Mối quan ngại từ CH Czech

07/12/2008 00:08 GMT+7

Hành động của một số cơ quan công quyền CH Czech mới đây đã gây lo ngại cho cộng đồng người Việt làm ăn lương thiện tại quốc gia này.

Cộng đồng năng động

Cộng đồng người Việt ở CH Czech hình thành và phát triển bắt nguồn từ quan hệ truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Tiệp Khắc, từ các hiệp định hợp tác về đào tạo cán bộ, hợp tác lao động và người Việt  từ các nước châu u khác sang. Người Czech nhìn chung rất coi trọng sự chăm chỉ, cần cù, thông minh, chịu khó của người Việt Nam trong học tập cũng như lao động.

Vào thập niên 90 thế kỷ trước, cộng đồng người Việt bắt đầu chuyển sang công việc kinh doanh, đồng thời phong trào đón gia đình, người thân cũng làm cho số lượng người Việt tại Czech tăng lên rõ rệt. Số lượng người Việt thành công trong kinh doanh cũng gia tăng. Cộng đồng người Việt thường tập trung đông tại các trung tâm thương mại, thành phố lớn, chợ đường biên và về sau phát triển ở những khu phố nằm ngay tại quảng trường trung tâm các làng và thành phố. Lúc đầu người Việt làm việc với mục đích lấy lại vốn thật nhanh để xoay vòng và cuối cùng là đầu tư tiếp. Bởi thế mà người Việt đầu những năm 90 thường đi bán tại các khu chợ  và phần lớn thường bán đồ giá rẻ không rõ nguồn gốc như quần áo, đồ điện... Từ năm 2004, khi Czech sắp sửa gia nhập EU, hải quan thường xuyên kiểm tra hàng hóa không hợp pháp, nhiều cuộc kiểm tra kéo dài và diễn ra liên tục. Sau khi Czech gia nhập EU, xóa bỏ biên giới với các nước láng giềng, tiểu thương trong các khu chợ đều bị giảm nguồn thu, một số khu chợ đã phải đóng cửa. Thời gian này, câu hỏi: “Ở lại hay hồi hương?” là một đề tài nóng hổi trong cộng đồng người Việt tại Czech.

Nhưng có lẽ do khả năng thích nghi cao, cộng đồng Việt đã chuyển sang phương thức kinh doanh khác. Nhiều người bắt đầu cung cấp hoa quả, rau xanh và đồ của họ thường rẻ hơn một chút so với của người Czech. Sau đó nhiều người tìm tới các cửa hàng kiên cố hơn, vừa là chủ vừa kiêm luôn bán hàng. Thường họ thích kinh doanh mặt hàng hoa quả hơn nhưng rồi lại thêm vài chai nước lọc, đồ đóng hộp... và bây giờ hầu hết tại các khu trung tâm, chân nhà cao tầng tại các thành phố lớn đều đã xuất hiện rất nhiều “siêu thị nhỏ” của người Việt. Không chỉ vậy, có thời gian người Việt rộ lên phong trào đi học và mở tiệm làm móng.

Tính cần cù, chăm chỉ, khéo léo của người Việt từ thế hệ trước đã khiến nhiều nhà máy tại Czech muốn tiếp tục đón nhận công nhân Việt Nam vào làm việc. Vì vậy, làn sóng người lao động nhập khẩu tăng cao. Với visa lao động hoặc kinh doanh, số người Việt được bổ sung thêm khoảng 14.000 người trong hai năm qua, chiếm hơn 1/4 số người Việt đang sinh sống tại Czech.  Giới trẻ Việt đang theo học tại các trường cũng được đánh giá là rất giỏi. Điểm số trung bình 1,3 cho các em đang theo học cấp 1 và cấp 2 (điểm cao nhất là 1, thấp nhất là 5); 1,7 cho các em đang theo học cấp 3 và phần lớn sinh viên đại học đều ra trường với tấm bằng đỏ trên tay.

Trong dịp Quốc khánh Việt Nam 2.9 vừa qua, Thủ tướng CH Czech Mirek Topolánek đã khẳng định sự hợp tác lâu dài, bền vững giữa Czech và Việt Nam. Ông cũng đánh giá cao về cộng đồng người Việt ở Czech.

Vấn đề nảy sinh

Khoảng trước năm 2006, hầu hết phương tiện thông tin đại chúng Czech khi đưa tin tức xấu về người Việt như bán hàng cấm, vượt biên... đều sử dụng cụm từ “người châu Á”. Nhưng trong 2 năm gần đây, những tin về thu bắt hàng cấm, kiểm tra trung tâm thương mại, trồng cần sa... đều được đưa lên phần tin nổi bật trên truyền hình và trang nhất của các báo với danh từ “Vietnamci” (người Việt Nam). Thậm chí một số công ty còn sử dụng hình ảnh, âm thanh, lời nói công khai bôi nhọ cộng đồng người Việt dưới góc nhìn hài hước để làm quảng cáo. Một số đã bị cấm trình chiếu, một số vẫn được cho phép (nếu không có tên Việt Nam trong đoạn quảng cáo). Mới đây, Việt Nam cũng là một trong những nước không có tên trong dự thảo cấp thẻ xanh dành cho người lao động. Gần đây nhất là “trận vây bắt” tại khu Trung tâm thương mại Sapa ở thủ đô Prague, gây phẫn nộ cho nhiều người. Quyết định ngừng cấp visa đối với người Việt Nam của Đại sứ quán Czech tại Hà Nội cũng vấp phải nhiều phản ứng bất bình.

