Đề án 112: Bê bối, tiêu cực và... tệ hại!

28/10/2007 01:47 GMT+7

Những con số về thất thoát, lãng phí được kết luận chưa nói hết được tính chất nghiêm trọng những sai phạm của một số người có liên quan. * Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sai phạm

Ngày 26.10, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chính thức hoàn thành kết luận kiểm toán Đề án " Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005" (Đề án 112). Cách sử dụng, chi tiêu đồng vốn Nhà nước trong đề án này đã thể hiện sự vô lối, bừa bãi... hơn rất nhiều so với những dạng sai phạm trong chi tiêu vốn ngân sách ở nhiều công trình, dự án có vốn Nhà nước từ trước đến nay.  Bừa bãi từ A đến Z...

Theo ông Lê Hoàng Quân, Kiểm toán trưởng KTNN, chuyên ngành II, mặc dù không thực hiện kiểm toán hết được tất cả các đơn vị triển khai Đề án 112 nhưng "kiểm toán vào chỗ nào cũng sai". Theo kết quả kiểm toán của KTNN, từ khâu khảo sát, thiết kế, dự toán cho đến các khâu lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn, chi tiêu và nghiệm thu, quyết toán, không có khâu nào không có tiêu cực sai phạm. KTNN nhận định: "hầu hết các đề án (thuộc Đề án tổng thể 112)  được lập không sát với tình hình thực tế, chưa gắn với nội dung cải cách hành chính Nhà nước". Trong khi đó, công tác thẩm định đề án củãa Ban điều hành Đề án 112 lại sơ sài, không có định hướng thông tin rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương. Đến khâu khảo sát, lại không ít đơn vị không tiến hành khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Hầu hết các đơn vị kiểm toán cũng không thèm lập cả kế hoạch vốn đầu tư cho dự án tại đơn vị mình để gửi lên cấp trên để tổng hợp... Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý vốn đầu tư lại càng trắng trợn ở khâu nghiệm thu, quyết toán. Có tình trạng nghiệm thu, quyết toán "khống". Ví dụ ở Đồng Nai, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa lắp đặt 2 máy chủ, 3 máy trạm (đến thời điểm 15.4.2007, các máy này đã hết thời gian bảo hành nhưng vẫn vứt trong kho), các chức năng của phần mềm chưa hề được sử dụng nhưng vẫn làm thủ tục nghiệm thu, bàn giao, quyết toán. Tại Yên Bái có tình trạng nghiệm thu cả khối lượng trước khi đề án được phê duyệt, cho thanh toán nhiều khoản không có chứng từ...  Chi tiêu vô tội vạ

Chính sự tùy tiện, vô lối trong cung cách quản lý ở  tất cả các khâu của đề án khiến tiền đầu tư từ Trung ương rót xuống đến các bộ, ngành, các địa  phương đã được chi tiêu vô tội vạ. Một thành viên của đoàn KTNN phải thốt lên: "Chưa từng thấy ở dự án, đề án nào lấy chỉ tiêu phân bổ vốn cho từng tiểu đề án là "tốc độ giải ngân". Nhiều nơi không lập báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch sử dụng vốn..., thấy Ban điều hành đề án Trung ương có chỉ tiêu kỳ cục thế lại càng ra tay tiêu xài cho chóng hết". Thậm chí, Ban điều hành đề án Trung ương còn kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư  khen thưởng cho các đơn vị, nơi nào giải ngân nhanh được tăng thêm vốn. Nhiều đơn vị vội vã quyết toán cho vô số khoản chưa chi, chưa được duyệt chi, không được phép chi. 

Trong tổng số chi đã đề nghị quyết toán là trên 485 tỉ đồng, KTNN xác định số chi không đủ điều kiện quyết toán là 55,7 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là chi sai phân cấp nguồn vốn đầu tư, dùng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Trung ương chi cho nhiệåm vụ của ngân sách địa phương... Đã có hơn 13,6 tỉ đồng kinh phí bị hủy do không sử dụng đến và 56 tỉ đồng khác tồn đọng..

Trong nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương do Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ thực hiện (tổng dự toán giao là 113 tỉ đồng và tổng kinh phí được nhận là 108,5 tỉ đồng), Ban này đề nghị quyết toán trên 69,1 tỉ đồng. Khoản đề nghị này đã bị KTNN đề nghị loại khỏi quyết toán, xuất toán thu hồi nộp ngân sách hơn 43 tỉ đồng. Trong số này có các khỏan: hơn 8,1 tỉ đồng quyết toán nội dung kinh phí chưa chi (cước đường truyền phải trả đã hơn 7,8 tỉ đồng, còn lại là các khoản chi khác), các khoản quyết toán cho các hợp đồng khi chưa được Bộ Tài chính ban hành định mức, đơn giá áp dụng cho Đề án 112 như chi đào tạo quản trị mạng gần 17,3 tỉ đồng, triển khai dịch vụ cơ bản tại Trung tâm tích hợp dữ liệu các tỉnh gần 15,5 tỉ  đồng...

Tổng mức đầu tư được duyệt cho Đề án 112 là 3.836 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã cấp phát là 1.534,3 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng là 1.159,6 tỉ  đồng.

