"Biển ơi, xin đừng khóc" - Truyện ngắn của Kiều Bích Hậu

15/11/2008 14:48 GMT+7

Tôi là một đạo diễn truyền hình, và với công việc có nhiều yếu tố nghệ thuật của tôi thì tôi không thích những người lính. Tôi nghĩ họ khô khan, cứng nhắc và tẻ nhạt, chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Còn những thứ ý chí của họ thì xa vời quá với tôi. Bấm vào đây để nghe đọc truyện

Khi nhận yêu cầu làm một phim tài liệu về người lính, tôi chọn lính hải quân. Dù sao, trong các kiểu lính, thì lính hải quân có chút gì đó khác biệt, phóng khoáng, lãng mạn. Trong một tích tắc, tôi quyết định làm một phim hay về người lính hải quân, và kỳ vọng một chuyến đi biển đã đời.

Tôi yêu biển kỳ dị và bơi giỏi như rái cá.

Cậu quay phim xả vào tai tôi:

- Sếp ơi, chuyến này chúng ta được một vị phó đô đốc hộ tống. Thật là oách xà lách! Trên tàu, ta sẽ ăn cùng vị tướng đó. Thử nghĩ mà xem, mình sẽ là thượng khách. Các chú lính quèn sẽ nhìn chúng ta bên vị tướng với ánh mắt xiết bao kính sợ.

- Ngậm cái mõm lợn của cậu lại – Tôi quát – Tập trung nghĩ xem cậu sẽ ghi hình ảnh tuyệt vời của họ thế nào. Những người lính da nâu, cứng cỏi với cổ áo sọc và đôi mắt đại dương. Cậu phải thu cho được những cái đó.

- Sáng hình nhưng trơn lông đỏ da và cũ mèm - Cậu quay phim cãi - Em muốn chõ ống kính vào những chỗ tối tăm hơn.

- Thế thì sẽ chỉ đốt phim và trừ lương – Tôi dịu giọng - Mấy mụ biên tập sẽ xẻo cậu làm món nướng.

- Ha ha ha - Cậu ta cười, bỏ ra khỏi phòng, dáng lòng khòng với áo sơ mi kẻ bỏ ngoài quần phất phơ. Phải công nhận đi làm với cậu ta tôi luôn thấy yên tâm, dù cậu ta hay cãi. Bù lại, có những góc quay của cậu ta chọn khi xem lại khiến tôi sửng sốt.

Tôi bước những bước nhún nhảy trên sàn tàu như một thiếu nữ, cảm nhận sự êm ái của đôi giày vải dưới chân và độ cứng rắn của con tàu. Nếu không có những chiến sĩ hải quân đứng thành hai hàng chào đón, chắc tôi sẽ nhảy lên vì thích. Tôi luôn quên rằng mình là người đàn bà năm mươi tuổi, tóc đã bạc hai phần và phải đi nhuộm nâu, tháng nào cũng chăm chỉ đến tiệm hai lần để chấm chân tóc. Tôi vẫn thích ăn ngon, mặc đẹp, thích son phấn và thích làm những phóng sự nổi gai.

Tôi tự tin vì luôn biết mình là ai. Tôi đặt chân lên chiến hạm khổng lồ này vì biết rằng mình sẽ làm được một phóng sự hay về lính hải quân. Một nữ đạo diễn sành sỏi vào loại một trong làng truyền hình thì biết mình cần làm gì để đạt được điều đó.

***

Ông hiện ra giữa boong tàu, giữa hai hàng lính. Ông không đội mũ nên mắt đầy nắng, thứ nắng vàng rực tinh khiết giữa biển bao la. Trông ông lạnh lùng, oai nghiêm, xa cách và từ con người ông tỏa ra thứ uy quyền khiến ngàn người tuân phục.

Tôi dừng phắt lại như vừa va mạnh vào bức tường vô hình. Đầu tôi váng vất và chân thì chênh vênh chới với như đang phải dẫm lên sóng biển.

