Địa ngục quá gần ta

08/11/2007 01:14 GMT+7

Chuyện em gái Nguyễn Thị Bình bị hành hạ tra tấn và bắt làm việc như một nô lệ thời hiện đại trong suốt 13 năm trời đã xảy ra ngay tại một quận nội thành của Hà Nội - quận Thanh Xuân, và có lẽ đã diễn ra trước mắt không ít người. Có thể là hàng xóm, có thể là người có quan hệ làm ăn buôn bán với vợ chồng hàng phở này, trong suốt 13 năm có một đứa bé gái bị đánh đập tàn nhẫn hằng ngày ngay trước mắt họ, nhưng không ai dám nói gì, có hành động gì ngăn chặn sự dã man khó tưởng tượng ấy.

Cho tới khi có một, rồi hai người: bà Bình "bò" và chị Oanh, không chịu nổi khi phải nhìn cảnh "địa ngục trần gian" ngay trước mắt mình cứ thản nhiên tái diễn, đã đồng lòng cứu và bí mật đưa em Bình bỏ trốn. Tới khi đó, báo chí phát hiện và vào cuộc, còn mọi người thì thở phào ra:"Khủng khiếp quá!". Vâng, nhưng khủng khiếp nhất là khi một chuyện khủng khiếp như thế lại xảy ra như một chuyện "đời thường" suốt 13 năm trời ngay giữa thủ đô mà gần như không có ai thấy đó là chuyện khủng khiếp.

Chúng ta đang sống thời hiện đại, đang sống trong cơ chế thị trường với vô vàn quan hệ phức hợp và phức tạp, đúng thế, nhưng liệu cuộc sống bây giờ có khiến chúng ta chai mòn vô cảm trước nỗi đau của trẻ nhỏ, nỗi đau của người nghèo khổ đến thế không? Ở một xã hội thượng tôn pháp luật, những hành động lăng nhục đánh đập con người một cách dã man như vậy sẽ lập tức bị chính những người láng giềng, hàng xóm phát hiện, và họ sẽ lập tức báo tin cho cảnh sát. Nhưng ở ta, khi người ta "sợ" pháp luật thì ít mà sợ những kẻ vi phạm pháp luật thì nhiều hơn, và nhất là khi nếu có người dám đứng ra tố cáo những tội ác như của vợ chồng hàng phở nọ, thì sẽ có cơ quan cảnh sát đặc biệt nào đứng ra tiếp nhận và xử lý ngay những thông tin ấy? Đó mới là điều cần bàn. Vì một khi người dân không dám báo cáo những chuyện như thế với công an khu vực, với công an phường chẳng hạn, là do họ sợ "nhà hàng phở" kia vừa lắm tiền vừa ngoa ngoắt có thể sẽ "đổi trắng thay đen" và "tố ngược" gây tai họa cho họ, thì sao? Ai bảo vệ những người dân trung thực dám tố cáo cái xấu cái ác trong những hoàn cảnh như thế ? Khi địa ngục quá gần ta, ma vương tiểu quỷ cũng quá gần ta, mà sự che chở của pháp luật lại ở hơi xa hoặc còn mờ ảo, khi những người lương thiện và trung thực chưa thể liên kết thành một sức mạnh, thì chuyện em Bình bị hành hạ man rợ suốt 13 năm trời mới nghe thật khủng khiếp, nhưng nghĩ kỹ, lại là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Dù trong mỗi khu phố đều có "tổ dân phố" về hình thức là quản lý khá chặt chẽ, nhưng một khi những tổ chức chính quyền cơ sở như thế bị "quan liêu hóa" hay chỉ tồn tại trên hình thức, thì thật khó cho người dân lương thiện dựa vào đó để thể hiện có hiệu quả sự lương thiện, thái độ không chấp nhận cái xấu cái ác của mình.

Tôi còn nhớ, cách đây chưa lâu, ngay tại thị xã Quảng Ngãi của tôi cũng đã có trường hợp một người em cựu chiến binh bị bệnh tâm thần đã "được" gia đình người anh ruột "nhốt xà lim" theo đúng nghĩa đen trong suốt 10 năm. Điều lạ lùng là cả chính quyền, tổ chức cựu chiến binh hay đoàn thể mặt trận phường, khu phố tại địa phương đều không hay biết(?). Cho tới khi báo chí phát hiện ra. Nên tôi nghĩ, trường hợp em Nguyễn Thị Bình chính là hồi chuông cảnh báo không chỉ là sự vô cảm đang cư ngụ trong mỗi người chúng ta, mà còn cảnh báo về sự thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng, về sự bất lực do bị "quan liêu hóa", "xơ cứng hóa" của những tổ chức chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật ở cơ sở. Khi người dân lãnh cảm trước cái xấu cái ác, khi sự bất công và bạo ngược dám hành xử một cách công khai, đây đó còn thách thức cả pháp luật, thì khi đó "địa ngục chỉ cách ta ba bước".

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.