứ không phải thành viên lớn của EU. Pháp và Đức đã thỏa thuận ngầm với nhau như vậy mà không có sự ủng hộ của hai thành viên này thì sẽ chẳng có ứng viên nào trúng cử cả. Trâu chậm thường phải uống nước đục, nhưng ở cuộc chia quyền và tranh quyền này của EU thì ngược lại.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.