- Chào chị Bạch Dương! - Ông chủ động bước tới, chìa tay ra cho tôi. Tay ông ấm và mạnh, cái xiết tay cũng mạnh, do uy quyền hay do quy định, tôi chẳng biết - Tôi nghe tiếng chị đã lâu trên truyền hình và rất ngưỡng mộ. Hôm nay mới được nhìn thấy chị tận mắt. Rất hân hạnh.

Ông tiếp tục nói trong khi dẫn tôi vào khoang tàu. Giọng ông trầm mà vang. Ông đang khéo léo xóa đi khoảng cách tự nhiên do uy lực của chính ông. Tôi bắt đầu cảm nhận lại sự êm ái của lớp giày vải dưới gan bàn chân. Tôi muốn có một cảnh ông đội mũ, đứng trên bến cảng, mắt sóng thẳng lướt qua hàng vạn người lính bên dưới như một khối uy lực mạnh mẽ mà ông có thể điều khiển chỉ bằng một mệnh lệnh ngắn. Một cú lia ngang ngoạn mục của ống kính thật hoành tráng.

Nhưng khi chỉ còn lại một mình trong phòng riêng, thì vị trung tướng hải quân kia sẽ là một người đàn ông như thế nào? Tôi lén nghĩ. Tôi biết mình không thể ngăn cản những ý nghĩ riêng tư, ngoài công việc ấy trong đầu. Con người già đi nhưng ý nghĩ lắm khi chẳng chịu già. Hơn nữa, ý nghĩ luôn được tự do. Và cũng như ai, tôi luôn biết lựa chọn, chỉ nói ra một phần ý nghĩ của mình.

Ông là Vương Đại Hùng, trung tướng, phó đô đốc. Để có được vị thế ấy, hẳn ông đã dành cả đời phấn đấu. Tôi lợi dụng việc làm phim để háo hức khai thác những gì về cuộc đời ông. Quả là một câu chuyện đáng giá và dễ ăn điểm khi lên sóng. Một chàng trai con nhà nghèo, mẹ mất sớm, với ý chí phấn đấu mãnh liệt, trở thành lính hải quân, rồi làm công tác cán sự, trợ lý, trưởng phòng, phó cục trưởng... và giờ đây là phó đô đốc hải quân, một vị trí đáng ước mơ và ngưỡng mộ.

***

- Nhìn suất ăn là biết họ sống thế nào - Cậu quay phim lấy đũa gõ vào khay inox đựng suất ăn trước mặt - Họ sẽ chỉ đủ sức chiến đấu với sóng và tưởng tượng. Chuyện các cô văn công khi phục vụ ở biển đảo về má nát bươm rất có thể là bịa đặt.

- Thế cậu nghĩ họ chỉ ăn mỗi loại đó thôi sao? - Tôi vung tay về phía biển xa - Họ bảo vệ cả vùng biển và thềm lục địa, cần phải có một năng lượng tinh thần khủng khiếp.

- Vậy thì chị có trả lời nổi câu này không? - Cậu ta nhìn tôi khiêu khích - Nếu ta đập vỡ một người lính bền dai và cứng rắn, thì ta sẽ nhìn thấy gì bên trong?

- Ý chí của họ, giống như kim cương.

- Em dám cá cả đời chị chưa sờ được vào kim cương. Chẳng lẽ chị không chịu nhìn thấy cái gì đó con người hơn sao?

- Cái gì?

- Khao khát được làm những gì mình thực sự muốn chứ không phải vì mệnh lệnh.

- Cái đó chỉ có trong đầu óc bệnh hoạn của giống nghệ sĩ nửa mùa như bọn mình thôi. Người lính thì khác.

Cậu ta nhìn tôi, ánh mắt như một ngôi sao tắt vụt, giọng cậu chán nản:

- Tình yêu ơi đừng để bị lừa. Em đi tìm rượu giải sầu với mấy chú lính đây.

Cậu ta phất phơ đi ra, tôi nghiêm giọng với theo:

- Này, Xồn Xồn, cậu có thể uống rượu say, nhưng tôi cấm cậu nhảy xuống biển.
- Biển thì có gì hấp dẫn chứ? Biển chỉ toàn nước mắt. Biển không có rượu, không có đàn bà.

