Xóm không chồng

27/11/2006 22:02 GMT+7

Xóm không chồng vào chiều chủ nhật lác đác buồn như cặp mắt của thiếu phụ B. mỗi lần nhìn nghiêng. Cái bụng to kềnh càng khiến B. phải liên tục thay đổi tư thế ngồi. Mỗi lần nhúc nhích, B. lại thở dài đánh thượt. Ngoài đường, đám trẻ con đang chí chóe giành nhau trượt trên một đống cát. Trong nhà trọ, những người thiếu phụ khác đang dán mắt lên màn hình karaoke. Một giọng nữ trầm cất lên đều đều: "Tiễn anh đi rồi em về gác lạnh đìu hiu...".

Mỗi người một cảnh

B. là thành viên mới của đại gia đình "không có đàn ông" trong dãy nhà trọ ẩm thấp của thị trấn Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Thai nhi mới đến tháng thứ 6 nhưng to khác thường khiến cô gái lần đầu tiên làm mẹ như B. khá vất vả. B. sống khép kín và luôn gây hiềm khích với mọi người. Ngày đầu biết mình có thai, B. hoang mang không biết mình... đã "ăn" trúng thứ gì. Và cho tới bây giờ, khi ngày sinh đã cận kề, B. cũng không thể nào giải thích được... Hôm đó, vừa thi tốt nghiệp lớp 12 xong, lớp B. liên hoan để chia tay bạn bè. Lần đầu tiên, B. uống rượu. Trong chếnh choáng men say, B. không biết ai đã dìu mình. Và đó là  đêm "kết liễu" một đời học sinh và "kết liễu" một đời con gái. Khi bị ba mẹ tra hỏi, B. chỉ biết lắc đầu nguầy nguậy. Người cô của B. đã "ngoại tứ tuần" nhưng vẫn đơn chiếc biết chuyện muốn B. sinh con để cô nuôi. Và B. rời Hưng Yên vào Bình Dương ở với người cô trong một ngày đầu tháng 10. Nhưng ở với cô cũng không yên. Nghe đồn có một cô bé còn non choẹt mà mang thai, mọi người cứ đổ xô nhau đến xem. Thế là cô cháu B. khăn gói đến "xóm không chồng" xin nhập hộ khẩu, sau khi biết tin đây là ngôi nhà chung cho những bà mẹ bất đắc dĩ.

Còn cuộc đời của D. thì bi kịch hơn. 24 tuổi cô mới biết yêu. Người yêu của D. là một tay giang hồ có tiếng, tên S. 12 năm trước, S. bỏ nhà vào Kon Tum làm nghề đãi vàng. Khi gia đình không hy vọng S. còn sống thì nhận được một bức điện khẩn. Anh ta bị đánh, đang trong tình trạng nguy kịch. Gia đình lần tìm đến nơi và đưa về chữa trị. Một năm sau, S. bình phục và đến tán tỉnh D. Thấy bản chất giang hồ vẫn chưa hết trong con người anh ta, gia đình D. ngăn cản và dùng những lời lẽ xúc phạm để S. tự ái mà rút lui. Anh ta tự ái thật. Nhưng thay vì rút lui trong hòa bình, S. lại "tặng" cho D. một đứa con. Và khi D. vác bụng lên nhà S. tố cáo, cả gia đình anh ta ra xua đuổi. Quá nhục nhã, D. quyết định đi giải quyết hậu quả nhưng cái thai đã đến tháng thứ 7. Thế là D. đành phải sinh con. Đứa bé ra đời mới được 3 tháng thì mẹ của S. qua đời. Trong lúc hấp hối, bà muốn được nhận cháu. Và D. lại ngậm đắng nuốt cay theo S. về để con được có cha. 3 tháng sau, căn bệnh ung thư của S. chuyển sang di căn (hậu quả những năm tháng đãi vàng trong vùng rừng thiêng nước độc). Thấy những khối u di chuyển khắp cơ thể S., người làng không hiểu nên đồn nhau là SIDA. Rồi S. chết! D. chưa hết nỗi đau của một người mang tiếng "chửa hoang" lại bị gọi là "mụ góa SIDA". Bị gia đình và làng xóm xa lánh, D. ôm con vào Bình Dương. Được một người bạn giới thiệu, D. tìm đến "xóm không chồng". Ở đây, D. không còn mặc cảm, không phải sống chui lủi. Nỗi đau của một góa phụ ở tuổi 24 cũng vơi đi... Giờ con D. đã 2 tuổi, mặt mũi rất khôi ngô.

Những bà mẹ trẻ tâm sự với nhau trong những lúc rỗi rãnh

Nguyên tắc của các bà mẹ ở "xóm không chồng" này là "nói không với công ty ngày chủ nhật". Họ dành một ngày để quây quần bên nhau, chăm sóc con cái. Những đứa trẻ lớn lên ở "xóm không chồng" không phải đi nhà trẻ mà đã có các bà mẹ thay nhau giữ. Chúng rất sạch sẽ và tươm tất. Thỉnh thoảng cũng có đứa buột miệng "ba của con đâu?". Nhưng tình thương của những người mẹ đã dồn hết cho con, nên chúng cũng quên đi sự khập khiễng trong gia đình. Ai cũng đặt cho con những cái tên rất ý nghĩa để mong tương lai của chúng sáng sủa hơn.

