Đạo diễn trẻ Vũ Minh: "Tôi thích lật trái vấn đề"

25/11/2006 18:45 GMT+7

Thường lặng lẽ đứng ở góc khuất quan sát những "đứa con" tinh thần của mình và của người khác được tung hứng trên sân khấu trong vai trò của một đài trưởng hơn 9 năm nay, từng dựng những vở kịch vào hàng "cháy" vé ở Idecaf mà gần đây nhất là vở Hạnh phúc trên đồi hoa máu và Na Tra đại náo thủy cung, thế nhưng cái tên Vũ Minh hơi "chìm" vì "thân chủ" ít khi chịu mở lời về mình.

Thế rồi cái tên ấy có dịp vụt sáng khi được trao giải Đạo diễn trẻ xuất sắc trong Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006 vừa qua với vở Trái tim nhảy múa dựng từ năm 2005.

Gặp Vũ Minh trong một quán cà phê nhỏ vào buổi chiều sau Liên hoan Sân khấu xã hội hóa, vẫn gương mặt hơi "ngầu" nhuốm "mùi đường phố" như lời chủ nhân tự nhận, nhưng lần này có dịp nghe anh trải lòng về chuyện nghề, chuyện đời. Xen giữa những câu chuyện ấy, lúc nào cũng thấy bóng dáng của chữ "Tâm". Nhờ chữ "Tâm" ấy mà thời thơ ấu, anh và các em không trở thành những đứa trẻ du côn, thất học khi sớm bị đẩy vào cuộc mưu sinh ngoài đường phố sau khi ba mẹ ly hôn. Nhờ chữ "Tâm" ấy nên Vũ Minh tìm đến sân khấu bằng niềm đam mê cháy bỏng từ lúc là diễn viên trong đoàn rối Nụ Cười đến khi trở thành đạo diễn trẻ triển vọng của Idecaf.

Chữ "Tâm" đã khiến anh dốc hết sức trau chuốt, dựng nên những vở kịch đầy góc cạnh và "có cái để xem", từ Kẻ ghét đời (vở diễn tốt nghiệp Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) đến Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Người trong bóng tối, Tôi là ai, Hạnh phúc trên đồi hoa máu... Đặc biệt, với vở Trái tim nhảy múa, Vũ Minh cùng tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc đã chỉnh sửa kịch bản mất gần 2 năm trời bằng chính chất liệu từ cuộc sống mà Minh đã trải qua để làm cho thật "đã" mới thôi.

* Xem Trái tim nhảy múa, người ta cười mà thấy nhói lòng. Có bao nhiêu phần trăm cảm xúc từ cuộc đời thật của anh được chuyển tải trong đó?

 - Có lẽ đến 90% những tình huống, hoàn cảnh của nhân vật trong vở xuất phát từ chính quãng đời thơ ấu của tôi. Đó là khoảng thời gian khó quên khi ba mẹ chia tay, lập gia đình riêng, 5 anh em chúng tôi phải bơ vơ, sống dựa vào ông bà nội cùng các cô, chú. Ngày đó không muốn bị mang tiếng là "ăn bám" nên tôi kéo thêm đứa em ra đường bán thuốc lá, đậu phộng, bán chỗ xếp hàng... Có lần đi bán trước UBND thành phố, bị nhóm khác đuổi đánh vì dám giành địa bàn. Sau đó mới xin nội số tiền nho nhỏ để mua tủ thuốc ngồi vỉa hè đường Pasteur, cả ngày vừa bán, vừa học bài. Vì suốt ngày bám ngoài đường nên mới "thấm" cuộc sống cơ cực của trẻ bụi đời, mới hiểu cái sự "thèm" một mái ấm gia đình. Đây chính là chất liệu thật nhất để tôi có thể giúp các bạn diễn viên hiểu và cảm được tâm lý của nhân vật. Còn nhớ hôm tập đến đoạn cô bé Sàng được người bạn Việt kiều cho gói xôi, tôi kể cho Ngọc Trinh về việc mình từng trải qua cảm giác đói, được ai đó cho gói xôi, mừng đến nỗi không dám ăn, để qua ngày hôm sau bị thiu... khiến Trinh diễn cảnh đó xuất thần và cảm động.

* Không chỉ có Trái tim nhảy múa với những giai điệu hip-hop đầy ấn tượng, dường như lúc nào anh cũng thích tìm tòi và thể nghiệm những gì mới mẻ trong các vở kịch của mình? Liệu đây có phải là điểm "khác người" của Vũ Minh?

- Thật sự đề tài về trẻ bụi đời không hề xa lạ, nên nếu dựng không khéo sẽ rơi vào lối mòn, nhàm chán, do đó tôi quyết định đưa vào những giai điệu hip-hop trẻ trung để mang lại nét mới cho vở. Tương tự khi dựng vở Cậu bé rừng xanh, tôi muốn đưa những màn xiếc lên sân khấu vì nó sẽ cuốn hút những khán giả nhí - mà sau đó đúng là "hút" các em thật. Cũng như ngày trước, lúc dựng vở tốt nghiệp, tôi đã quyết định làm một vở có "khẩu vị" khác một chút khi kết hợp thêm ca và vũ kịch, dù phải nếm mùi cực hơn bạn bè cùng khóa. Không phải là tôi muốn chơi nổi hay khác người mà chỉ vì bản tính tôi là người thích lục lọi, tìm tòi để không rơi vào sự đơn điệu và rất thích lật trái vấn đề - tại sao cứ phải tuân theo chiều tâm lý thuận mà không thử chiều tâm lý ngược? Tại sao hễ buồn là khóc mà không phải là cái cười chua chát kèm theo biểu hiện từ nét mặt?... Và điều quan trọng hơn hết khi lật trái vấn đề nào đó là mình phải tìm ra được điều có ý nghĩa đọng lại sau cùng, vì nếu không chỉ tổ làm trò cười mà thôi. Chẳng hạn xem vở Hạnh phúc trên đồi hoa máu, nhiều người nghĩ tôi làm kịch kinh dị để gây chú ý, nhưng thật ra tôi chỉ mượn hiệu ứng ánh sáng, âm thanh như thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải vấn đề về tâm linh, về hạnh phúc theo một góc nhìn khác để mọi người cùng suy gẫm. Bật mí, sắp tới, tôi dự định sẽ dựng một vở kịch mà cách đặt vấn đề sẽ ngược 180 độ với suy nghĩ thông thường.