Bó tay cậu ta. Nhưng Xồn Xồn vừa đi khỏi, tôi đã thấy lòng dạ cồn cào. Tôi bước lên boong tàu. Hôm nay ngày mấy mà trăng sáng thế này. Tôi bất chợt rùng mình, có ở giữa biển đêm, chới với chẳng biết đâu là bờ, thì mới thấu trăng suông thế nào, sáng lạnh, trong suốt miết mải và vô nghĩa khó lòng chịu đựng.

Tôi tan ra trong ánh trăng, không còn sức lực, không thể thực hiện nổi mong muốn bé nhỏ, là tựa vào lan can tàu để trút nước mắt xuống biển.

Tôi chẳng có gì cả, dẫu chỉ là một mong muốn bé bỏng.

***

Ông biết là nó sắp đến. Ông thèm khát mà lại sợ nó. Và chỉ có những lúc thế này, thì ông mới nhớ đến vợ. Vợ ông là người hiểu biết. Bà bảo: “Tôi biết, ông sẽ phải làm chồng tôi cho đến khi nào ông nghỉ hưu. Khi đó, ông sẽ có tự do”. Bà đóng cửa bà trước mắt ông. Ông cũng không mở ra nữa.

Ông nhớ hình ảnh người đàn bà ấy trên boong tàu. Một cơ thể rắn rỏi không tuổi tác, mái tóc ngắn màu hạt dẻ bị gió biển xới tung tóe, khuôn miệng tươi và ánh mắt tự tin. Những suy nghĩ nào dưới vầng trán ấy, dưới mái tóc nâu, để dựng nên những tác phẩm đất nước ám ảnh đến thế. Những suy nghĩ của một người đàn bà!

Ông luồn tay vào cặp khóa, dù nhắm mắt ông cũng biết nó nằm ở đâu. Cái vòng thép xanh như nòng súng, nhỏ và trơn nhẵn. Thế mà mỗi khi cơ thể ông phản ứng, thì chiếc vòng như mọc ra gai thép, đâm xuyên vào ông, đau trào nước mắt khiến ông xỉu đi.

Trước ngàn quân, ông là một tượng thần bằng xương bằng thịt, nhưng ông biết, có một đỉnh cao vô cùng khó chinh phục – đó là tinh thần lính. Nhưng ông và nó vẫn luôn tách biệt, ông có thể chạm vào nó mà chưa thể hòa nhập với nó.

Giờ đây, ông lại đeo nó vào người. Ông biết có người đàn bà đó, đang cùng ông trôi giữa biển bao la. Một cảm xúc đánh thức ông, và buộc ông nhớ đến cái vòng đó. Nó sẽ mãi mãi tròng vào đời ông, vì ông đã chọn làm một vị tướng. Ông luôn cất cái vòng trong một hộp bọc da, cẩn thận như cất đồ trang sức quý. Đôi khi ông nghĩ rằng mình thích nó, dù nó làm thể xác và tinh thần ông đau đớn. Ông thường giở nó ra ngắm nghía để nhớ lại mình, để biết mình đang có gì những lúc chơi vơi. Càng nhiều tuổi, ông càng hay ngỡ rằng mình chẳng có gì.

Ông bước ra. Chỉ có trăng và gió biển. Trăng suông khiến mùi biển cũng lặn xuống đáy. Chân ông khe khẽ rồi dừng lại. Người đàn bà tóc nâu quay phắt về phía ông. Những giọt đẫm trăng óng ánh trên gò má. Ông im lặng, chỉ nhìn thôi. Ông không muốn biết có chuyện gì. Và dù có chuyện gì, thì ông có dám đưa đôi tay cứng rắn của ông ra không?

Người đàn bà tóc nâu không tuổi tác đứng im lặng nhìn ông. Nước mắt không còn tuôn xuống biển. Dáng người tròn lẳn mềm mại được trăng tô vẽ thêm trông như một bức tượng vàng giữa biển. Ông sẽ nhớ hình ảnh này, mãi mãi. Ông ghi nhớ trong lặng lẽ đau đớn dưới thân thể mình.

