Những cửa sông kêu cứu

15/11/2009 23:41 GMT+7

Tình trạng các cửa sông giáp biển bị bồi lấp đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, nghiêm trọng nhất là từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Những “con đê”

Ở khu vực miền Trung, mưa lũ mang theo lượng cát từ thượng nguồn trôi về hạ lưu khá nhiều làm cho việc bồi lắng ở các cửa sông giáp biển diễn ra nhanh chóng. Tại sông Vu Gia và sông Thu Bồn (Quảng Nam), mỗi năm có khoảng 3 triệu m3 cát dồn về vùng hạ lưu và cửa sông; trong khi đó tại các sông nằm trên địa bàn Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận, mỗi cửa bị bồi lắng từ 1-2 triệu m3 bùn cát.

Nhiều cửa sông ở các tỉnh này có những doi cát bồi lắng rất cao và hình thành những “con đê” chắn nước lấp cả gần hết cửa sông nên tàu thuyền có công suất lớn đành “liều mạng” lách qua khe cửa hẹp mỗi khi ra vào cửa. Mỗi khi có bão lũ, nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phải dùng mìn phá “bờ đê” nhưng chừng 1 năm sau lại hình thành “bờ đê” mới.

Liên quan đến quy định dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng, cát vật liệu san lấp ra nước ngoài, ông Trương Ngọc Nhi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày 13.11, UBND tỉnh đã có tờ trình gởi Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan đề nghị chấp thuận cho các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép tiếp tục triển khai thực hiện DA nạo vét, thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu theo tiến độ DA đã được phê duyệt.

Trong khi đó, ngày 3.11, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ việc nạo vét khơi thông luồng lạch tại các cửa sông sau khi đã được các địa phương tính toán không có nhu cầu hoặc không thể sử dụng nội địa.

Tại cửa Mỹ Á (xã Phổ Quang, H.Đức Phổ) - một trong 4 cửa biển lớn của tỉnh Quảng Ngãi, gần 10 năm qua hàng trăm ngư dân hết sức khổ sở vì cứ mỗi mùa biển động, thủy triều lại mang cát lấp cửa biển, luồng lạch tàu thuyền ra vào hẹp dần khiến gần 200 tàu thuyền có năm bị mắc kẹt trong cửa sông đến 4 tháng trời; nếu “liều” ra khơi, tàu va vào đá coi như trắng tay. Ở cửa Lở - sông Vệ thuộc xã Đức Lợi, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Ông Lê Thanh Phách - Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết, có năm đúng vào mùa đánh bắt, gió nồm thổi mạnh đưa cát từ biển trở vào làm cửa bị lấp hoàn toàn nên gần 100 tàu thuyền trong xã “đứng bánh” nhiều tháng liền, ngư dân đành đứng nhìn khơi xa. Cửa Lở - sông Vệ “lở 1 bồi 10” nên nhiều tàu thuyền không dám vào cửa vì sợ mắc kẹt đành neo đậu ngoài biển rất nguy hiểm. Đã có nhiều tàu bị chìm do bất ngờ gặp sóng to, gió lớn...

Hậu quả của việc các cửa sông bị bồi lấp không chỉ gây khó khăn cho tàu thuyền mà còn hạn chế khả năng tiêu thoát lũ. Mỗi khi có bão lũ, ở các vùng hạ lưu bị ngập úng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, có nơi còn gây mặn hóa hoặc ngọt hóa vùng đất canh tác, làm ô nhiễm môi trường dẫn tới thay đổi hệ sinh thái do lưu lượng nước lưu thông không tốt. Chính vì thế, việc chỉnh trị các cửa sông đang là vấn đề cấp thiết tại nhiều địa phương.

Theo ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh đã lập dự án (DA) đầu tư nạo vét, thông luồng cửa Đại - sông Trà Khúc và cửa Lở - sông Vệ trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư bố trí vốn nhưng vẫn chưa được chấp thuận; trong khi đó nếu đầu tư cho 2 DA trên, số tiền lên đến hơn 1.000 tỉ đồng, vượt quá khả năng của tỉnh.

Khai thông cửa Lở - sông Vệ, tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi rút ngắn hành trình ra biển, trú bão an toàn - ảnh: Hiển Cừ

Nhà đầu tư... ra tay

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện 18 tỉnh, thành phố (trong số 27 tỉnh, thành ven biển) có đến 101 cửa sông, cảng biển cần nạo vét. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn chế nên nhiều địa phương đã chủ trương cho phép các nhà đầu tư lập và thực hiện các DA nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu san lấp nội địa hoặc xuất khẩu. Hiện đã có 13 dự án đang triển khai thực hiện.

Riêng tại Quảng Ngãi có 3 doanh nghiệp gồm Công ty CP Saphia Quốc tế, Công ty CP Trường Phát Lộc và Công ty sản xuất thương mại - dịch vụ Ngọc Việt đang đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu tại cửa Lở - sông Vệ và cửa Đại - sông Trà Khúc với thời gian thực hiện trong vòng 4 năm (2009 - 2013). Tuy mới triển khai chưa được 6 tháng nhưng các DA trên bước đầu phát huy được hiệu quả tiêu thoát lũ và tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh bão.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã trích hàng trăm tỉ đồng từ lợi nhuận xuất khẩu cát nhiễm mặn để xây kè chắn sóng, kè ngăn mặn và các công trình phúc lợi, công cộng tại địa phương. Điển hình như dự án nạo vét cửa Lở - sông Vệ (do Công ty CP Saphia Quốc tế làm chủ đầu tư) đã chi 110 tỉ đồng xây 4 kè chống sạt lở ngăn nước mặn, xây trường học, làm đường giao thông cho các địa phương trong vùng dự án nên được người dân đồng tình ủng hộ.

Ngư dân Lê Văn Hùng ở xã Đức Lợi, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Mấy tháng nay cửa Lở được mở rộng và luồng sâu nên tàu ra vào rất dễ dàng. Khi có bão, chạy vào trú cũng nhanh chứ trước kia phải đưa tàu thuyền đi trú bão ở các nơi khác, rất nguy hiểm. Doanh nghiệp còn đầu tư làm đường bê tông, xây kè chống xói lở, người dân mừng lắm”.

Còn ngư dân Nguyễn Đức - chủ tàu QNg - 22899 TS ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, H.Tư Nghĩa bộc bạch: “Trước đây, cửa Lở bị bồi lấp nên muốn ra biển phải cho tàu chạy lòng vòng trên sông Phú Thọ mất hơn 2 giờ đồng hồ mới ra đến cửa Đại, tốn gần 20 lít dầu. Từ ngày cửa Lở được nạo vét chỉ cần hơn 5 phút đã ra biển được rồi. Đỡ tốn nhiên liệu nhiều lắm nên ngư dân ai cũng vui”.

Qua kiểm tra thực tế tại 11 tỉnh, ngày 3.11.2009, Bộ Xây dựng đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh, các dự án đang triển khai nạo vét đều thực hiện đúng theo thiết kế đã phê duyệt, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, thực hiện đủ nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Điều đáng nói là việc nạo vét, thông luồng các cửa sông bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.