* Đến giờ hành trang của anh là 10 vở, với phương châm "chậm mà chắc". Có khi nào anh thấy mình "thiệt thòi" hơn so với những đồng nghiệp khác?

- Tôi không nghĩ đó là điều thiệt thòi, vì tôi luôn muốn mỗi "đứa con" của mình phải có sự đầu tư và trau chuốt thật kỹ càng trước khi đến với khán giả. Đó là lý do tôi thường chọn và làm rất kỹ khâu kịch bản trước khi lên sàn tập và đòi hỏi sự nghiêm túc, tập trung cao độ của diễn viên trong lúc hóa thân, xây dựng tính cách nhân vật. Trước đây mỗi năm chỉ dựng 1 vở, có thể vì lúc đó không tìm đâu thêm kịch bản mà mình tâm đắc. Chứ như năm nay, có đến mấy kịch bản đọc vào thấy hay, muốn dựng ngay nên đã "bội thu" cùng lúc 3 vở: Tôi là ai, Hạnh phúc trên đồi hoa máu và Na Tra đại náo thủy cung.

* Còn trẻ mà lại "kỹ tính" như thế, anh có ngại mình trở thành "ông khó ưa" vì cái sự "kỹ tính" ấy?

- Đòi hỏi diễn viên tập trung cao độ, nghiêm túc không phải là làm khó dễ diễn viên mà là thể hiện thái độ, cách thức làm việc chuyên nghiệp, tôn trọng lẫn nhau. May mắn là đội ngũ diễn viên mà tôi cộng tác luôn có ý thức cao trong công việc, không mắc bệnh ngôi sao mặc dù có những tên tuổi đầy tài năng, do đó tất cả mọi người đều làm việc hết sức cật lực. Nhớ lần tập Trái tim nhảy múa gần dịp Tết, có hôm phải tập từ 10 giờ tối đến 3 giờ sáng, ai cũng mệt nhoài nhưng không hề phàn nàn. Một may mắn khác là công việc làm đài trưởng sân khấu trong lúc đang theo học đạo diễn đã giúp tôi góp nhặt thêm nhiều vốn sống, đặc biệt từ cách sống của các diễn viên và mọi người cũng hiểu cách làm việc của tôi từ trước. Lên sàn tập thì phải đâu ra đó, còn sau buổi tập thì anh em hoàn toàn thoải mái, muốn làm gì cũng được, có mắng mình cũng chẳng sao (cười).

* Anh dựng những vở khiến người lớn phải suy gẫm nhưng cũng tỏ ra "mát tay" trong những vở dành cho thiếu nhi bởi sự hồn nhiên, trong trẻo. Vậy theo anh, dựng cho thiếu nhi và người lớn, cái nào khó hơn?

- Không có cái nào khó hơn hay dễ hơn cả. Có điều dựng cho thiếu nhi phải cực hơn một chút vì tâm lý các em luôn thích những gì bày ra trước mắt thật cụ thể, phải trực quan sinh động, không cần phải tưởng tượng nhiều. Trong vở Cậu bé rừng xanh tôi phải cho cả chú voi lên sân khấu hay trong vở Na Tra, phải cho các em thấy cảnh bay lượn, đánh nhau trên không thật hoành tráng; cảnh cái trứng mà Na Tra bước ra phải thật đẹp, thật ấn tượng thì các em mới tin. Phải hiểu trúng tâm lý mới thu hút được sự chú ý của các em.

* Nhìn lại những gì vừa đạt được, có thể xem như anh đã tìm thấy hạnh phúc với sân khấu, thế còn hạnh phúc trong cuộc đời thật của anh thì sao?

- Đến giờ nhìn lại, tôi thấy vui vì một thân một mình tự lập, sống có ích và đã dành dụm, mua được một căn nhà nhỏ để anh em quây quần với nhau. Vui hơn là 5 anh em tôi đứa nào cũng có công ăn, việc làm ổn định, không rơi vào con đường hư hỏng. Còn hạnh phúc riêng, trước đây tôi cũng từng có vài mối tình, trong đó đáng nhớ nhất là mối tình với một cô giáo, nhưng vì nhiều lý do nên đã "gãy gánh". Sau đó tôi lao vào công việc để gầy dựng sự nghiệp vì muốn làm "đầu tàu" và chỗ dựa cho các em. Bây giờ nhìn lại thì thời gian đã trôi qua, vẫn đi về một mình. Giờ thì không chủ động tìm kiếm nữa, mà tôi lại tin vào duyên số, có duyên khắc sẽ gặp...

Vân Anh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.