Nhiều bài báo trong thời gian gần đây viết có nhiều băng nhóm tội phạm trong cộng đồng người Việt cũng như tại Việt Nam đã nhận tiền để làm visa cho người Việt sang Czech. Nhưng rất ít bài báo đề cập đến vấn đề là trách nhiệm của các công chức Đại sứ quán Czech tại Việt Nam ở đâu? Số tiền nhận đó được xử lý như thế nào, và tại sao lại có thông lệ đó? Với nhu cầu 151.000 lao động cho các ngành nghề tại Czech, 14.000 người Việt nhập cư trong hai năm qua không phải là con số quá lớn; tuy nhiên nhiều lao động Việt Nam sang đây không có chuyên môn, lại mang một khoản nợ khá lớn ở nhà, trong khi visa có khi chỉ là loại ngắn hạn (3 tháng) thử việc. Với thông tin không đầy đủ và những điều hứa hẹn “trên trời”, nhiều người qua đây đã vỡ mộng khi nhận được mức lương chưa đến 300 USD, không đủ trang trải tiền nhà và tiền ăn tối thiểu cho một tháng. Không chỉ thế, tiếng bản xứ không biết, luật pháp không thông nên nhiều người đã bị hỏng giấy tờ dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Áp lực về những khoản nợ ở nhà, công việc không đủ cho những nhu cầu tối thiểu đã khiến một số ít người làm liều, từ những việc như đi tàu trốn vé, trộm cắp trong các cửa hàng, siêu thị cho đến tiếp tay cho việc trồng cần sa.

Chiến dịch kiểm tra được kéo dài từ thành phố Plzen, Brno và đỉnh điểm là cuộc kiểm tra Trung tâm thương mại Sapa ngày 22.11.2008 là hành động mà cơ quan công quyền Czech thực hiện để giải quyết các vấn đề trên. Tuy nhiên, hành động mạnh tay của họ đã đi quá một cuộc kiểm tra thông thường, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng quyền lợi, nhân phẩm của những người làm ăn hợp pháp. Nhiều người Việt dù có giấy tờ hợp pháp hay không đều bị quây lại trong dải phân cách của cảnh sát, trong đó có hơn 30 trẻ em, phụ nữ mang thai dưới cái lạnh 0 độ C suốt hơn 3 tiếng. Cảnh sát còn vào lục soát chùa, bắt một phật tử gần 80 tuổi đang coi sóc chùa ra ngoài và dàn cảnh quay trong nhà hàng Little Hà Nội với cảnh phá cửa sau (trong khi cửa trước mở, khách vẫn ngồi ăn sáng) bắt giữ, hành xử thô bạo với người phục vụ quán. Với 2 trực thăng, 800 cảnh sát, hai xe thiết giáp phong tỏa khu trung tâm thương mại Sapa, hành động trên của cảnh sát giống như một cuộc bố ráp vào hang ổ tội phạm vậy. Sapa không chỉ là một trung tâm thương mại mà còn là trung tâm văn hóa, tinh thần của người Việt tại Czech hay còn được gọi là Little Hanoi. Điều đáng nói là cuộc kiểm tra này rốt cuộc đã chẳng thu được kết quả gì, ngoài việc bắt giữ một người vô gia cư được cộng đồng người Việt tại đây cưu mang và thu được một ít hàng hóa cấm.

 
Nhiều người Việt tại khu trung tâm thương mại Sapa bị quây lại để kiểm soát - Ảnh: D.L

Phản ứng

Ngay ngày 22.11, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại CH Czech và nhóm Viet & Czech Friends cùng viết đơn tố cáo hành động của cảnh sát. Chỉ sau 3 ngày đã có 168 chữ ký không chỉ của sinh viên người Việt mà còn rất nhiều sinh viên, giáo sư người Czech và đơn đã được nộp lên Hạ viện ngày 26.11. Đơn tố cáo này vẫn tiếp tục thu thập chữ ký và gửi tới các tổ chức quốc tế. Cũng ngày 22.11, Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt Nam đã ra thông cáo không đồng tình với cách hành xử của cảnh sát Czech.

Ngày 30.11, phát ngôn viên của Tổng thống Czech Václav Klaus tuyên bố tổng thống không đồng tình với hành động kiểm tra tại Sapa. Không những thế, ông còn bất bình với việc Czech ngưng cấp thị thực tại Việt Nam và đã gửi công văn tới các bộ trưởng Nội vụ và Ngoại giao. Anh Nguyễn Sơn Tùng, sinh viên Đại học Tổng hợp Charles - nói: “Tôi thật sự vui mừng khi nghe được những lời tổng thống nói. Nhưng chúng ta cần một lời xin lỗi từ Chính phủ Czech. Hơn nữa cần phải cùng hợp sức giúp cho cộng đồng chúng ta ngày một tốt hơn”.

Song song với việc phản đối hành động của nhà chức trách, Đại sứ quán Việt Nam cùng Hội người Việt Nam tại CH Czech đã kêu gọi bà con Việt kiều trên lãnh thổ Czech, Chi hội người Việt và các hội đoàn thể tiếp tục đoàn kết, chống lại tệ nạn tại một số nơi do một số ít người Việt gây ra; kêu gọi bà con sinh sống, làm ăn lành mạnh, tuân thủ luật pháp và hòa nhập xã hội sở tại. Hiện Hội người Việt Nam đã quyên góp được hơn 2.000 áo ấm dành cho những người Việt không có điều kiện. Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại CH Czech và nhóm Viet & Czech Friends cũng có kế hoạch tổ chức những khóa ngắn hạn giúp đỡ người Việt Nam mới sang hòa nhập vào xã hội Czech.

Diệu Linh (từ CH Czech)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.