"Sư tử Singapore" trong cơn suy thoái - Kỳ 1: Cỗ máy giật lùi

07/12/2008 23:56 GMT+7

Những bộ óc kinh tế của Singapore đã dự cảm từ rất sớm một sự đi tới chậm lại của cỗ máy kinh tế trong năm 2008. Nhưng đã ít ai ngờ cỗ máy đó có thể đi giật lùi.

Dự báo sớm

Sáng đầu năm 2008, trong thông điệp chúc mừng năm mới, Thủ tướng Lý Hiển Long đã cảnh báo rằng kinh tế Singapore năm 2008 có thể chỉ tăng trưởng 4,5%, thấp hơn nhiều so với con số 7,5% của năm 2007. Ông Lý đã nhìn thấy trước khó khăn: "Kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm tới giữa lúc thị trường tài chính đang có nhiều biến động. Và sự đi xuống của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến châu Á".

Các nhà kinh tế Singapore có khả năng quan sát và điều chỉnh rất nhanh những dự báo của họ. Không lâu sau thông điệp của Thủ tướng, ngày 14.2, Bộ Công thương (MTI) hạ dự đoán tăng trưởng năm 2008 xuống còn 4 - 6%, sau khi công bố tăng trưởng quý 4 năm 2007 giảm 4,8% so với cùng kỳ 2006. "Tình hình hiện tại cho thấy rằng nước Mỹ nhiều khả năng rơi vào suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm", thông cáo của MTI cho hay. Ngày 10.10, MTI tiếp tục hạ mức dự đoán xuống còn 3% sau khi công bố những con số suy giảm đáng kể của tất cả các khu vực kinh tế then chốt trong quý 3. Đến ngày 21.11, MTI công bố: Kinh tế Singapore rơi vào suy thoái sau hai quý liên tục giảm tăng trưởng. Quý 3 giảm 6,8% so với quý 2, quý 2 giảm 5,3% so với quý 1. Dự báo tăng trưởng năm 2008 được hạ xuống còn 2,5%; trong khi năm 2009 có nguy cơ tăng trưởng -1%.

Singapore với nền kinh tế 160 tỉ USD, xếp thứ hai châu Á về bình quân GDP trên đầu người, phụ thuộc nặng vào xuất khẩu và thương mại. Vì thế mà nó hết sức mẫn cảm với những biến động của kinh tế thế giới. Người ta có thể nhìn thấy ảnh hưởng rõ nhất trên ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu mà chủ yếu là hàng điện máy và dược phẩm y sinh, vốn chiếm 1/4 tỷ trọng kinh tế. Trong quý 2 và 3 năm 2008, giá trị xuất khẩu của chúng giảm lần lượt 5,2% và 11,4% so với cùng kỳ 2007. Riêng quý 2, xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ đã giảm 21%, sang EU giảm 12%.

Ngành công nghiệp dịch vụ chiếm khoảng 70% tỷ trọng kinh tế bắt đầu giảm tăng trưởng một cách rõ rệt, chủ yếu từ sự đi xuống của các hoạt động khách sạn, nhà hàng và dịch vụ tài chính. Mức tăng quý 2 và 3 lần lượt là 7,1% và 5,3% so với cùng kỳ năm 2007, trong khi bình quân tăng trưởng của lĩnh vực này từ năm 2004 luôn ở mức hai con số. Lĩnh vực xây dựng cũng giảm nhiệt với mức tăng quý 3 là 12,8% so với quý 2 là 19,8%.

Theo kết quả thăm dò do Công ty Nielson thực hiện công bố ngày 20.11, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Singapore ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Gần 50% số người được hỏi nói rằng họ sẽ chuyển sang dùng thực phẩm rẻ tiền và cắt giảm việc đi du lịch, nghỉ ngơi. Nhiều người đã bắt đầu đem bán những chiếc đồng hồ xịn.