***

Giấc ngủ cứ chập chờn trong cơn say sóng. Có phải là say sóng hay chỉ na ná thế? Tôi cảm giác rõ rằng mình đang ngủ giữa biển. Xung quanh tôi là biển, phía trên tôi là trăng và phía dưới tôi chẳng có gì. Tôi sẽ sẵn sàng rơi xuống cùng ông, dù phía dưới là địa ngục, chỉ cần ông đưa tay cho tôi.

Tôi đưa tay trái sang bên, cảm thấy bàn tay ông ấm và mạnh. Bàn tay muốn tôi chờ đợi. Phải, tôi sẽ chờ đợi. Tôi khép hai chân lại và cảm giác lan từ bụng ra khắp người run rẩy. Sóng biển vần vũ quanh tôi.

Buổi sáng, tôi mệt nhưng thỏa mãn. Tim đập lồng lộn như tim hổ. Tôi muốn nhảy xuống biển vùng vẫy. Cậu quay phim áp tải tôi qua những người lính chào mừng thái quá.

- Những anh lính đói khát này hình như quên mất tuổi tác của chị! - Cậu ta toang toác vào tai tôi - Này sếp, suốt tháng ngày lênh đênh trên biển chỉ có lính, nước biển và rượu làm em đây cũng thấy sếp đẹp lung linh.

- Cậu không cần nhắc đến tuổi tác của tôi! – Tôi lườm cậu ta – Xồn Xồn, còn bao lâu nữa thì tới đảo?

- Khoảng dăm hải lý nữa! - Cậu ta khoát tay – Tình yêu ơi, nhìn thấy ngọn hải đăng kia không, trông cô độc quá, nhỉ?

- Cô độc cũng là một đặc ân.

- Xin miễn cho tôi đặc ân đó - Cậu ta nhún vai – Đêm qua mà không gặp ông tướng của chị, thì em chết mất.

- Cậu đã làm gì? - Tôi sửng sốt.

- Thì em uống rượu, uống câu chuyện của ông ta. Đến say mềm, nôn thốc xuống biển, mãi mới lết về đến phòng ngủ.

- Ông ấy kể chuyện gì? - Tôi nôn nóng bấu tay cậu ta.

- Em không nhớ, thưa sếp, vì sau đó em đổ tuốt xuống biển. Biển rộng thế thì gì mà chẳng chứa được, kể cả những ám ảnh nhân tình. Ôi chao, đàn ông và đàn bà. Tình yêu như thuốc phiện vậy, nó làm ta lên tiên liền đấy, nhưng cũng đau đớn vật vã liền đấy, và không thể cai ngay được. Xin chúc mừng những kẻ đang yêu, những kẻ sở hữu cảm giác thần thánh.

- Đồ lừa gạt! - Tôi thất vọng.

Xồn Xồn quay nhìn tôi rất nhanh, ánh mắt như một vì sao băng tôi không hiểu nổi. Tôi nghèn nghẹn. Tôi đã đứng đó, mong ông lưu lại, dù chỉ thêm một phút. Một phút thôi, nhưng ông đã quay gót, vội vã. Tại sao? Rượu đã dìm ngập ông suốt đêm qua? Rượu có thể làm ông say, nhưng cùng lúc không khiến ông cảm giác có tội. Tôi bỗng thấy ông, trong một hình ảnh khác, một cơ thể bị tàn phá bởi rượu và nỗi chán nản kinh niên luôn phải che giấu.

“Khi bài ca tan vỡ Con tàu ra khơi xa
Không giọng nói nào gọi được chúng ta trở lại nhà...”
Tôi giật mình:

- Cậu muốn gì?

- À - Cậu quay phim lảng tránh - Chỉ là một đoạn thơ em chợt nhớ. Thưa sếp, trưa nay ta sẽ dùng bữa với vị phó đô đốc. Ông ta cũng phải ăn để sống, và uống rượu để quên.

***

Chiến hạm vượt qua từng con sóng bạc đầu. Quần đảo đã hiện ra trước mắt như một bức tranh. Cậu quay phim mê mải với máy quay, quên hẳn tôi. Tôi biết lúc này cậu ta chẳng màng đến ý đồ trong kịch bản của tôi. Tuy nhiên, sự bướng bỉnh của Xồn Xồn chưa bao giờ khiến tôi khó chịu.