Nhiều khoản chi không thuộc nhiệm vụ chi cũng đã được thực hiện như chi trả tiền cho thuê trụ sở cho Dự án trợ giúp kỹ thuật TA trên 772,8  triệu đồng, chi cho trang bị Phòng đào tạo tin học tại  UBND tỉnh Điện Biên 492,3 triệu đồng; tạm ứng chi phí quản lý lớp học cho các tỉnh, bộ, ngành (vừa không đúng nhiệm vụ vừa vượt định mức) hơn 2,33  tỉ đồng; tạm ứng kinh phí cho các tỉnh, thành phố để triển khai 3 phần mềm dùng chung (cũng vượt cả định mức) 16,3 tỉ đồng... Có những khoản chi cho những sản phẩm không được nghiệm thu như chi nghiên cứu xây dựng đơn giá đào tạo, hợp đồng với Cục Tin học thống kê, Bộ Tài chính 120 triệu đồng; chi xây dựng hệ thống an toàn, bảo mật mạng tin học do Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện...

Việc chi tiêu, sử dụng vốn bằng nguồn của ngân sách Trung ương thì bừa bãi, ngân sách địa phương cũng bị phóng tay chi tiêu. Chẳng hạn TP.HCM chi vượt định mức, sai chế độ 898 triệu đồng, Đà Nẵng chi sai 282 triệu đồng, Thừa Thiên-Huế chi sai 125 triệu đồng.. 

Tệ hại hơn nữa là việc sử dụng kinh phí từ nguồn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng có nhiều sai phạm. Trong số kinh phí được nhận là 470 tỉ đồng, Ban điều hành đã đề nghị quyết toán gần 111,2 tỉ đồng nhưng đã bị KTNN loại ra khỏi quyết toán, xuất toán... gần 104 tỉ đồng. Các dạng sai phạm ở đây bao gồm: chưa hề chi nhưng đòi quyết toán, chi trùng khoảng 30,2 tỉ đồng (quyết toán cho đào tạo nhưng thực tế không chi 29,75 tỉ, chi trùng 2 lần 461 triệu đồng); chi chưa có đơn giá được duyệt, chi không thuộc nhiệm vụ chi 1,67 tỉ đồng..  Hậu quả

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cũng sai phạm

Theo KTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng có những sai phạm trong việc triển khai Đề án 112. Năm 2006, giai đoạn I của đề án đã kết thúc, chưa có dự toán tổng thể và từng năm cho giai đoạn kế tiếp nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn phân bổ vốn đầu tư cho đề án 150 triệu đồng. Bộ Tài chính có trách nhiệm do việc chậm ban hành các định mức, đơn giá chính thức áp dụng cho đề án. Bộ Tài chính đồng ý cho Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ quyết toán cả... kinh phí không hề có trong dự toán; sử dụng định mức chi đào tạo thí điểm để quyết toán kinh phí. KTNN đã kiến nghị 2 bộ này kiểm điểm, xem xét trách nhiệm trong quản lý nhà nước của 2 bộ này với Đề án 112.

Tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến triển khai, quyết toán đều làm như thể chỉ để giải ngân, rút tiền cho nhanh nên kết quả rất dễ hình dung. Về thiết bị tin học, ngay tại Văn phòng Chính phủ, Trung tâm tích hợp dữ liệu đã có nhưng chưa hoạt động. Một số ít bộ, ngành đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng và bắt đầu tích hợp dữ liệu thì trừ Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành ngân hàng đã có hoạt động tạm ổn định thì  tất cả các bộ, ngành còn lại vẫn còn đang ở giai đoạn đầu tích hợp dữ liệu. Các công việc thực hiện nhờ hệ thống máy chủ do đề án trang bị chủ yếu là lưu trũ dự liệu, tra cứu thông tin trên trang web. Theo KTNN, việc tích hợp, cung cấp thông tin để phục vụ điều hành, quản lý hành chính của các cấp lãnh đạo theo mục tiêu của đề án, rõ ràng đã không đạt được. Việc xây dựng các mạng cục bộ (LAN) nhiều nơi còn chưa xây dựng xong. Thê thảm nhất là về phần mềm ứng dụng. Trong 3 phần mềm dùng chung thuộc hệ điều hành tác nghiệp thì mới có 1 phần mềm được sử dụng còn 2 phần mềm hầu như không sử dụng được. 45 phần mềm dùng chung còn lại thì đa số chưa triển khai được diện rộng trong khi kinh phí đã ứng gần 23 tỉ đồng. "Nếu các phần mềm trên không được triển khai, sử dụng sẽ là một thất thoát, lãng phí lớn của ngân sách nhà nước", đoàn KTNN đánh giá.

Sự lãng phí ghê gớm còn thể hiện ở rất nhiều hạng mục, dự án cụ thể, ở việc sử dụng máy móc, phương tiện đã đầu tư, trang bị, đào tạo... Qua kiểm toán nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều tỉnh cán bộ tin học chỉ  có 2-3 người nên có nhiều máy cũng để không; hàng trăm học viên được đào tạo không đúng đối tượng... Hiện còn tồn hơn 24.680 cuốn tài liệu, giáo trình trị giá gần 266 triệu đồng đang bị hư hỏng trong các nhà kho.

Ngay tại Ban điều hành Đề án 112 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có sản phẩm được đầu tư 300 triệu đồng nhưng không được sử dụng. Một  chương trình phần mềm được văn phòng Bộ này ký với Công ty máy tính truyền thông CMC từ năm 2004, đã trả 444,5 triệu  đồng nhưng đến nay còn chưa có sản phẩm. Ban điều hành Đề án 112 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ký một hợp đồng thực hiện dự án phần mềm có giá trị 970 triệu đồng trong khi cũng một phần mềm tương tự như vậy, tại cùng thời điểm lại chỉ có giá 231 triệu đồng... 

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.