Người khai sinh "xóm không chồng"

"Xóm không chồng" được hình thành bởi hai người phụ nữ mạnh mẽ và đầy nghị lực. Cả khu nhà trọ có 13 phòng. Mỗi phòng có thể ở được 5 người. Những năm trước còn có thanh niên ở. Nhưng vì không chịu được sự ồn ào của trẻ con, họ đã chuyển đi. Phòng của L. là “trung tâm văn hóa” của cả khu. Có ti vi, có đầu đĩa, có dàn karaoke để mỗi chiều chủ nhật chị em ngâm nga. Phía dưới cái bàn thờ suốt ngày nghi ngút khói (nhưng không biết thờ ai), L. viết đậm hai câu "nổi loạn" của Bà chúa thơ Nôm: "Không chồng mà chửa mới ngoan. Có chồng mà chửa thế gian thiếu gì". L. là người đầu tiên có mặt ở ngôi nhà này. Ngày trước, L. là một cô gái đầy cá tính. Nhưng 24 tuổi rồi mà tới tháng vẫn không có "đổ máu" như những phụ nữ bình thường khác. "Chẳng hề hấn gì!", L. nghĩ vậy. Bà ngoại L. cũng có "giọt" nào đâu mà vẫn đẻ 12 đứa con. Ngày cưới cận kề, Q., người yêu của L. tuyên bố từ hôn. Thì ra thông tin L. " không có gì" rò rỉ  tới tai mẹ chồng tương lai. Bà khẳng định L. sẽ vô sinh nên không dám rước về. Chán nản, thất vọng, L. bỏ lên thị xã mở tiệm may. 5 tháng sau, cô nàng về quê với cái bụng to quá cỡ. Gia đình L. rối tung lên. Còn L. thì tỉnh như ruồi. Một ngày dăm bảy bận, cô nàng mang chiếc váy bầu sặc sỡ hoa lá cành, tai nhét phôn, lượn lờ từ làng trên xóm dưới. Mỗi lần đi qua nhà Q., L. không quên cất vài câu hát véo von. Ba mẹ hầm hầm nổi giận. Người trong làng nhìn L. như muốn ném đá. Nghĩ mình không thể tồn tại ở quê hương, L. rời Hải Dương vào Nam.

Được bạn bè cùng quê vào trước giúp đỡ, sinh con xong, L. thuê phòng mở tiệm may. "Có cái nghề trong tay, không bao giờ chết đói" - L. tuyên bố. L. là trụ cột của các chị em khác, là người gieo vào những bà mẹ bất đắc dĩ niềm tin vào cuộc sống, lòng lạc quan, là người xốc lại tinh thần cho những ai sắp quỵ ngã. L. tâm sự rằng, đêm về cũng vò võ lắm chứ. Nhưng không được phép buồn trước mặt chị em. Cô nói chắc như đinh đóng cột, nếu ở nhà, một năm sẽ sinh một đứa cho gia đình Q. biết tay. Con trai L. đã 3 tuổi và rất thích truyện Sọ Dừa. Mỗi lần nghe tới đoạn mẹ Sọ Dừa ra vườn, thấy một dấu chân lạ, bà  liền ướm thử chân mình vào, thế là về nhà mang thai, sinh ra Sọ Dừa, cu cậu cứ hỏi: "Mẹ ướm chân vào đâu mà sinh ra con". Những lúc như thế, L. phải nói tránh đi cho qua chuyện.

N. là người quan trọng thứ 2 trong cái "xóm không chồng" này. Cô đã từng có một niềm vui lớn lao, đó là cảm hóa được một con người. Ngày đó, người yêu của N. là sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Nhưng vì nghiện ma túy, sang năm 3 bị nhà trường đuổi học. Anh ta vào Bình Dương và được N. cưu mang. Nhưng "đất rắn chẳng nặn nên nồi", người yêu của N. đã cao chạy xa bay khi N. mang thai tháng thứ 9. Sinh con ra, không tiền, không nhà, không có người thân, N. xin ở tạm với một cô bạn cùng quê. N. bắt đầu rà soát lại danh sách những người đàn ông quen biết. Và cái tin N. có thể "phục vụ" bất cứ lúc nào lan nhanh trong cánh mày râu. Nhưng khách của N. cũng chỉ là công nhân, vì thế N. phải lấy giá rất bèo... Có những người chưa có tiền, N. cho ký nợ, tới ngày lĩnh lương trả. Có người ký nợ nhưng không chịu trả, N. đã phải muối mặt đến thẳng công ty để đòi. Cũng nhờ thế mà L. biết chuyện, đến tìm và đưa N. về sống cùng. Ngồi kể lại những ngày tháng cơ cực đó, N. ôm mặt khóc rưng rức.

Nhưng không phải ai trong "xóm không chồng" cũng bị người yêu chối bỏ trách nhiệm. Ph. là một ví dụ. Cô đã 40 tuổi, làm công nhân từ lúc còn tuổi hăm. Khát khao có một đứa con xuất phát từ lần cô vào bệnh viện mổ khối u. Nhìn người ta có chồng, con chăm sóc, Ph. cảm thấy chạnh lòng. Thế là sau khi bình phục, cô "tút" lại nhan sắc và không lâu sau thì cô chuyển hộ khẩu về "xóm không chồng". Ở cái xóm này, không riêng gì Ph. mà còn có H., Th., Kh... đều như vậy. Họ là những người đã bán tuổi thanh xuân trong các công ty đầy bụi bặm. Giờ đây nhìn lại, ai cũng đã thuộc vào hệ "gái già" nên chuyện kiếm một tấm chồng quả là khó khăn. Vì thế, họ muốn có một đứa con do chính mình sinh ra để nương tựa lúc tuổi già.

Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.