Kinh nghiệm phát triển ngôn ngữ cho trẻ

04/12/2008 14:38 GMT+7

Đối với trẻ, không chỉ dạy các cháu múa, hát hay những trò chơi đơn giản mà phải có những trò chơi, đồ chơi có khả năng phát triển thể trạng và trí lực.

Tốt nghiệp lớp sơ cấp cô nuôi dạy trẻ từ năm 1986, tính đến nay đã tròn 22 năm cô Trần Thị Thu Hà, hiện là giáo viên trường Mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) gắn bó với ngành học mầm non. Cô vừa được nhận giải thưởng Võ Trường Toản của Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng do những sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy trẻ, cô Hà nói: “Các cháu luôn tỏ ra sợ và có thái độ cảnh giác khi ở với người lạ mà không có người thân bên cạnh. Vì vậy, mình phải luôn thân thiện, tạo mọi điều kiện để các cháu yên tâm ở lại trường. Mỗi cháu đòi hỏi một sự thân thiện riêng nên ngày đầu nhận trẻ vào lớp, tôi thường hỏi sơ qua ba mẹ các cháu về những yêu ghét của trẻ để từ đó tạo nên những điều quen thuộc mà hằng ngày các cháu thường gặp trong gia đình”.

Để thu hút được các bé hằng ngày trên lớp, cô không mải chỉ dạy các cháu múa, hát hay những trò chơi đơn giản như Nu na nu nống hay Rồng rắn lên mây mà phải có những trò chơi, đồ chơi có khả năng phát triển thể trạng và trí lực cho trẻ. Cô tận dụng từng miếng giấy, bìa cạc-tông, xin vải vụn từ các tiệm may gần nhà để chế tác lúc là trái bóng, lúc là chiếc găng tay, chiếc vớ, búp bê, chiếc yếm ăn, chiếc nón, hình các con thú ngộ nghĩnh... mang đến lớp. Từ những đồ chơi này có thể nghĩ đến những phương pháp giúp phát triển ngôn ngữ cho trẻ, hướng dẫn trẻ những kỹ năng tự phục vụ vì hằng ngày thời gian các cháu ở với cô nhiều hơn ở nhà với ba mẹ và người thân. Do vậy cô giáo chính là người ảnh hưởng lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ.

Với chiếc yếm, các cháu dần biết cách tự đeo cho mình trước khi ăn, chiếc nón biết đội trước khi chào cô ra về, trái bóng thì biết lăn, biết tung hay biết đá ra xa, biết nhận biết màu sắc... Đặc biệt với sự khéo tay và cần mẫn của mình qua việc cắt, dán giấy, thêu may vải, cô Thu Hà đã dạy và cung cấp những kiến thức cơ bản về môi trường, về động thực vật có trên trái đất.

Nội dung giảng dạy của cô được thiết kế bài bản theo từng chủ đề, mỗi đồ vật được cô đặt những câu hỏi gợi mở để kích thích trẻ phát biểu chính là sự phát triển ngôn ngữ. Vậy nên không chỉ ở trường, mà ở nhà, các bậc phụ huynh cũng nên suy nghĩ, cân nhắc khi chọn đồ chơi cho trẻ và quan trọng là học cách chơi cùng trẻ. Nếu khó khăn có thể cùng đến trường trao đổi với giáo viên hay quan sát để về nhà chơi với trẻ.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.