Ba nữ tiến sĩ đầu tiên nhận giải thưởng L'oreal - Unesco

24/10/2009 15:30 GMT+7

Ba nhà khoa học nữ đầu tiên đại diện cho giới nữ làm khoa học tại Việt Nam được vinh danh trong lễ trao giải thưởng Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học của chương trình học bổng quốc gia L’oreal - Unesco (mỗi giải 100 triệu đồng).

Không hẹn mà gặp, họ đều là những người nghiên cứu khoa học đời sống, khoa học vật liệu.

Môi trường cho lưu vực sông Hồng

Với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đề tài Nghiên cứu những biến đổi toàn cầu thông qua vùng lưu vực sông Hồng của tiến sĩ Lê Thị Phương Quỳnh trở thành điển hình cho việc nghiên cứu và ứng dụng mô hình vào hệ thống sông ở Việt Nam và châu Á.

Chị hoàn thành luận án tiến sĩ tại trường ĐH mang tên nhà khoa học nổi tiếng Pierre & Marie Curie (Pháp) năm 2005 khi vừa tròn 29 tuổi... Đề cập đến đề tài mà mình đang nghiên cứu, chị nói say sưa: “Đây là nghiên cứu ứng dụng mô hình hóa, công cụ toán học cho phép biểu diễn mối liên hệ giữa chất lượng nước của hệ thống sông với tác động của con người và các điều kiện tự nhiên trong lưu vực sông Hồng ở thời điểm hiện tại”.

 

Tiến sĩ Nghiêm Thị Hà Liên

Chị tâm sự: “Nam giới làm khoa học đã khó, phụ nữ lại càng vất vả hơn vì phải chịu áp lực từ hai phía gia đình và công việc. Thế nên đối với tôi, những ngày cuối tuần trở nên vô cùng quý báu, ngày đó tôi thể dồn hết tâm trí vào chăm sóc gia đình. Thật may mắn, chồng tôi cũng làm khoa học nên thấu hiểu nhưng khó khăn của vợ để cùng nhau chia sẻ”.

Nghiên cứu khoa học vì phụ nữ

Được đánh giá là tiến sĩ trẻ, có năng lực nghiên cứu tốt cùng với đề tài có tính khả thi cao trong Viện Vật lý, tiến sĩ Nghiêm Thị Hà Liên đang ráo riết nghiên cứu để chế tạo hạt nano vàng, và gắn kết chúng với các kháng thể tái tổ hợp đặc hiệu ứng dụng trong việc làm băng thử phát hiện nhanh bệnh ung thư vú.

Năm 2001, khi mới 27 tuổi và đang làm luận án tiến sĩ tại trường ĐH Paris 13 (Pháp), chị bắt đầu được làm quen với các kỹ thuật quang phổ hiện đại ứng dụng chẩn đoán bệnh - một kỹ thuật mới và khá mới mẻ tại Việt Nam. Sau khi về nước, làm việc tại Viện Vật lý, chị được tham gia xây dựng hướng nghiên cứu ứng dụng các vật liệu nano quang trong lĩnh vực y sinh. Chị Hà Liên chia sẻ: “Cùng là phụ nữ nên tôi thấu hiểu sự lo lắng cũng như đau khổ và mất mát khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác này. Từ những kinh nghiệm cũng như niềm tin và say mê đối với khoa học, tôi hy vọng với những việc làm của mình có thể giúp việc chẩn đoán bệnh được nhanh chóng, chính xác để bệnh nhân có hướng điều trị kịp thời, tránh được rủi ro”.

Người “đọc bệnh” Parkinson

 

Tiến sĩ Đặng Thị Phương Thảo - Ảnh do L’oreal- Unesco cung cấp

Là ứng viên nhận học bổng duy nhất đại diện cho TP.HCM, tiến sĩ Đặng Thị Phương Thảo hiện là giảng viên, trưởng bộ môn Công nghệ sinh học phân tử và môi trường khoa Sinh, trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ngoài công việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên tại trường, chị còn tham gia và chủ nhiệm nhiều công trình nghiên cứu đạt thành tích xuất sắc như: Nghiên cứu và thử ứng dụng thử nghiệm Ames để phát hiện các tác nhân gây đột biến, ung thư năm 2002; Áp dụng công nghệ bề mặt tế bào nấm men trong xử lý môi trường, nuôi trồng thủy sản, sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử nhằm chẩn đoán bệnh trong gia súc, gia cầm...

Từ thực tế cuộc sống cho thấy, bệnh Parkinson ngày càng trở nên phổ biến nhưng cho đến nay chưa ai biết rõ cơ chế phân tử sinh bệnh. Khi được hỏi lý do chọn đề tài nghiên cứu về bệnh Parkinson, chị Phương Thảo cởi mở: “Tôi chọn đề tài này vì muốn được tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những kiến thức mà tôi đã được học trong thời gian làm luận án tiến sĩ ở Nhật”.

Say mê trong nghiên cứu và cởi mở khi đề cập đến công việc nhưng khi hỏi về bản thân, chị chỉ chia sẻ một điều: “Phụ nữ làm khoa học phải hy sinh rất nhiều và gia đình là nơi có cảm giác ấm áp nhất sau khi bước ra từ phòng thí nghiệm”.  

Hải Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.