Ông nắm tay đỡ tôi xuống tàu. Tôi suýt ngã vào ông. Còn ông nói đều đều, như để neo vào những gì ông nói:

- Tôi sẽ dẫn chị lên đài ra-đa, cao trên 500 mét so với mặt biển. Nếu thích, chị sẽ có ba ngày sống cùng mây trời.

Ông im lặng đi bên tôi. Đường lên đài quan sát quanh co bên triền núi, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh vắng lặng. Nếu không có Xồn Xồn phía sau thì mọi thứ sẽ hoàn hảo. Ông không nói gì nữa, chỉ có cảm giác gần gũi rõ ràng. Và cuộc chuyện trò thẳng thắn nhất đã diễn ra trong lặng câm.

“Hy vọng rằng, khi hết hạn làm lính, tôi sẽ yêu trọn vẹn. Tôi nghĩ tình yêu không có tuổi”.

“Tại sao không thể yêu trọn vẹn ngay bây giờ? Tình yêu không có tội”.

“Em có hiểu một tinh thần lính là thế nào không? Trong tâm tưởng của nhân dân, thì một người lính là toàn vẹn”.

Sự toàn vẹn ấy thì liên quan gì đến mây trời? Mây quấn chân tôi lại làm mỗi bước cất lên nặng cả ngàn cân. Giá như gió đủ sức mạnh quật ngã núi, đè lên chúng tôi. Sức mạnh của tôi ở đâu, ở đâu? Sức mạnh đã giúp tôi, mỗi sáng bước ra cửa, dù trong túi không còn một xu, vẫn có thể hát ca. Sức mạnh đã giúp tôi ly dị chồng ở tuổi ba mươi, tự mình nuôi cả hai con lẫn mẹ già và vẫn đủ bay bổng để làm những phim tài liệu tiếng tăm. Sức mạnh đã dạy tôi từ bỏ hai chữ ngại ngùng, dạy tôi cách sống tự do, làm được những gì mình muốn và sẵn sàng trả giá cho những gì mình muốn... Tất cả sức mạnh ấy, không giúp được tôi trước một tinh thần lính lớn lao này.

Tôi muốn nhảy xuống biển, bơi như cá. Người ta không bao giờ thấy cá khóc, ông cũng thế. Tôi bơi giữa nước mắt. Biển có cả nước mắt và rượu. Ông có thể uống rượu, nhưng không bao giờ dám uống nước mắt của đàn bà.

Khi bơi, tôi nhớ lúc ông đứng ngắm tôi giữa đêm trăng trên tàu. Tôi nhớ ông đứng chênh vênh bên bờ vực, chắn không cho gió tấp vào tôi, nhớ bàn tay tôi xòe ra chờ đợi bàn tay ông, trong cái đêm run rẩy ấy.

Tôi vun những cảm giác dịu dàng ít ỏi, để tự ru mình.

***

Ông ở lại đảo. Tàu đưa tôi và Xồn Xồn trở lại với những ngày tháng đều đặn của đất liền. Chiếc kim giây gõ thê thảm trong tôi, đếm lùi thời gian còn lại của tôi. Tôi buộc phải nghĩ rằng mình đã bước qua tuổi năm mươi mà đôi chân vẫn rắn chắc. Nhưng với bảy năm run rẩy tới đây, tôi không chắc mình có thể tới đích. Cuộc đời tôi thay đổi kể từ giây phút bước lên tàu. Tôi tin rằng điều lớn lao cũng chỉ bắt đầu từ một khoảnh khắc. Thời gian dài còn lại, chỉ là xây đắp ý nghĩa cho khoảnh khắc
ấy mà thôi.