Khủng hoảng tín dụng

Một ngày trước khi ngân hàng đầu tư khổng lồ của Mỹ Lehman Brothers giãy chết, trên mạng internet ở Singapore đã râm ran nỗi bất an của những người trót đem tiền đổi lấy những tờ giấy chứng nhận do các ngân hàng phát hành. Ngày 15.9, Lehman Brothers tuyên bố phá sản, hàng ngàn người thất thần. Họ đang nắm trong tay những trái phiếu có liên quan đến ngân hàng này. Và khi bi kịch xảy ra, theo tính toán của Tổng cục Tiền tệ Singapore (MAS), khoảng 11.000 người bị ảnh hưởng với trên nửa tỉ SGD (350 triệu USD) có thể bị "bốc hơi".

Người Singapore có tập quán đầu tư vào các sản phẩm tài chính như một cách tiết kiệm và sinh lợi. Chính phủ cũng khuyến khích việc này, bởi khả năng được lợi nhuận cao hơn gửi ngân hàng. Tuy vậy, không có nhiều người hiểu hết những rủi ro tiềm ẩn, bởi để hiểu được người ta phải đọc nhiều trang cáo bạch và điều khoản hợp đồng với nhiều thuật ngữ tài chính mà người không có chuyên môn khó lòng tiêu hóa nổi. Đặc biệt người già và người có trình độ thấp thì chỉ biết phó mặc cho nhân viên chào bán sản phẩm. Những gì họ được biết về các loại trái phiếu này là "lãi suất cao", "rủi ro rất thấp", là "kiếm tiền trên vai những ngân hàng khổng lồ được xếp hạng AA"... Chỉ đến khi Lehman Brothers sập tiệm, người ta mới vỡ lẽ rủi ro của người mua trái phiếu bằng rủi ro của tất cả các ngân hàng liên quan cộng lại.

Ngày 28.10, sau hơn một tháng căng thẳng dàn xếp và tính toán nhằm cứu vãn phần nào thiệt hại của người đầu tư, DBS - ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á và có phần hùn lớn của Quỹ đầu tư Temasek - tuyên bố trái phiếu HN5 do DBS phát hành mất hoàn toàn giá trị. Hàng ngàn tờ trái phiếu HN5 bị vứt vào các bao rác màu đen tại Công viên Hong Lim, nơi có "Góc phát ngôn" dành cho người biểu tình. Vứt bỏ những mảnh giấy từng có giá trị hàng chục đến hàng trăm ngàn đô la, người ta chỉ biết kêu trời mà chẳng "bắt đền" được ai.

Giữa lúc kinh tế khó khăn, nguy cơ thất nghiệp lơ lửng trên đầu, việc mất đi những khoản tiền chắt chiu trong nhiều năm, thậm chí cả đời, khiến công chúng Singapore đi từ thất vọng đến phẫn nộ. Họ trách ngân hàng và nhân viên tài chính làm công việc phân phối các loại trái phiếu đã "lừa" họ. Họ trách các cơ quan chức năng lơi lỏng để các hình thức đầu tư rủi ro len vào hệ thống tài chính quốc gia vốn được coi là trung tâm tài chính của châu Á, và không quyết tâm bảo vệ lợi ích của người dân khi sự cố xảy ra. Biểu tình diễn ra hằng tuần tại "Góc phát ngôn" thu hút hàng trăm người có lợi ích liên quan tham gia.

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về trách nhiệm của MAS trong sự cố này tại buổi ăn trưa với các phóng viên nước ngoài hôm 5.12, Thủ tướng Lý Hiển Long, từng là Chủ tịch MAS, nói: "Đó thuộc về trách nhiệm tìm hiểu thông tin của người đầu tư và trách nhiệm cung cấp thông tin của các ngân hàng phân phối. Chúng tôi được biết có chuyện mua bán không đàng hoàng đối với DBS HN5 và chúng tôi đang điều tra. Ngoài ra, MAS hay bất kỳ chính phủ nào không có quyền hay trách nhiệm nói với người dân đừng đầu tư vào những sản phẩm nào đó vì nó rủi ro cao".

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

Kỳ 2: Hiệp lực vượt bão

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.