Chương trình khung dạy nghề: Bao giờ có?

23/11/2007 10:06 GMT+7

(TNO) Chương trình khung (CTK), nằm trong Luật Dạy nghề được Quốc hội khóa XI thông qua, khởi động đã gần 1 năm nhưng đến nay, các trường dạy nghề (DN) vẫn chưa nhận được chương trình nào - dù chỉ là chương trình cho một ngành học - do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) ban hành.

Vừa dạy vừa... chờ

Hiện nay, toàn quốc có 55 trường dạy nghề. Thành phố Đà Nẵng có 2 trường là Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Đà Nẵng (công lập) và Trường CĐ nghề Hoàng Diệu (tư thục). Vào tháng 8-2007, tại Hội nghị xây dựng CTK của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, PGS-TS Dương Đức Lân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (TCDN) - “hứa”, trong tháng 10 sẽ ban hành 14 bộ CTK, thêm 18 bộ trong tháng 11 và 16 bộ còn lại sẽ được ban hành trong tháng 12. Thầy Nguyễn Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hoàng Diệu cho biết : “Chúng tôi đang đào tạo 5 ngành gồm 8 lớp với 360 học sinh - sinh viên (HS-SV). Trong khi chờ CTK, học kỳ 1 chúng tôi vẫn linh hoạt dạy chương trình chung cho các em, nhưng nếu qua học kỳ 2 CTK vẫn chưa có thì sẽ rất khó cho trường”.

Đồng cảnh ngộ với Trường CĐ Hoàng Diệu, lãnh đạo Trường CĐ nghề Đà Nẵng chia sẻ: “Khi nghe TCDN phổ biến sẽ ban hành 14 bộ CTK trong tháng 10, chúng tôi rất mừng vì trong đó đã đầy đủ các ngành học mà trường đang đào tạo, chỉ thiếu mỗi CTK cho ngành CĐ kế toán. Nhưng chúng tôi vẫn yên tâm vì có thể mượn chương trình đó của các trường khác. Tuy nhiên, đến nay mặc dù vẫn chủ động dạy song trường đang lo ngại khi CTK được ban hành, liệu 2 chương trình của Bộ và trường có được sự thống nhất, đồng bộ ?”. 

Nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng CTK, TCDN rất thuận lợi khi đã có nền tảng Dự án nghề bậc cao trước đây, cùng với CTK từ các trường dạy nghề cả nước tập hợp về. Nhưng sự tiến triển quá chậm của CTK đã đưa các trường vào tâm lý chờ đợi, càng “nóng ruột” hơn khi học kỳ 1 đã sắp hết, chương trình đào tạo chuyên ngành sẽ được triển khai vào học kỳ 2 và bây giờ đã giữa tháng 11, CTK vẫn “biệt vô âm tín”.

Giáo viên hay giảng viên?

Một vướng mắc nữa khi Luật Dạy nghề được triển khai là vấn đề tên gọi. Trường CĐ nghề Đà Nẵng, trước đây (khi còn là trường Kỹ thuật - Kinh tế Đà Nẵng) người giảng dạy được gọi là "giáo viên". Nhưng khi có quyết định chuyển lên trường CĐ, người đứng lớp phải là giảng viên. Bộ LĐ-TB và XH đã có văn bản hướng dẫn quy định điều kiện giáo viên, giảng viên nhưng do chưa có quyết định cụ thể nên không biết gọi họ là giáo viên hay giảng viên! Việc chưa phân định đó lại liên quan đến chế độ, quyền lợi của đội ngũ này. Chỉ tính riêng số tiết giảng dạy, giờ đứng lớp của trường CĐ chuyên nghiệp quy định từ 300 - 400 tiết/năm; trong khi giáo viên DN số tiết thấp nhất là 560 tiết, cao nhất là 640 tiết/năm. Hiện nay, số tiết của giáo viên Trường CĐ nghề Đà Nẵng vẫn áp dụng theo quy định trường nghề, nghĩa là số tiết dạy vẫn rất cao, trong khi, lương, chế độ, phụ cấp vẫn theo thông tư số 02 dành cho giáo viên DN, do chưa có quyết định chuyển đổi.

Không riêng giáo viên, HS trường CĐ nghề Đà Nẵng cũng đang lo âu cho “số phận" của mình. Khi có quyết định chuyển thành trường CĐ, Trường CĐ nghề Đà Nẵng có 25 lớp đã học được 5 tháng. Nếu theo quy định của trường nghề trước đây, khi tốt nghiệp (TN), số HS này sẽ được cấp bằng nghề 3/7, nhưng khi được “nâng cấp” thành CĐ, lãnh đạo trường cũng đã chủ động dạy thêm nhiều môn học để khi TN có thể cấp bằng trung cấp nghề (TCN) cho HS. Thấy trước vấn đề, lãnh đạo trường đã xin ý kiến Sở LĐ-TX và XH Đà Nẵng rồi Sở cũng đã “xin” Bộ LĐ-TB và XH, tất cả đều thống nhất để Đà Nẵng “thí điểm” cấp bằng TCN cho số HS này. Tuy nhiên, mọi chỉ đạo - từ Trung ương đến địa phương - đều bằng... miệng.

Niên học này, thời gian chỉ còn tính bằng tháng, bằng ngày nhưng nếu TCDN và Bộ LĐ-TB và XH vẫn “đủng đỉnh” như hiện nay thì sự hoang mang không chỉ đến với lãnh đạo các trường nghề mà cả với lực lượng lớn người giảng dạy và người học.

Bài, ảnh: Luân Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.