Một đêm nữa trên tàu. Tôi trèo lên boong, tựa vào lan can giống đêm trước, quay mặt tuôn nước mắt xuống biển và cầu nguyện. Có ai thiết tha cho bằng tôi, có ai khổ đau cho bằng tôi. Tôi nguyện cầu cho quá khứ quay trở lại, chỉ cần một tích tắc đó thôi, giá trị hơn tất cả. Tôi quay phắt lại, ông hiện ra như thật như ảo qua màn nước biển mặn, tựa vào bầu trời lấp lánh sao. Tôi nghẹn ngào đưa tay về phía ông. Ông biến mất, để lại một hố đen trong không gian mang hình hài ông. Tôi thọc tay vào hố đen ấy, hòng cảm nhận chút vương vấn cơ thể ông. Cả hố đen cũng lập tức biến mất, chỉ còn lại trăng suông yếu ớt lạnh run rẩy. Hoàn toàn cô độc, tôi bất động lắng nghe tiếng bọt sóng vỗ phía đuôi tàu. Thế là hết. Nước xanh vỡ nát thành bọt trắng xóa, trắng xóa và tan đi vô hình. Tôi nhận đủ tiếng nước vỡ, sôi réo, òa ra và phá nát không khoan nhượng, chẳng còn gì cả. Con tàu xé rách mặt nước, tạo nên cú va đập quyết tử giữa hai mặt nước, vỡ tan. Máu tôi cũng hóa thành bọt sóng.

Tôi từng tự tin mình biết nhiều về cuộc đời, giờ mới ngộ ra mình chẳng biết bao nhiêu. Khi tập trung vào việc nuôi dạy hai con nên người, tôi chỉ coi những người đàn ông đi qua cuộc đời mình như những chuyến viếng thăm bất chợt, ngắn ngủi của cảm xúc. Bởi tôi tin, rằng đàn ông có hai bộ mặt khác nhau. Một bộ mặt trong nhà và một bộ mặt bên ngoài nhà. Tôi không biết bản thân họ thích bộ mặt nào hơn, nhưng với kinh nghiệm một người từng làm vợ thì tôi đã không chịu đựng được bộ mặt ở nhà của một người đàn ông. Điều tức cười ở đây, là trong hầu hết các trường hợp, đàn bà yêu đàn ông vì bộ mặt bên ngoài nhà của anh ta, và vì yêu quá mà cưới anh ta, thì phải chấp nhận sống cả đời cùng bộ mặt ở trong nhà của anh ta. Nhưng tôi cũng biết ơn những cái rưng rưng mà đàn ông mang lại, khi tôi chọn sống đơn thân, đã giúp tôi cất bước nhẹ hơn trên quãng đường dài dẵng. Khi các con đã lớn, đã tự lo sống được, tôi tưởng mình sẽ nhẹ tênh. Nhưng giờ tôi loay hoay trước biển, không thấy đâu là bờ, trời và biển, mộng và thực cứ trộn lẫn vào nhau.

Tình yêu sinh ra từ đâu và chết đi vì cái gì?

***

Ông ngồi như tượng bên mỏm đá cách đài quan sát vài sải chân. Biển kiên nhẫn ru đêm ầm ì trong cô đơn muôn trùng. Chỉ có những vì sao và tàu đánh cá đêm đang nháy mắt tình tứ với nhau. Ông ngước mắt nhìn chòm sao cao nhất, chòm sao luôn tiếp sức mạnh cho ông, nhắc ông về đỉnh cao. Ông còn muốn gì hơn nữa. Chẳng có gì hơn được, chỉ có công việc, công việc và công việc mới nuôi dưỡng niềm đam mê lâu dài trong ông. Còn tất cả những cái khác, sẽ như cơn gió thoảng qua, thoảng qua thôi. Công việc của ông là biển. Biển, những con tàu, mùi cá đậm đặc, ánh mắt lính đảo khi đón ông, những cung bậc của tiếng sóng là tất cả ý nghĩa cuộc đời ông. Một người đàn bà không thể chứa tất cả những ý nghĩa đó.

Ông tự ru lòng mình, và nhắm mắt. Một cơn đau nhói mơ hồ dội lên từ phía dưới cơ thể. Ông mở bừng mắt, từ một con mắt nhấp nháy xa xa, có thể người đàn bà tóc nâu, với thân thể không tuổi tác đang đứng bên mạn tàu, đang cùng ông ngắm chòm sao cao nhất ấy. Dù cách xa, nhưng họ vẫn có thể ngắm chung một chòm sao, chòm sao đã gắn với vận mệnh của ông.

