Viện Kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Lương Quốc Dũng 9-10 năm tù

29/10/2004 00:18 GMT+7

* Tại sao Cơ quan điều tra không khởi tố vụ nhận 1 tỉ đồng để "chạy án"? Theo dự kiến ban đầu, phiên tòa xét xử vụ án nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT Lương Quốc Dũng phạm tội "hiếp dâm trẻ em" kết thúc ngay trong ngày 28/10 với việc tuyên án bị cáo vào lúc 15h30. Tuy nhiên, do có diễn biến mới trong quá trình xét xử nên đến 10h sáng ngày 29/10, bản án mới được tuyên.

Sáng sớm 28/10, lực lượng Cảnh sát trại giam Công an TP Hà Nội đã áp giải bị cáo Lương Quốc Dũng và Nguyễn Quỳnh Nga từ trại giam đến tòa. Bị cáo Dũng sức khỏe vẫn bình thường tuy có gầy hơn trước, bị cáo Nga đã sinh con trong bệnh xá trại tạm giam Hà Nội và mang cả con đến tòa (có nhân viên y tế đi kèm). Việc bảo vệ phiên tòa được lực lượng công an phối hợp với Cảnh sát hỗ trợ tư pháp triển khai rất chặt chẽ. 8h30 phiên tòa bắt đầu với Hội đồng xét xử do thẩm phán Hoàng Tân Thanh làm chủ tọa, 2 hội thẩm nhân dân là ông Nguyễn Thanh Hải và bà Đỗ Thị Minh Chi, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố là ông Vũ Đăng Hiếu và bà Lê Thị Bảo Yên. Hai luật sư (LS) Phạm Hồng Hải và Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Dũng. Cháu Y. cùng gia đình và các nhân chứng được bố trí ở một phòng riêng, được camera truyền vào màn hình trong phòng xử.

Các nhà báo không được dự phần thẩm vấn và tranh tụng tại tòa, nhưng trao đổi với các nhà báo sau khi rời tòa, các LS cho biết, đại diện VKS đã đề nghị mức án 9-10 năm tù đối với bị cáo Dũng, 6-7 năm tù đối với bị cáo Nga. Bị cáo Dũng khai nhận đã quan hệ tình dục với cháu Y. nhưng không có sự dọa dẫm, ép buộc mà có sự tự nguyện, đồng ý của nạn nhân.

Trong quá trình điều tra vụ án, Công an thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành xác minh các chứng cứ về dấu hiệu của một vụ "chạy án" cho Lương Quốc Dũng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ quan hệ giữa bà Nguyễn Hoàng An, cán bộ Sở TDTT Hà Nội đã nghỉ hưu và bị cáo Dũng. Qua sự trung gian môi giới của bà An, Lương Quốc Dũng đã nhờ bà An đưa cho bố mẹ cháu Y. số tiền 1 tỉ đồng, gọi là để "bồi thường". Việc trao số tiền trên đã diễn ra tối 6/1/2004 dưới sự chứng kiến của bà P.T.B (là thông gia của bà An) cùng 5 người con trai, con rể của bà P.T.B. Sau đó, gia đình cháu Y. đã làm đơn gửi Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) xin rút tố cáo việc cháu Y. bị hiếp dâm.

Bản kết luận điều tra số 156/KLĐT-PC16-Đ3 do thượng tá Lã Ngọc Tỉnh, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội ký ngày 15/7/2004 đã xác định rõ: mặc dù mẹ đẻ và bố dượng cháu Y. đều không thừa nhận có việc gặp gỡ với bà An và bị can Dũng để thỏa thuận và nhận tiền bồi thường, tuy vậy, Cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định: mẹ đẻ và bố dượng cháu Y. đã nhận tiền của bị can Dũng; nhưng đây là việc thỏa thuận bồi thường dân sự, nên Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với việc này.

Việc gia đình cháu Y. nhận một số tiền khá lớn như trên để làm đơn bãi nại cho thấy đây chỉ là một "màn kịch" giả danh chuyện bồi thường dân sự để giúp sức cho việc "xóa" một vụ án hình sự mà cả nguyên đơn và bị đơn đều có lợi. Vậy thì tại sao với những bằng chứng xác thực như vậy, Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án đưa và nhận 1 tỉ đồng để giúp sức "chạy án"? Theo ý kiến của LS Nguyễn Huy Thiệp, việc cáo trạng số 312/KSĐT-HS1 ngày 18/8/2004 của Viện KSND TP Hà Nội xác định không đủ tài liệu điều tra để kết luận việc đưa và nhận 1 tỉ đồng nói trên là mâu thuẫn với chính kết luận của Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội và những chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Nhóm PV Nội chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.