6 tháng đầu năm 2011, kiềm chế lạm phát dưới 3,5%

25/12/2010 13:11 GMT+7

(TNO) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết đây là một trong những giải pháp ổn định thị trường tiền tệ năm 2011.

Thông tin trên được Thống đốc NHNN đưa ra tại phiên họp Báo cáo giải trình về lãi suất do Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức vào sáng nay 25.12, tại Hà Nội.

Thị trường tiền tệ và ngoại hối chưa ổn định

Trong báo cáo, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định tình hình thực hiện các chỉ tiêu tiền tệ năm 2010 cơ bản phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo an toàn hệ thống và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

Theo đó, lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông khoảng 75% chỉ tiêu được Thủ tướng phê duyệt; tổng phương tiện thanh toán tăng 23% (đã loại trừ hư số tăng của tỷ giá và giá vàng), cơ bản phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ; tiền mặt trong lưu thông tăng khoảng 15%, thấp hơn các năm gần đây; tín dụng tăng 27,65% (đã loại trừ hư số tăng của tỷ giá và giá vàng, tín dụng bằng VND tăng 25,34%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 37,76%).

 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu - Ảnh B.Cầm

Cũng theo Thống đốc, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng trưởng (tổng tài sản tăng 28%), đảm bảo an toàn thanh toán.

Về diễn biến lãi suất, Thống đốc cho biết, 10 tháng đầu năm 2010, lãi suất huy động và cho vay của các TCTD giảm dần, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ (đến cuối tháng 10.2010, lãi suất huy động bình quân 10,44%, lãi suất cho vay bình quân là 13,18%/năm). Từ đầu tháng 11, lãi suất tăng và hiện nay lãi suất huy động VND bình quân 12,44%, lãi suất cho vay VND bình quân 14,96%/năm, lãi suất huy động ngoại tệ bình quân 4,1%, cho vay 6,33%.

Từ đầu tháng 11, lãi suất huy động và cho vay tăng khoảng 1,5%/năm. Riêng trong 4 ngày, từ 7 - 10.12, lãi suất huy động VND tăng đột biến lên mức 17 - 18%/năm, là do Techcombank huy động tiết kiệm “3 ngày vàng” với lãi suất 17%/năm (tăng 3%/năm so với lãi suất huy động của các ngân hàng khác).

Theo Thống đốc, việc huy động và tăng lãi suất đột biến nói trên đã “tác động đột ngột làm tăng đột biến lãi suất trên thị trường, gây tâm lý lo ngại và dịch chuyển mạnh tiền gửi giữa các TCTD”.

Một số nguyên nhân tăng lãi suất trong 2 tháng qua được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu viện dẫn, trong đó đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng ở mức cao và kinh tế vĩ mô chưa ổn định, ảnh hưởng đến huy động vốn của các TCTD và thị trường ngoại tệ tỷ giá, tâm lý thị trường.

Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng là 2,5%

Liên quan đến nợ xấu ngân hàng, Thống đốc cho biết thêm, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2010 là 2,5%. Toàn bộ dư nợ của hệ thống ngân hàng đối với Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chỉ dưới 26.000 tỉ đồng và hiện đang cơ cấu lại 16.000 tỉ đồng. “Số này chưa đưa vào nợ xấu, và nếu tính vào cũng chỉ tăng 0,7%”, ông Giàu nhấn mạnh.

Nguyên nhân khác là do “thị trường tiền tệ có biểu hiện chưa ổn định, tính liên kết và tương trợ trong hệ thống hạn chế, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch khá phổ biến, làm cho khách hàng gửi tiền thiếu niềm tin, mặc cả lãi suất tiền gửi”.

Kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ

Tại phiên giải trình, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng báo cáo 6 giải pháp ổn định thị trường tiền tệ năm 2011, trong đó đáng chú ý là các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất ngay từ những tháng đầu năm (6 tháng đầu năm dưới 3,5%) để phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát cả năm không quá 7%, coi đây là điều kiện cơ bản để ổn định và giảm dần lãi suất thị trường.

Giải pháp khác là “các TCTD tiếp tục ấn định lãi suất huy động vốn theo mức “trần” 14%/năm và giảm dần theo xu hướng lạm phát, điều hành linh hoạt các mức lãi suất chính sách của NHNN”.

Toàn cảnh phiên họp Báo cáo giải trình về lãi suất do Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức - Ảnh B.Cầm

Đặc biệt, theo Thống đốc, sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, giá vàng biến động phù hợp với giá vàng thế giới và không có biến động đột biến, kiểm soát tỷ giá biến động thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng cung ngoại tệ, giảm cầu ngoại tệ như trong năm 2010, đi đôi với chống đầu cơ và găm giữ ngoại tệ.

Tại buổi giải trình, gần 10 thành viên Ủy ban Kinh tế cũng như các chuyên gia ngân hàng, tài chính đều cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ năm qua còn chưa thực sự chủ động, linh hoạt, theo kịp diễn biến thị trường thực tế; chính sách huy động lãi suất của các ngân hàng cũng như cho vay vốn đối với các DN cần phải đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi, vì vậy, cần có biện pháp khắc phục bất hợp lý trong việc các ngân hàng thương mại thì công bố lãi lớn trong khi các DN gặp rất nhiều khó khăn về vay vốn và chi phí sản xuất.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.