Ninh Thuận: Vì sao nhiều tàu cá bị từ chối đăng kiểm ?

16/11/2004 23:53 GMT+7

Thực hiện chương trình đầu tư tàu đánh bắt hải sản xa bờ bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo kế hoạch nhà nước, từ năm 1997-1999, Ninh Thuận được phân bổ nguồn vốn, đầu tư 38 thuyền công suất lớn, với kinh phí gần 26 tỉ đồng. Gần 8 năm sau khi đưa vào khai thác, công suất tàu thuyền này quá "lạc hậu" so với ngư trường hiện thời. Trong số 38 dự án trên, hiện có 9 chủ dự án đã tự cải hoán thay máy mới công suất lớn để khai thác đạt hiệu quả, phù hợp với ngư trường. Tuy nhiên, mọi chuyện không được thuận buồm xuôi gió: các thuyền xa bờ này đều bị từ chối đăng kiểm.

Ông Trần Văn Thọ, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, chủ dự án tàu đánh bắt xa bờ có số đăng ký 92021, hiệu máy Yanmar, công suất 105 CV. Vì máy xuống cấp, khai thác không đạt yêu cầu nên thua lỗ. Năm 2002, gia đình ông quyết định thay máy mới công suất 250 CV để khai thác xa bờ đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, sau khi thay máy, ông xin đăng kiểm tại Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì bị từ chối, với lý do tàu này nằm trong sự quản lý của Bộ Thủy sản và UBND tỉnh, không được tự ý thay máy,

Theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, thì việc thay đổi các chi tiết của dự án tàu cá xa bờ thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Tùng - Phó giám đốc Sở Thủy sản: "Việc cải hoán, thay đổi máy không ảnh hưởng đến tính năng, kỹ thuật của dự án khi hoạt động sản xuất. Công tác đăng kiểm phải thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nên cho chủ trương cải hoán thay máy đối với tàu đánh bắt hải sản xa bờ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo kế hoạch của Nhà nước nếu chủ dự án có nhu cầu thay máy".

cải hoán khi chưa được các cấp cho phép. Trường hợp ông Ngô Diện - Khánh Hải (Ninh Hải) lại khác: Máy tàu bị gãy trục khuỷu, phải thay máy mới với công suất 280 CV, lớn hơn công suất máy cũ. Sau khi thay máy mới, ông đi đăng kiểm thì cũng bị trở ngại tương tự như trường hợp trên. Theo ông Lê Hồng Phong - Trưởng phòng Đăng kiểm tàu cá (thuộc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản): "Trường hợp tàu thuyền thuộc dự án đánh bắt xa bờ thay máy mới đi đăng kiểm thì phải có ý kiến của chủ đầu tư dự án là UBND tỉnh và Bộ Thủy sản. Nếu cho đăng kiểm sẽ vượt quyền cho phép của ngành chúng tôi. Trước đây (tháng 8/2002), chúng tôi có xin ý kiến của UBND tỉnh và UBND tỉnh cho phép cấp giấy phép đăng kiểm tạm thời từng quý và chỉ được cấp 3 lần (9 tháng) thì ngưng cấp giấy phép". Nếu bị từ chối đăng kiểm, có nghĩa các tàu này không được phép ra khơi khai thác. Trong lúc đó lãi suất vốn vay của dự án vẫn tính hàng ngày. Nếu ra khơi khai thác thì sẽ bị phạt khi bị cơ quan quản lý phát hiện. Mặt khác, các chủ tàu này đều mua bảo hiểm thân tàu, nhưng xảy ra tai nạn thì gần như không được bồi thường.

Ông Nguyễn Tấn Tùng - Phó giám đốc Sở Thủy sản cho biết: Sở đã có nhiều công văn kiến nghị lên UBND tỉnh và Bộ Thủy sản xin ý kiến về các trường hợp trên, để tạo điều kiện cho ngư dân khai thác đạt hiệu quả kinh tế; nhưng đến thời điểm hiện nay thì Sở đang chờ chủ trương.

Việc cải hoán, thay máy tàu để tăng công suất lớn hơn so với dự án được duyệt là phù hợp thực tế, chủ trương phát triển của nghề đánh bắt vươn khơi. Nguyện vọng của ngư dân là chính đáng, rất mong UBND tỉnh Ninh Thuận, Bộ Thủy sản sớm có chủ trương cho phép đăng kiểm các tàu cải hoán công suất lớn như trên.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.