Ông đưa cút rượu lên, ngửa cổ. Rượu là nước mắt cay chảy ngược.

***

Chưa bao giờ tôi làm được một phim tài liệu hay đến thế. Một phim huyền ảo, lung linh và đẹp như là không có thực. Tôi có thể xem nó hàng ngàn lần, ruột gan quặn thắt như bị treo ngược lên và quay tít. Tôi không thể im lặng mãi như thế này. Ông phải biết, chỉ cần ông biết mà thôi.

- Này, tình yêu của tôi - Xồn Xồn chống hai tay lên bàn, nhìn chòng chọc vào mặt tôi - chị đang bay đi đâu thế? Làm phim mới đi chứ!

- Cậu giở chứng hay sao thế? Mọi khi thì lười chảy thây, bao lần tôi phải lôi cậu từ quán rượu về, tống lên xe đi ghi hình. Lần này thì lại giục tôi. Hay đấy. Tôi đoán không đầy tuần nữa là cậu chết.

Cậu ta cười khẩy, tay vuốt vuốt chòm râu dê đểu giả. Hình như từ hôm đi biển về, ngày nào cậu ta cũng lướt qua phòng làm việc của tôi.

- Nếu chị chịu nghĩ ra một đề tài mới, tôi sẽ thưởng chị cái này, cái mà chị thèm chết đi được.

- Vớ vẩn! Cậu thì biết tôi thèm cái gì?

- Cái thân thể tôi đây, khơ khơ...

- Đồ gàn dở! Cậu không cần chờ thêm tuần nữa đâu!

- Đừng giết em vội, thưa sếp. Nó đây.

Cậu ta xòe tay, một mẩu giấy ghi số điện thoại di động.

- Đây là số điện thoại của ông ta, ông bạn rượu trên tàu của tôi.

Tôi vò mẩu giấy, ném vào sọt rác. Xồn Xồn thoáng phân vân, rồi bước ra khỏi phòng tôi.

Cậu ta vừa đi khỏi, tôi sục sạo sọt rác tìm mẩu giấy.

Trước mỗi hoàng hôn rầu rĩ, khi không còn gì để làm, không còn nơi nào để đi, tôi lại gửi vào dãy số ấy một niềm hy vọng. Chỉ nhận, không hồi âm, nhưng tôi hiểu rằng ông đã biết. Khi không chịu đựng được, tôi chạy ra biển. Nước mắt của tôi rơi xuống biển, nước mắt xanh ngăn ngắt, nước mắt sẽ tìm đến với ông.

“Tôi đã lên bờ, chúng ta gặp nhau nhé...”.

Tôi không tin ở mắt mình, tôi đọc đi đọc lại dòng chữ lạ kỳ, tôi lưu vào bộ nhớ điện thoại tin nhắn đáp trả đầu tiên.

Tôi chạy ào ra biển, tôi mặc bộ quần áo đẹp nhất, son phấn rỡ ràng, má ngời lên như gái mười bảy. Biển xanh rực rỡ, sóng hát và gió múa cùng cát trắng.

Sáng, trưa, chiều, tối... phân vân...

Tôi nốc từng ngụm rượu. Rượu là nước mắt cay chảy ngược. Biển đung đưa lộn tùng phèo trước mắt.

Xồn Xồn hiện ra như trêu ngươi, ánh mắt cậu ta như hai vì sao cháy rực.

- Thì ra là cậu! - Họng tôi đắng, mắt tôi nhức.

- Tôi muốn chị hiểu tôi! - Cậu ta lúng túng.

- Giả dối! Tàn nhẫn! - Nước mắt tôi trào ra.

- Không, tất cả đều là thực! - Cậu ta đưa tay về phía tôi. Tôi không chịu đựng được ánh mắt ấy.

***

Tôi chạy thục mạng ra biển, nhảy vào lòng biển. Giá biển có thể hòa tan được tôi.  

Truyện ngắn của Kiều Bích Hậu
“Trái đất ba phần tư nước mắt...”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.